2013 là năm "tiến hóa" của Tiki-taka?
Chiến thắng tuyệt đối của Bayern trước Barcelona và thắng lợi nói chung của người Đức mùa bóng này cho thấy rằng triết lý cơ bản của Tiki-taka, là kiểm soát bóng chủ động dựa trên những đường chuyền ít chạm, đã đi đến một trạng thái đa dạng và thậm chí siêu việt hơn.
Tiki-taka là gì?
Có thể là một câu hỏi thừa, vì Barcelona đã trình diễn lối chơi ấy trong nửa thập niên qua và giành rất nhiều danh hiệu với "vũ khí" này. Nhưng đôi khi chúng ta nhận ra lối chơi ấy khi chứng kiến họ thi triển, nhưng chưa thật sự nắm rõ triết lý chung của nó.
Tinh thần của nó bắt nguồn từ bóng đá tổng lực, do Rinus Michel sáng tạo và sau đó Johan Cruyff bổ khuyết, hoàn thiện rồi áp dụng tùy theo những biến đổi của bóng đá hiện đại. Và trái với nhận thức quen thuộc của chúng ta là cứ cầm bóng nhiều, hoặc chuyền nhiều thì là Tiki-taka, tinh thần của lối chơi này không nằm ở đó, mà ở sự phối hợp co giãn đều đặn, công thủ vẹn toàn của toàn đội, được liên kết dựa trên hai yêu cầu quan trọng nhất: Đơn giản và hiệu quả
Nói cách khác, đường chuyền chỉ là phương tiện lý tưởng nhất để cụ thể hóa sự đơn giản và hợp lý ấy trên sân bóng, và khi nó thấm vào máu các cầu thủ, thì hệ quả tất yếu là họ sẽ triệt tiêu quyền cầm bóng của đối phương bằng sự đơn giản, hợp lý ấy.
Johan Cruyff, cha đẻ của Tiki-taka, đã từng thú nhận rằng mình không bao giờ tập lừa bóng, vì nó dẫn đến sự phức tạp hóa lối chơi và giảm vẻ đẹp của nó. Lý luận của ông là tại sao cần phải rê qua 3-4 hậu vệ, nếu một đường chuyền đơn giản cũng đủ "chém đôi" bức tường ấy ra? Tại sao phải cố thực hiện những đường chuyền và pha bóng khó, trong khi một động tác cơ bản được thực hiện vào một thời điểm phù hợp có thể làm rung chuyển cấm địa đối phương?
Có một câu của Cruyff đủ để đúc kết tinh thần của Tiki-taka: "Đường chuyền đơn giản nhất không chỉ là pha bóng đẹp nhất mà còn là pha bóng khó thực hiện nhất trong bóng đá". Và đây là cái gốc của lối chơi này, từ thời bóng đá tổng lực cho đến khi được Barca thi triển.
Sự phức tạp của Barca
Barca từng thống trị thế giới vì họ làm được điều đơn giản nhất (mà cũng phức tạp nhất) ấy, bằng một công cụ mà có lẽ cho đến tận lúc này, không ai thuần thục bằng họ: Chuyền bóng.
Mùa này, Tiki-taka của Barca đã "chết yểu" trước Bayern
Nhưng xin nhắc lại, chuyền bóng chỉ là công cụ. Barca trong cả hai trận gặp Bayern (và không ít lần mùa này) không thể hiện được tinh thần cốt lõi của Tiki-taka: Đơn giản tột cùng. Bóng được chuyền đi luẩn quẩn, phối hợp phức tạp, nhưng bước vào 30 mét cuối cùng của đối phương là những đường chuyền rối rắm ấy "chết yểu".
Nó dẫn đến một thống kê bi kịch: Xavi lập kỷ lục chuyền chính xác 100% (96/96 đường chuyền đúng địa chỉ) trong 90 phút ở trận lượt về tứ kết Champions League hòa PSG 1-1, nhưng Barca hoàn toàn bế tắc và phải nhờ sự tỏa sáng của Messi cuối trận mới thoát hiểm. Công cụ (những đường chuyền) vẫn thật hoàn hảo, nhưng đó không phải Tiki-taka.
Khi công cụ ấy bị lạm dụng và phức tạp hóa, thì tinh thần của lối chơi ấy cũng đã "chết". Để đơn giản và hiệu quả, công cụ phải được vận dụng sáng tạo, và đủ nhiệt tình, khát khao, những phẩm chất mà Barca không thể hiện được vào thời điểm này.
Công cụ của Bayern
Cho đến tận bây giờ, ngay cả khi đã đè bẹp Barca sau hai lượt trận, Bayern vẫn không thể vượt qua được đội bóng xứ Catalunya ở khả năng chuyền bóng, nhưng họ chiến thắng bằng những "công cụ" khác, và chính nhờ những công cụ của riêng mình ấy, họ đã chạm đến tinh thần cốt lõi của Tiki-taka: Sự đơn giản.
Bayern tránh đấu với Barca bằng vũ khí sở trường của đội bóng TBN (những đường chuyền), mà tấn công vào mặt yếu của họ, đánh gục đến tận cùng những điểm yếu của đối phương: Thể lực, phản công, khả năng duy trì sự cân bằng đội hình hoàn hảo ở mọi thời điểm. Nếu như Barca thiên về bóng ngắn và di chuyển, thì Bayern sử dụng một tổ hợp các công cụ tùy theo thời điểm, và công cụ nào cũng đánh vào điểm yếu của Barca.
Hình ảnh đơn giản của Bayern thể hiện rõ ràng qua Thomas Mueller: Anh đã ghi 3 bàn sau hai lượt trận bán kết với Barca chỉ bằng xuất hiện đúng lúc và đúng chỗ.
Sự tiến hóa của Tiki-taka
Dortmund sử dụng công cụ tương tự Barca, nhưng cách họ chuyền bóng ở một tốc độ cao hơn hẳn và luôn hướng về phía trước (có phần nào rất giống lối đá của Arsenal ở mùa giải bất bại 2003/04). Trước các đối thủ khác Barca, Bayern cũng áp dụng công cụ này nhiều hơn hẳn (họ là đội cầm bóng tỉ lệ trung bình cao thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Barca), nhưng như đã nói, dù dựa trên khả năng chuyền bóng, thì đội bóng xứ Bavaria vẫn cố đa dạng hóa: Đánh đầu, sút xa, đột phá...
Beyern Munich có một mùa giải rất thành công
Tức là họ luôn mạo hiểm với các cơ hội, và cố nghĩ giải pháp đơn giản nhất để vươn đến khung thành, bất chấp nó có là gì đi nữa. Barca, vì lạm dụng những đường chuyền, có lẽ đã đánh mất tư duy đơn giản ẩy. Họ mải mê mài giũa công cụ, mà quên mất tinh thần cốt lõi của Tiki-taka là gì.
Tinh thần ấy, sau chiến thắng của các đội Đức mùa này, vẫn được bảo lưu, chỉ khác là nó được cải tiến bằng những công cụ tổng hợp sắc bén hơn. Barca vẫn là Vua chuyền bóng, nhưng họ sẽ phải xem xét lại chính mình. Lưỡi gươm vẫn rất sắc bén, nhưng đã bị sử dụng với một thái độ trì trệ và bảo thủ: Barca cần chém thanh gươm ấy theo nhiều cách, hơn là khư khư giữ lấy lối chơi ở nhịp độ quá chậm rãi và cầu toàn hiện tại.
Chiến thắng của Bayern và Dortmund mùa này đã chứng minh rằng: Tiki-taka có thể được "giải nghĩa" theo nhiều cách khác nhau. Thêm một sự tiến hóa khác: nhờ người Đức, lối chơi dựa trên sự thuần thục bản năng (do nhiều năm chơi cạnh nhau ở lò La Masia) hoàn toàn có thể được tạo ra nhờ tính tổ chức và khoa học, thậm chí được nhân rộng. Như mô hình mà bóng đá Đức đã theo đuổi gần một thập kỷ qua.