6 cựu cầu thủ Đồng Nai bán độ hầu tòa: Sự hối hận muộn màng
Phải hầu tòa vì bán độ, tổ chức và tham gia cá cược nhưng với cựu tuyển thủ Long Giang và các đồng đội ở CLB Đồng Nai, án phạt nặng nhất mà họ phải nhận chính là việc không biết làm gì khi chia tay bóng đá
Cả tuổi trẻ dành cho bóng đá nhưng chỉ vì máu mê cờ bạc, cộng thêm lòng tham che mờ lý trí, Long Giang, Hữu Phát và những đồng đội khác ở CLB Đồng Nai đã chấp nhận bán độ cũng như tham gia, tổ chức cá cược bất hợp pháp trong những trận đấu mà họ trực tiếp thi đấu. Khi sự việc bị phanh phui, sự nghiệp tiêu tan và đối mặt với án tù, nhiều người cảm thấy tiếc cho một thế hệ tài năng mà khi gặp chuyện rồi, kẻ trong cuộc mới thấm thía họ đã mắc sai lầm tồi tệ đến mức nào.
Các bị cáo ra tòa hôm 11-3, bìa phải hàng đầu là Phạm Hữu Phát, người bị tuyên án cao nhất với 6 năm tù Ảnh: XUÂN HOÀNG
Tình cờ gặp lại trung vệ Nguyễn Thành Long Giang cùng dự đám cưới một người bạn cách đây chưa lâu, cựu tuyển thủ U23 Việt Nam từng giành HCB SEA Games 2009 ở Lào tâm sự: “Sau biến cố, cuộc đời tôi là chuỗi ngày tồi tệ. Chị gái thương, rủ lên TP HCM cùng kinh doanh cửa hàng trang trí ô tô.
Bạn bè thân cũng hay gọi đi đá bóng phong trào cho đỡ buồn. Tuy nhiên, khi rời xa bóng đá mới thấm thía nỗi nhớ nghề. Câu hỏi “sau này mình làm nghề gì đây?” cứ ám ảnh, dằn vặt tôi khi không còn cơ hội trở lại với bóng đá chuyên nghiệp, kể cả trên ghế HLV”.
So với những đồng đội cùng “nhúng chàm”, Long Giang có điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Cha mẹ thường xuyên gọi Giang về Tiền Giang để hỗ trợ công việc kinh doanh. Ngược lại, những cầu thủ như Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện thì cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, sau “cú sốc”, mọi chuyện đi theo chiều hướng khác.
Niệm Tiến mở một quán nhậu bình dân ở quận 7 nhưng chỉ được một thời gian, công việc kinh doanh lại dở dang. Trong khi đó, Đinh Kiên Trung tối tối xách giày đi đá phong trào cho các đội bóng nghiệp dư, đổi lại có được ít tiền tiêu vặt, trang trải cho cuộc sống khó khăn khi đã có gia đình riêng.
Cựu tiền đạo đội tuyển U20 Việt Nam Nguyễn Đức Thiện tích lũy được ít tiền mở quán cà phê ngay trước thời điểm “nhúng chàm”. Cuộc sống của Đức Thiện tạm thời ổn định nhưng tiền đạo này vẫn không khỏi day dứt vì lẽ ra, cựu tiền đạo B.Bình Dương vẫn còn là chân sút có giá trị chuyển nhượng cao.
Hỏi cả 5 cầu thủ trong suốt thời gian tại ngoại, tất cả đều cho rằng không chơi bóng, họ cũng không biết làm gì. Dành cả tuổi trẻ cho sân cỏ, bỏ qua học hành tử tế nên giờ khi bị cấm thi đấu, Long Giang và đồng đội rất bối rối khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
“Cứ nghĩ kinh doanh sẽ dễ dàng nhưng áp lực tiền bạc, kinh tế gia đình... khiến nhiều lúc chán nản vô cùng. Chỉ hối hận là nếu còn được chơi bóng, có lẽ mọi chuyện đã không vất vả đến thế này” - Niệm Tiến cho biết.
Hữu Phát lãnh 6 năm tù Lúc 15 giờ 30 phút ngày 11-3, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với nhóm cầu thủ Đồng Nai và đồng phạm, bị cáo lãnh án cao nhất là 6 năm tù về 2 tội danh “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” khi tham gia dàn xếp tỉ số và cá cược trận gặp Than Quảng Ninh vào ngày 10-7 ở V-League 2014. Trong đó, Phạm Hữu Phát (nguyên đội trưởng Đồng Nai) bị tuyên cao nhất: 2 năm tù về tội “đánh bạc”, 4 năm tù về tội “tổ chức đánh bạc”. Các cựu cầu thủ: Nguyễn Thành Long Giang bị tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 4 năm; Nguyễn Đức Thiện 2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 5 năm; Hà Niệm Tiến 2 năm tù treo… Trong số 6 cầu thủ bị bắt trước đó, Phan Lưu Thế Sơn được xác định không phạm tội, Phạm Hữu Phát phải ngồi tạm giam kể từ ngày bị bắt, còn lại được tại ngoại. Ngoài trận này, các cầu thủ Phát, Trung, Giang và Thiện còn thừa nhận từng bán độ ở trận Đồng Nai làm khách tại sân Thanh Hóa vào tháng 5-2014. Tháng 4-2015, VFF đã cấm vĩnh viễn 5 cầu thủ này tham gia các hoạt động bóng đá. X.Hoàng |