Ước mơ lầm lạc của tiểu thư khuê các

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Là con gái sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, bố từng là cán bộ lãnh đạo ở bệnh viện tỉnh Thái Nguyên, nhưng những bồng bột non trẻ trong cuộc sống đã khiến Lan Anh phạm tội lừa đảo và phá hỏng hạnh phúc của cả gia đình bé nhỏ của mình.

Thuở học trò lưu luyến

Giữa trưa hè tháng 8, với cái nắng nóng oi ả, tôi hết sức ngỡ ngàng khi có một cuộc gặp mặt với các bạn cùng lớp. 12B6 của khóa học 1987 – 1989 trường Lương Ngọc Quyến năm ấy làm sao tôi có thể quyên? Ký ức trong tôi bỗng ùa về…

Chủ nhiệm lớp tôi là cô giáo Thiện, phụ trách môn hóa học. Cô hiền lành như cái tên cô vậy, thế nhưng ngược lại lũ học sinh chúng tôi tinh nghịch nhất khối.
Hôm chia tay cuối cấp, tất cả chúng tôi (cả nam lẫn nữ) chọn một khoảng sân trường trống dưới những rặng phi lao, ngồi quây tròn bên cây đàn ghi ta, hát hò nhảy múa ầm ĩ. Bỗng tất cả im lặng! Rơi vào lòng mỗi người một nỗi buồn khó tả của chia ly, chúng tôi ôm nhau khóc sụt sịt.

Giờ đây, trước mắt tôi là các bạn của tôi, nhìn đứa nào cũng đĩnh đạc, nghiêm chỉnh. Cảm giác trong tôi dâng trào, tôi nhận ra khóe mắt mình cay cay, thực sự tôi không thể nào kịp ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Dĩ nhiên, khi các bạn xin gặp tôi, cán bộ trại giam đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được hưởng buổi thăm nuôi khá thoải mái. Bởi trong nhưng năm tháng ở đây, xét về quá trình lao động, cải tạo thi hành án. Tôi chấp hành mọi nội quy, quy chế cũng như quy định của trại giam đề ra, luôn gương mẫu đi đầu và tham gia tích cực các phòng trào thi đua… Chính vì thế, các kỳ xếp loại thi đua tôi được đánh giá cải tạo khá – tiêu biểu.

Cho nên chúng tôi có nhiều thời gian hỏi thăm sức khỏe của nhau, trao đổi về công việc, sự nghiệp và gia đình… Riêng tôi lại chạnh lòng, buồn buồn, tủi tủi. Niềm vui, nỗi buồn đan xen lẫn nhau, đôi khi câu chuyện bị ngắt quãng nửa chừng bởi tiếng nấc nghẹn ngào. Mặt tôi đỏ bừng, nóng rát… Không hiểu tại cái nắng, cái nóng hay trước các bạn, tôi tự hổ thẹn với chính mình? Với cả các bạn nữa! Như hiểu được ý định của tôi, thằng Quang ôm lấy bờ vai, rồi xoa đầu tôi như một đứa trẻ và an ủi…

Tôi muốn hét lên một câu nào đó! Rằng “Tớ nhớ các bạn”. Rằng “Tớ đã sai! Vì tớ lạc lối! Nếu không, giờ đây tớ đâu phải gặp các bạn trong nghịch cảnh như thế này”.

Ừ, đã hơn 10 năm rồi còn gì!

Những vệt nắng chói chang xuyên qua kẽ lá như cố tình rọi vào tôi, như thước phim quay chậm của cuộc đời ẩn chứa cả những điều tốt đẹp cả những điều uẩn khúc trên bước đường trượt ngã dẫn đến sai trái cần sửa đổi.

Những ký ức ấm áp, hạnh phúc về người cha tuyệt vời

Tôi sinh ngày 21/10/1971 trong một gia đình cơ bản và nề nếp. Bố tôi là bác sĩ chuyên khoa thần kinh – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, mẹ tôi làm kế toán nghành bưu điện tỉnh. Nhà tôi có 3 chị em, tôi là chị cả trong gia đình dưới tôi là em gái và em trai út.

Gia đình tôi sống trong cuộc sống đạm bạc, nghèo nhưng ấm cúng và hạnh phúc. Đối với xóm giềng, gia đình tôi là gia đình lý tưởng, bố tôi là lãnh đạo, tính tình hiền lành, liêm khiết đến vô cùng. Thời bấy giờ là thời bao cấp tem phiếu, hôm nào mẹ muốn đong gạo, hay thực phẩm, mẹ phải đèo hai chị em tôi ra cửa hàng từ sớm xếp viên gạch (đã được đánh dấu) thay cho số thứ tự của mình… Cửa hàng mở, mọi người chen lấn xô đẩy, hai chị em tôi thay nhau nhưng không lại được với đám đông đó, tôi nhỏ thó bị đánh bật ra ngoài là lẽ đương nhiên… Nhiều hôm chị em tôi ứa nước mắt phải về không. Hoặc khi đến lượt chỉ còn vài miếng thịt đầu thừa đuôi thẹo vẫn phải mua.

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi có ý thức sớm, có trách nhiệm với gia đình, tôi thương bố, thương mẹ đi trực suốt. Có nhiều đêm bố mẹ đi trực trùng nhau chỉ còn ba chị em tôi ở nhà. Tôi cần cù chịu khó, trước cửa nhà tôi có mấy thửa ruộng, tôi lội xuống mò cua bắt cá, coi như cải thiện cho gia đình…

Theo tình hình chung của đất nước ấy rất nhiều gia đình phải ăn ngô độn sắn, hạt mạch bột mỳ… gia đình tôi cũng nằm trong số đó.

Dù bố mẹ là công viên chức nhà nước với đồng lương có hạn, song ông bà vẫn nuôi ba chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tôi nhớ, khi bố tôi làm phụ trách giáo vụ trường Đại học Y, có lần phụ huynh học sinh vào xin điểm. Vâng, vẫn là thời bao cấp! Nói đến bánh kẹo chỉ biết khi Tết đến mọi nhà mới có nói chi đến ngày thường. Mẹ tôi để dành mấy cân bột mỳ và đường, cố mua thêm chục trứng gà mang ra lò thuê học làm bánh bích quy hình con cá. Đêm giao thừa hoặc có khách sang chúc Tết mới bỏ ra ăn, như thế đã gọi là xa xỉ lắm rồi…

Nhưng họ đem theo túi bánh kẹo, bố tôi đã từ chối bảo họ mang về, trong khi chị em tôi đứng lấp ló cửa buồng, tay chân vân vê tấm rèm, mắt nhìn hau háu vào túi quà. Biết bố không nhận, chị em tôi chạy vội vào một góc xô đè lên nhau… Phần vì cảm thấy buồn, phần vì cảm thấy ngượng, xấu hổ nhiều hơn…

Khó khăn nối tiếp những khó khăn. Bắc Kạn là quê hương tôi, ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác sinh ra đều sinh sống ở đó. Tất cả đều nói bằng ngôn ngữ của dân tộc Tày, ở nhà sàn, nhà gỗ, sinh hoạt bằng nước suối, nước mương, nhiều ngô đỏ, bí xanh và măng rừng, nghèo nàn và lạc hậu, trẻ nhỏ mùa đông không đủ ấm, người già lao động vẫn vác gùi trên lưng.

Cả xã Tân Lập và dòng họ, ai cũng tự hào khi có người nhà là bác sỹ giỏi chữa bệnh làm trên tỉnh. Các cụ già thường kể cho tôi ngày xưa ông nội tôi còn cấm bố tôi không được đi học, cũng chỉ vì bố tôi là anh trai cả trong gia đình có 7 anh chị em. Bố tôi đi học coi như là mất đi lao động chính, không có người tìm gỗ dựng nhà, lên rẫy làm nương.

Bố tôi lên huyện học, thỉnh thoảng có về nhưng không dám về nhà, chính bà nội giấu diếm thỉnh thoảng cho bố tôi ít bạc trắng làm học phí… Mỗi lần bố cho tôi đi cùng về thăm quê, mọi người lại tìm đến nhờ bố khám bệnh và cho thuốc. Hay mỗi khi người ốm đau họ lại lên thành phố ở nhờ nhà tôi để chữa bệnh, cho nên nhà tôi cứ nửa tháng đã hết gạo là thường xuyên.

Nặng lòng với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, năm đó, bố tôi đã chọn quê hương làm đề tài nghiên cứu y học về bệnh bướu cổ. Bố tôi chụp rất nhiều ảnh về những người già miền núi bị bướu cổ vì thiếu muối I ốt… Và đề tài ấy bố đã phát biểu trên đài Bắc Thái (dĩ nhiên là bằng tiếng Tày). Mấy mẹ con tôi và vài người hàng xóm lắng nghe bên cái đài ra-đi-ô cũ kỹ, dù tôi chẳng hiểu gì mấy nhưng rất tự hào về bố.

Bố đã dạy bảo cho tôi rất nhiều điều ngay từ lúc còn nhỏ trong cuộc sống thường ngày, cách nói năng, nếp ăn, ý ở… Cách chào hỏi khi có khách vào nhà chơi mà không có bố mẹ ở nhà… không được ngồi ngang hàng với người lớn. Đến nhà bạn chơi không được ngồi đầu giường, không tùy tiện vào buồng riêng… Bố tuy rất thoải mái cưng chiều nhưng ngược lại bố cũng rất nghiêm khắc, rèn giũa tôi vào nề nếp nhất định…

Ước mơ lầm lạc của tiểu thư khuê các - 1

Vì mưu cầu cuộc sống, tôi đã đánh liều với số phận... (Ảnh minh họa)

Tôi cứ ngỡ rằng, bố sẽ ở bên tôi, ân cần che chở cho tôi và gia đình nhỏ bé này mãi mãi… suốt cuộc đời…

Sóng gió cuộc đời

Một buổi sáng, tôi cùng em gái tới trường (tôi lớp 12, em lớp 10). Thấy mấy đứa bạn cũng là con của các cô, các chú trong cơ quan bố tôi xì xào bàn tán rằng bố tôi bị tai nạn. Tin này được thông báo trong giao ban buổi sáng. Chị em tôi chạy một mạch về nhà theo đường tắt, thông báo tin dữ cho mẹ. Mẹ tôi cuống cuồng thu xếp chăn màn quần áo để vào với bố tôi.

Nhưng không, sự thật còn phũ phàng hơn cả thế. Bố tôi đã đột tử trong một chuyến đi công tác tại Hà Nội, ở tuổi 47. Bố tôi đã ra đi khi còn sung sức, bỏ lại sau lưng người vợ khốn khó cùng 3 đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học.
Tôi không tin, không tin đó là sự thật. Hình ảnh của bố trước khi đi công tác tôi còn nhớ như in, bố ăn vội bát cơm do mẹ nấu, dặn dò chị em tôi phải nghe lời mẹ khi bố vắng nhà. Bố đi bộ và luôn mang theo chiếc gậy. Bố đeo một bên là nải gạo nếp để thỉnh thoảng bố ăn trưa tại cơ quan, một bên là túi mướp. Bố bảo: “Nhà mình trồng được nhiều, để bố mang xuống bếp cấp dưỡng”. Và bố bảo: “Bố đi một tuần, rồi bố lại về…”.

Bố thật tệ vì bố không giữ lời hứa với mẹ tôi và ba chị em chúng tôi. Một tuần của bố là mãi mãi…

Nhiều đêm tôi mơ bố vẫn thường gõ cửa mỗi đêm đi trực về. Hay vì bố chỉ đi công tác xa thôi, chứ không phải bố đã rời xa tổ ấm này vĩnh viễn… Hình ảnh của bố trong tôi sao mà giản dị đời thường đến thế? Linh cữu của bố được đặt nghiêm trang trong hội trường lớn. Tất cả đều xót xa, thương tiếc!

Nỗi đau nào cũng qua đi, gánh nặng trên vai mẹ thêm đầy. Dẫu biết gian nan muôn phần nhưng mẹ vẫn cố gạt mọi buồn phiền, thay cả phần cha lo cho chúng tôi. Biết mẹ vất vả gồng mình lăn lộn với cuộc sống, chị em tôi cũng không dám mải chơi nữa. Học một buổi, một buổi đi về, ngoài giờ ôn bài cũ, chị em tôi tranh thủ kiếm cho mẹ ít củi đun, tưới cho mẹ luống rau, hộ mẹ nấu cơm, chăn lợn.

Tuổi dậy thì, mẹ lo cho tôi mải nhảy dây chơi đùa, mẹ chỉ bảo cho tôi từng li, từng tí.

Ngày tốt nghiệp lớp 12, mẹ dậy nấu cơm nắm cho tôi, nắm kèm theo gói muối vừng dặn dò, vỗ về tôi: “Mẹ thương con lắm, nhưng mẹ nghèo, mẹ chỉ có vậy thôi, làm bài thi cho tốt con nhé!”.

Tỗi đã vấp ngã ngay tại chính nơi bố tôi đã sống một đời chân chính

Sau tốt nghiệp, thực sự niềm ước ao lớn nhất trong tôi là được khoác áo Blu trắng như bố, nhưng tôi đã thi trượt khi thi vào Đại học Y lần đầu. Có thể sự ra đi đột ngột của bố đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tinh thần của tôi. Cũng có thể khi đó tôi chưa chuẩn bị kỹ càng về kiến thức.

Cũng vào năm đó, tôi thi vào trung cấp kế toán theo nghề của mẹ. Ra trường, tôi dễ dàng xin được việc làm ngay tại bệnh viện (nơi cha tôi đã từng công tác). Trong khi các bạn cùng trang lứa với tôi phải chờ đợi xin việc làm… Tôi rất sung sướng được làm việc cùng các chú, các cô bạn bè cũ của bố tôi. Nhưng cũng buồn vì hình ảnh của bố theo tôi trong mọi lúc mọi nơi… Phòng làm việc bố trước đây đã thay thế bằng người khác. Một hôm tôi được chị tạp vụ gọi lên. Chị tốt bụng đưa cho tôi tập ảnh cũ của bố.

Vào biên chế chính thức là lúc tôi đủ tuổi xây dựng gia đình. Anh là mối tình đầu của tôi, hơn tôi 6 tuổi, anh là anh trai của đứa bạn thân học cùng tôi suốt 3 năm phổ thông trung học. Như bao vợ chồng khác, đủ 9 tháng 10 ngày, tôi vô cùng hạnh phúc khi đón bé trai kháu khỉnh chào đời. Cháu tên Phong, cái tên do chính em gái tôi đặt cho nó, “Phong” là gió sẽ mạnh mẽ. Ai cũng mong muốn sau này Phòng lớn lên sẽ mạnh khỏe vững vàng trước phong ba bão táp…

Những năm tháng ấy có thể đối với vợ chồng tôi là đẹp nhất trong đời. Hạnh phúc giản dị trên chiếc xe đạp mi ni. Chồng tôi vừa đưa tôi đi làm vừa đưa con đi nhà trẻ nghèo nhưng ấm cúng, giàu tiếng cười…

Nhưng không phải ai trong đời đều đi trên thảm cỏ xanh mà không gặp phải chông gai. Tôi không còn là cô bé tuổi 18 thơ ngây đầy mộng mơ nữa. Đó là những lo toan của cuộc sống, với bộn bề công việc. Chồng tôi đi bộ đội, sau khi xuất ngũ, không xin được việc, nay việc này mai việc khác không ổn định. Những hôm anh đi làm ăn xa, một mình tôi ôm con ở nhà. Tôi rất sợ cái cảm giác đơn lẻ ấy! Vắng hơi ấm của anh, tôi luôn bị yếu mềm. Chỉ cần nghe tiếng tắc kè kêu đầu nhà thôi là tôi đã run bắn lên, tim đập liên hồi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nói gì những đêm trở trời mưa con sốt cao, mình tôi loay hoay gọi người đưa con vào viện cấp cứu.

Có thể bước ngoặt của cuộc đời tôi bắt đầu từ những nguyên nhân vụn vặt đời thường ấy. Tôi vẫn yêu chồng thương con. Nhưng trước cuộc sống thực tế, tôi đã dần dần đánh mất khái niệm “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” Tôi không thể cứ ngồi mãi gặm nhấm những từ ngữ đó được.

Tổ ấm của tôi là mái nhà tranh đơn sơ được lợp bằng lá cọ, bên trái nhà ông bà nội. Có lần bị đổ vách, nhiều đêm vợ chồng tôi nằm trong nhà mà còn đếm được sao rơi. Thậm chí những đêm không có điện, sáng ra nhìn trên người con không biết bao nhiêu nốt muỗi đót, lòng tôi xót xa vô cùng.

Và tôi tìm cách thoát ra cái sự đó. Vì mưu cầu cuộc sống, tôi đã đánh liều với số phận mà không hay mình đang chệch hướng, đang lún sâu vào bóng tối. Tôi đã đi ngược lại khuôn mẫu cơ bản nhất của gia đình. Tôi đã không mẫu mực như cha, không cần cù như mẹ. Tôi không đấu tranh được chính mình, không đủ tỉnh táo một cách toàn diện. Do bị lôi kéo, tôi đã lợi dụng chức vụ cùng hai người nữa rút tiền quỹ bệnh viện của bệnh nhân nộp tiền viện phí.

Vâng, con người không thể tự chọn cho mình một nơi sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình một cách sống. Con người không chịu rèn luyện khả năng chịu đựng và bản lĩnh ý chí vượt qua nên đã gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền, làm mất đi phẩm chất đạo đức của con người. “Lưới trời lồng lộng”, bàn tay không thể che được mặt trời… Lẽ tất nhiên, cái gì đến ắt sẽ phải đến!

Những ngày sám hối…

Một sáng thứ tư, khung trời mờ mịt, tôi sa lưới pháp luật. Bánh xe chia cắt thành đôi ngả. Tôi bỏ lại sau lưng người thân bạn bè, người chồng yêu thương, đứa con nhỏ thơ dại (Con trai ngoan nước mắt hai hàng, thương con lắm nhưng biết làm sao được? Buổi chiều đó, con phải thi cuối năm học, 3 môn liền, liệu có làm được không? Chắc ngoại sẽ thay mẹ đưa con tới lớp).

Đầu óc tôi mông lung… Miên man… Nghĩ suy

Nó gọi “Mẹ ơi!” Tôi nghe như tim mình bị vỡ nhịp.

Nó đâu biết người mẹ của nó là xấu xa, tồi tệ.

Tôi ân hận, đến tận bây giờ vẫn chưa hết ân hận.

Bao năm qua, tôi đã chôn chặt nơi sâu thẳm trái tim mình. Tôi đã tự viết rất nhiều lần về cuộc đời tôi mong được chia sẻ với cộng đồng. Nhưng tôi viết rồi lại tự xé bỏ đi, bởi tôi nghĩ cuộc đời mình có gì hay đâu chứ. Chỉ có hôm nay khi nỗi đau của tôi đã lắng xuống, là lúc tâm tôi được tĩnh nhất, tôi mới mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật. Mục đích của tôi chủ yếu là được nói lên sự hối cải của mình.

Dù biết không phải ai cũng dễ gì thông cảm, bỏ qua những hành động sai trái của tôi. Song khi bản thân tôi đã thẳng thắn trải lòng mình, thì tôi chấp nhận tất cả những lời đàm tiếu, dị nghị về tôi… Đơn giản là tôi đã cảm thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm, tôi không có hàm ý nào khác là chỉ được tâm sự - chia sẻ và những lời cảm thông chân thành!

Bài viết của tôi hoàn toàn đúng với sự thực – việc thật – con người thật – cuộc sống thật của tôi. Sở dĩ không phải ngẫu nhiên mà tôi ca ngợi người cha, người mẹ của mình (dù con cái có ca ngợi bố, mẹ mình tốt đẹp một chút thì cũng có gì là quá đáng).

Ở đây tôi muốn nói rằng: Tôi ân hận bởi tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tốt đẹp, nhưng tôi không biết giữ gìn, tôi đã bôi nhọ lên thanh danh của bố tôi. Tôi phụ lòng mẹ mang nặng đẻ đau, cái bào thai được ấp ủ nuôi dưỡng trong lòng mẹ nó hoàn hảo khở mạnh. Mẹ đâu biết và ngờ rằng khi nó trưởng thành đủ lông đủ cánh, nó mang lại tâm hồn đen tối.

Tôi đã tự đánh mất đi cơ hội tốt nhất của mình, khiến tôi mãi day dứt kéo theo sự khổ đau do tôi tự chuốc lấy, mất đi sự nghiệp công lao bố mẹ dạy dỗ nuôi ăn học. Gia đình tôi khổ lây bị mang tiếng, bị cười chê, con tôi đến trường cũng bị bạn bè chế giễu, tôi đã đánh mất tuổi thơ của nó…

Không có tôi, gia đình nhỏ bé ấy cũng tan thành mây khói, đổ nát như đống gạch vỡ. Chồng tôi đã bán tất cả những gì có thể, mong bù đắp lại những gì tôi gây ra. Hai bàn tay trắng, anh và con tôi về nương tựa bên nội. Cảnh gà trống nuôi con, vì đau buồn trước việc làm của tôi, anh đã suy nghĩ miên man sinh bệnh hiểm nghèo, anh đã ra đi ở tuổi 36.

(Còn nữa)

Lan Anh (Trại giam Phú Sơn 4)

Liệu rồi "nàng tiểu thư khuê các" này còn gây ra những lỗi lầm nào nữa trong cuộc đời mình? Mời các bạn hãy đón đọc kỳ tiếp "Ước mơ lầm lạc của tiểu thư khuê các" vào lúc 13h00 ngày 31/5/2012 nhé!

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN