Tôi thật sự bó tay rồi

Tôi có thể nói ngắn gọn về chồng mình trong mấy từ: Lười và nổ!

Người yêu cũ của tôi là một anh chàng nông dân cục mịch, nói năng thẳng đuồn đuột không biết lựa lời. Anh cũng không biết ga-lăng chiều chuộng, không biết nhìn mặt đoán ý...

Nếu tôi đói thì phải la lên anh mới biết để mua đồ cho ăn, muốn đi xem phim hay ca nhạc thì cứ đi một mình vì “anh không có thời gian để thưởng thức những thứ xa xỉ đó”. Ngày sinh nhật tôi, anh bảo thích gì thì cứ mua, rồi anh trả lại tiền… Anh vừa đi học, vừa đi làm nên lúc nào trông cũng lam lủ…

Ra trường, anh phải về quê làm việc để chăm sóc mẹ già, tôi không muốn xa thành phố nên nhất quyết ở lại. Thế là hai đứa chia tay. Một cuộc chia tay không có nước mắt vì cả tôi và anh đều bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Và hình như, một cuộc tình không lãng mạn cũng sẽ khiến người ta không luyến tiếc khi chia tay…

Một nguyên nhân khác là sau khi chia tay anh thì tôi gặp và yêu Đông, chồng tôi bây giờ. Đông là một phiên bản hoàn toàn trái ngược với người yêu cũ của tôi: Lịch sự, đẹp trai, biết chiều chuộng… “Cảnh giác với mấy thằng mồm mép như vậy nghen con”- ba tôi nói ngay lần đầu tiên tôi đưa Đông về ra mắt gia đình. Lúc đó tôi nghĩ, ba tôi quá khắt khe chứ  “mồm mép” mà nói toàn những lời hay ý đẹp thì quá tốt rồi còn gì…

Quen Đông được hơn 1 năm thì chúng tôi cưới. Ba mẹ tôi cho hai đứa một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Bàn Cờ, quận 3. Cách nay 15 năm thì nhà cửa cũng chưa đắt lắm nên căn nhà chỉ là một món hồi môn của ba mẹ tôi cho con gái. Chúng tôi có riêng một không gian cho mình ngay sau ngày cưới nên cảm thấy cuộc sống rất dễ chịu.

Đông vẫn “mồm mép” như trước; vẫn lịch sự, đẹp trai như trước nhưng tôi bắt đầu thấy khó chịu về điều đó khi phát hiện những điều ẩn sau cái vẻ bề ngoài hoàn hảo ấy. Khi chỉ có hai vợ chồng, anh cũng chỉ là một người bình thường, cũng văng tục chửi thề; cũng ăn uống xồm xoàm; cũng lười biếng tắm rửa nếu như không có dịp ra ngoài; cũng không bao giờ nhớ sinh nhật của vợ để tặng hoa, tặng quà như hồi mới yêu nhau…

Giờ mà ngồi kể ra, thì không biết bao nhiêu giấy mực mới kể hết những điều mà người đàn ông của tôi chỉ thể hiện sau ngày cưới. Tuy nhiên, sau 15 năm chung sống, tôi có thể nói ngắn gọn về chồng mình trong mấy từ: Lười và nổ!

“Cái sự lười của anh thì em có thể chịu được, chớ nổ quá coi chừng có ngày banh xác”- có lần hết chịu nổi, tôi bực bội la lên. Đó là lần anh về lấy hết tiền mua sữa của con để cho một người bà con ở quê mượn tạm mua sợi dây chuyền bằng vàng trắng “xinh ơi là xinh”. “Anh đã lỡ khoe nhà mình dư dả, không lẽ người ta hỏi vay có mấy triệu mà cũng không có sao? Được rồi, anh sẽ trả lại cho em, đừng có càm ràm nữa”. Anh nói vậy chớ có trả đâu? Mà người bà con của anh cũng không thấy trả lại. Lần đó, tôi về nhà mẹ xin tiền mua sữa cho con mà phải nói dối là bị giật mất túi xách…

Tôi không nhớ biết bao nhiêu lần anh vì sĩ diện mà bắt tôi và các con phải chịu thiệt thòi như vậy. Những chuyện ấy tưởng nhỏ nhưng hết ngày này qua tháng nọ, chúng cứ bào mòn tình cảm tôi dành cho anh. Điều khiến tôi ngán ngẫm nhất là chính mình cũng bị cuốn vào vòng xoáy giả dối ấy. Người ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ chúng tôi là một cặp “thanh mai trúc mã”; tôi may mắn lấy được anh chồng “trên cả tuyệt vời”.

Tôi thật sự bó tay rồi - 1

Chẳng lẽ nói tôi muốn bỏ chồng vì chồng tôi có tật hay nổ? (Ảnh minh họa)

Không tuyệt vời sao được khi tôi đang đi mà lỡ bị nước bẩn văng trúng giày thì anh đã vội vàng rút khăn mù soa lau cho tôi; đi đám tiệc, lúc nào anh cũng ngồi bên cạnh ân cần gắp thức ăn cho vợ; bạn bè tới chơi nhà, thấy anh chạy vô chạy ra bếp liên tục để giúp vợ bê cái này, lấy cái kia… Tuy nhiên, anh chỉ làm những điều đó khi có người này, người kia chứ nếu chỉ có hai vợ chồng với nhau thì đừng hòng…

Chưa kể, anh có một trang facebook dành để khoe vợ, khoe con, khoe hạnh phúc gia đình. Vợ người ta biết làm gì, vợ anh phải hơn như vậy chứ không được bằng. Có lần anh khoe lương “vợ anh” 30 triệu mỗi tháng khiến mấy cô em ngoài quê gọi vào mượn tiền, tôi bảo không có, thế là giận hờn.

Lần khác, có người bạn cũ ngoài quê vào chơi, anh bắt tôi phải dẫn chị đi mua sắm đủ thứ quà tặng đắt tiền trong khi đó là số tiền tôi dự trù đóng tiền học cho con. Đi ăn tiệc nhà bạn, có món giả cầy thật ngon, ai cũng trầm trồ, còn anh thì phán ngay một câu: “Bà xã mình nấu còn ngon hơn. Cái này thiếu một chút riềng, mẻ, mắm tôm…”.

Nghe ai đó kể chuyện con dâu thảo chăm sóc mẹ chồng chu đáo, anh cũng bịa chuyện tôi về quê đổ bô, tắm rửa, đẩy xe đưa mẹ anh đi dạo dù từ khi quen và cưới anh, tôi chưa hề làm chuyện đó. Rồi vợ người ta có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, anh cũng khoe vợ mình đang học cao học…

Cái sự nổ của anh đã không ít lần làm cho tôi bị quê với bạn bè, anh em, đồng nghiệp bởi tôi hay cái gì, dở cái gì, lương bao nhiêu, nấu ăn như thế nào… ai cũng biết. Cô bạn thân của tôi có lần còn nói: “Ê, bộ ông Đông bị bệnh hả? Sao lên mạng nổ banh xác vậy? Có thì nói, không có thì thôi, chốn đó đầy thị phi, ba hoa làm gì?”. Tôi lắc đầu: “Tao nói rồi mà ổng có chịu nghe đâu? Mới hôm rồi còn khoe sắp được lên chức, mọi người bắt khao, mất toi nửa tháng lương”.

Tôi thật sự bó tay, không biết làm sao để “trị” cái tật nổ của chồng. Đôi khi tôi tự hỏi, chẳng lẽ chỉ vì cái tật ấy mà vợ chồng lục đục, chia tay? Tôi thấy buồn cười khi nghĩ đến cảnh vác đơn ra tòa ly dị, khi tòa hỏi nguyên nhân, chẳng lẽ nói tôi muốn bỏ chồng vì chồng tôi có tật hay nổ? Nhưng thật lòng, ngoài chuyện đó ra thì chẳng có lý do nào khác để cuộc hôn nhân - dù nhàm chán- của chúng tôi tan rã.

Và điều trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới nhưng bây giờ lại bận tâm là không biết người yêu cũ của tôi bây giờ ra sao? Hẳn là anh về quê, cưới một người vợ cũng thật thà, chất phác và sống một cuộc đời dung dị, không bon chen...

Đôi khi tôi nhắm mắt lại, nhớ về anh và bất giác mỉm cười. Sống trên đời thật khó. Tôi không thích anh vì anh không “mồm mép” nhưng khi sống với một người “mồm mép” như chồng tôi bây giờ, tôi mới thấy khổ như thế nào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Anh (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN