Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 15)

Chiếc xương quai xanh lộ dưới lớp áo mỏng của Nhi khiến tim Trần Minh đập mấy lần lỗi nhịp.

Nhi là cô gái xinh đẹp, cá tính và rất hiếu thắng. Trong cuộc sống, cô chỉ có hai niềm đam mê lớn nhất, đó là ăn và ngủ. Nhưng rồi, cuộc sống của cô đã bắt đầu thay đổi kể từ khi đối diện với Trần Minh.

***

Một câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với những người đã và đang trải qua những thăng trầm, rung động, đam mê, nhiệt huyết  của tình yêu.

Phần 15: Mẹ tôi là người nhà quê

Nhi đứng một mình ngoài ban công, hôm nay thượng tuần, trăng lên sớm. Mảnh trăng hình lưỡi liềm bàng bạc nằm nghiêng nghiêng một góc trời. Gió không ngừng thổi khiến áo rộng thêm thênh thang.

Có người tới, là Trần Minh. Nhi khẽ nói:

- Anh đã từ bao giờ tự tiện vào phòng con gái nhà người ta vậy?

- Còn cô chẳng cũng đã tự tiện mà vào phòng tôi rồi đó thôi. Hình như chúng ta đang hơi tùy tiện quá nhỉ.

Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 15) - 1

Trần Minh vừa thay cách xưng hô. Cái tiếng “em” nghe thật êm tai! (Ảnh minh họa)

Nhi bật cười nho nhỏ. Trần Minh tay cầm hai tách cà phê, đưa cho Nhi một cốc, khẽ nói:

- Cà phê nhé!

- Được. Cảm ơn anh! À, tôi muốn hỏi anh vì sao ngày trước anh cấm tôi không được vào phòng  anh?

- Là tùy tiện cấm thôi.

- Chứ không phải anh có bí mật gì động trời động đất đúng không?

- Tôi có một bí mật động trời đất đó chính là tùy tiện mà ở cùng em đấy!

Ngụm cà phê ngậm trong miệng có một dư vị vô cùng lạ lùng. Đó là lần đầu tiên Nhi cảm thấy đầy đủ nhất hai chữ: ngọt ngào! Trần Minh vừa thay cách xưng hô. Cái tiếng “em” nghe thật êm tai!

Mãi giây phút ấy mới dịu xuống. Nhi nhìn Trần Minh mỉm cười:

- Tôi chợt nhớ ra là có người nói tôi là đồ con gái nhà quê, chân đất mắt toét.

Trần Minh bật cười nho nhỏ:

- Quả là không sai.

- Vậy anh biết vì sao tôi lại là người nhà quê không?

- Tại sao?

- Vì mẹ tôi là người nhà quê! Anh có bao giờ thấy thiên nga đẻ ra vịt không?

Trần Minh cười:

- Quả là chưa!

Nhi nhìn cốc cà phê trong tay:

- Anh có muốn biết mẹ tôi nhà quê như thế nào không?

Trần Minh gật đầu:

- Có! Rất muốn!

Nhi đặt cốc cà phê lên chiếc lan can nhưng vẫn ôm nó bằng hai bàn tay nhỏ.

- Này nhé, khi nhà có thức ăn ngon, mẹ chả lịch sự, giữ ý chút nào, lúc cắt thức ăn ra đĩa, hoặc vừa vớt ở nồi ra thế nào cũng cho tôi nếm trước. Vì tôi chỉ ăn khi đó mới ngon miệng. Khi thịt gà thịt vịt thì mẹ lại chỉ thích ăn chân, ăn cánh, ăn cổ, ăn đầu, ăn chỗ xương xẩu nhất. Đúng là mẹ tôi là người chả biết ăn ngon, hay hưởng thụ gì cả.

Rồi, còn mấy cái ảnh khi tôi chụp lúc còn tóc ba chỏm, rồi đi học mẫu giáo, lúc học lớp một, đến tận khi học cấp ba… khi nào mẹ tôi cũng trưng hết trong cái tủ kính đặt ngay sau bàn uống nước ấy. Thậm chí trong đó còn có một cái tôi ngồi tắm trong chậu hoàn toàn khỏa thân, thế mà sống chết đòi đặt ở đó. Mẹ tôi bảo: Rõ đáng yêu!

Đáng yêu đâu mà đáng yêu chứ! Tôi cãi: Như thế là xúc phạm thân thể và quyền riêng tư của tôi. Mẹ trả lời: Mẹ đẻ mày ra đấy! Tôi bao nhiêu lần lén cất đi, giấu đi, hôm sau lại thấy. Đám bạn học cùng tới chơi nó nhìn ảnh tôi hồi nhỏ rồi cười không ngậm mồm vào được. Cuối cùng bọn nó bảo tới nhà tôi chơi là vui nhất, thú vị nhất vừa được ăn lại vừa được ngắm gái khỏa thân. Khốn nỗi trong cái đám ấy, còn có một cậu giai mà tôi thầm mến. Vậy mà…

Mẹ tôi nhà quê tới mức, con gái mình chẳng giỏi giang gì mà đi đâu cũng khoe, nói gì cũng gắn tôi vào miệng bằng toàn những lời ngọt ngào hoa mỹ. Thế mà, lúc tôi có ở nhà thì y như rằng chê tôi hết nước hết cái. Thậm chí còn mang tất cả các con vật ở trong nhà ra mà so sánh với tôi. Và kết quả là tôi không bằng cả con chó, con heo nữa.

Lại còn nhà quê tới mức, mẹ tôi đi giấu tiền vào cót thóc. Tôi chơi trốn tìm cùng đám bạn, liền chui lên cót thóc trốn, bới thóc ra để ngồi xuống cho cót che hết cái đầu. Ai ngờ đào được cái túi tiền của mẹ. Tôi nghịch, giấu sang một chỗ khác. Xong rồi quên. Mẹ tôi tìm tiền không thấy, bới thóc tay mắc vào cót tứa máu, vết thương sâu hoắm. Tôi nhìn thấy sợ quá khóc um vội chỉ chỗ tôi trêu mẹ giấu tiền. Tôi và mẹ bới cũng không thấy. Thế là cả hai mẹ con khóc. Một hôm mẹ tôi xúc thóc đi xát, lại xúc được cả bó tiền đó, vậy là mẹ tôi cười cả ngày như là vớ được tiền của thiên hạ không bằng.

Lại còn nữa, quần áo tôi mặc thì lại cứ nhất nhất nhăn nhó mà hỏi một câu: Thế mày mặc cái gì thế hả con? Thế nó không phải là quần áo thì là gì kia chứ?

Hồi tôi nhỏ dại lại còn dọa tôi: Sau này muốn thành người thì phải học giỏi, thật giỏi. Làm tôi học tới bán sống bán chết. Nhiều khi nhìn con lợn trong chuồng mà sợ hãi thất kinh. Cho nên, không ít lần mang nỗi sợ hãi ấy trong mơ mà hét ra miệng. Mãi sau lớn rồi mới tự cười mình: Không lẽ mình vốn không phải là người? Không lẽ học dốt thì sẽ bị biến thành heo, thành chó? Ai mà lại đi dọa đứa con gái bé bỏng của mình thế chứ? Mẹ tôi đúng là nhà quê thế không biết… Còn nhiều nữa, nhiều lắm, tôi không kể hết được đêm nay.

Nhi ngẩng mặt lên, mãi mới thả đầu xuống. Trần Minh đứng quay lưng vào lan can, nhìn mấy sợi tóc cợt đùa bên má Nhi. Mãi mới lên tiếng:

- Vậy sau này cứ từ từ mà kể cho tôi nghe. Sao nghe em nói tôi lại thấy lòng mình ghen tỵ thế. Tôi không có diễm phúc như em đấy. Khi nào về quê, em nhất định cho tôi đi theo với. À, mà tôi cũng muốn được ngắm cái ảnh ấy!

Trong lòng Nhi niềm xúc động chẳng có cơ hội lắng xuống. Nhi nhìn Trần Minh, Trần Minh mỉm cười trìu mến đáp lại Nhi. Có lẽ, Trần Minh không cần một lời an ủi nào cả. Anh đã rất thản nhiên khi nói ra những lời ấy. Nhi mỉm cười:

- Hự, tôi dại gì. Trừ khi nào anh cho tôi xem ảnh của anh.

Trần Minh khẽ phì cười. Rồi hỏi:

- Sao tôi thấy em rất ít khi về nhà? Có phải vì mẹ em đã…?

- Tôi cũng không biết. Có lẽ là vì tôi không dám đối mặt với mọi thứ!  Hơn nữa… tôi giận ba tôi!

Trần Minh trầm lặng hơn. Nhìn mái tóc cắt ngắn chẳng theo nếp nào của Nhi, nhìn cái quần soóc và chiếc áo có dòng chữ mà có thể người ta không dám đọc, lại nhớ đến cái cách ăn chực nằm chờ trước cửa nhà người ta lì lợm, ăn vạ trắng trợn, nghĩ đến những câu chuyện cười ra nước mắt, nghĩ đến cái cách ăn nói lộng ngôn dễ sợ… mà không sao tắt được nụ cười trìu mến trên môi mình.

Nhưng cũng hôm nay, nhờ có chiếc quần soóc và chiếc áo phông mỏng ấy mà Trần Minh cũng nhận ra, Nhi vô cùng mỏng manh, có vẻ hơi gầy nữa là đằng khác. Chiếc xương quai xanh lộ dưới lớp áo mỏng khiến tim Trần Minh đập mấy lần lỗi nhịp. Vội vàng đưa mắt qua chỗ khác. Đầu óc mông lung: Cái cô gái suốt ngày cười cười nói nói ấy, mà nội tâm lại như bông hoa nhỏ giấu mình trong đêm mưa gió. Yếu ớt nhưng kiên cường. Lạnh lùng mà vẫn ấm áp. Bất cần mà vẫn e ấp đến lạ…

Gió vẫn chưa thôi đùa áo mỏng. Trăng vẫn chênh chếch nghiêng mình!

Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông (Phần 15) - 2

Dù sao, khóc bên một người còn hơn là khóc một mình (Ảnh minh họa)

Như nhớ ra chuyện gì, Trần Minh quay qua Nhi:

- Tôi hỏi em một chuyện được không?

- Được!

- Vì sao em lại có thể ăn cơm với nước trắng?

Nhi nhấp ngụm cà phê chậm rãi kể:

- Vì sau khi mẹ tôi mất một thời gian, người đàn bà nhà bên cạnh hay nấu cơm cho ba con tôi ăn. Ba tôi chưa khi nào đụng tay vào bếp núc khi mẹ tôi còn. Vì ông vốn là quân nhân. Biền biệt suốt. Tôi nghĩ bà ấy tốt bụng nên trong lòng còn có sự cảm kích không nhỏ. Nhưng khi đó, tôi nhớ là thời gian cuối lớp mười hai, trong một lần đi học về, tôi thấy bà ấy và ba tôi nói chuyện với nhau vô cùng vui vẻ. Lại còn nhìn nhau cười cười nói nói nữa. Rồi rất nhiều ngày sau đó, tôi lén để ý, đều thấy ba tôi cười nói vui vẻ với bà ấy. Ánh mắt họ nhìn nhau không phải là ánh mắt của những người hàng xóm đơn thuần. Tôi giận dữ trong lòng. Giận tới điên cuồng. Giận bất lực. Tôi phản kháng.

Từ đó, mỗi bữa cơm không phải ba tôi nấu, tôi đều không đụng đũa. Tôi tuyệt thực. Ba tôi buồn. Sau ba hiểu ra. Ba tự vào bếp nấu cơm cho tôi ăn! Cơm thật khó ăn! Có hôm không có canh, tôi chan nước trắng ăn cũng cảm giác như canh. Thế nên cơm thừa canh cặn gì tôi cũng đều ăn được hết. Vất đâu tôi cũng sống được. Mà xin lỗi anh lần trước, tôi bảo tôi chả thích món nào anh nấu. Thật ra tôi ở lì mặt ra đấy không chịu đi vì có người nấu cơm cho tôi ăn, lại còn nấu ngon hơn cả ba tôi nữa.

Trần Minh thấy mắt mình cay cay, nhưng rồi lại cười khổ:

- Hóa ra là vậy... Đúng là mình nuôi nhầm một con heo ham ăn rồi!

Nhi cũng hỏi Trần Minh:

- Vậy anh cũng ăn cơm chan nước trắng quen rồi đúng không? Hôm rồi, tôi thấy anh ăn rất ngon!

Nghĩ tới cảm giác hôm đó, Minh nhìn Nhi trầm ngâm:

- Là tôi chỉ muốn biết, bát cơm đó em ăn có vị như thế nào! Từ nay nhất định không để em ăn cơm chan nước trắng nữa.

Nhi thấy tim mình đông cứng lại. Nhưng nước mắt lại cứ thế mà trào ra. Cái hít thở thật sâu và ngẩng mặt lên trời không thể nào khiến nó chảy ngược vào trong, nên đành quay lưng về phía người bên cạnh. Trần Minh đứng bên im lặng. Là không biết mở lời sao để an ủi cô gái nhỏ bên cạnh mình. Nhưng dù sao, khóc bên một người còn hơn là khóc một mình.

***

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 3/6/2017

Clip tình yêu Thái lấy nước mắt người xem

Bạn sẽ ra sao nếu một ngày người yêu không còn trên đời nữa?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phi Vũ ([Tên nguồn])
Truyện dài kỳ: Mùi hương đàn ông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN