Thanh niên nhặt rác "lịch sự nhất Sơn Trà"

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Thổ địa của Sơn Trà (Đà Nẵng) bảo: lên Sơn Trà gặp rừng gặp biển thôi chưa đủ, còn phải gặp cả những kỳ nhân ở đây. Đào Đặng Công Trung được những người mê Sơn Trà liệt vào hàng “bảo vật”.

Trung sinh năm 1979, có thâm niên nhặc rác không công từ năm sáu tuổi. Từ nhỏ đã ghét rác, nên hôm nào Trung trực nhật cô giáo đều rất vui. Ngay cả những ngóc ngách không cần nhắc, anh cũng làm cho sạch bóng. Bạn bè khi đó có người đã đe: “ai bảo mày sạch vậy, làm tao cực theo?”.

Đi qua nơi nào nơi ấy sạch rác

Thanh niên nhặt rác "lịch sự nhất Sơn Trà" - 1

 Trung nhặt rác dưới biển. Ảnh: Hồ Trung Tú.

Lớn lên, Trung chở người yêu đi chơi, qua dốc phố thấy vỏ chai lăn lóc, không chịu nổi, phải quay xe nhặt. Thấy người vứt rác, Trung chạy lại nhắc, mẫn cán hơn cả công nhân môi trường đô thị. Đi lang thang qua các cột điện kiểu gì về nhà cũng tróc móng tay vì bóc giấy quảng cáo. Bị mắng, bị dọa đánh… vì rác với Trung là chuyện thường. Bạn bè kể, có lần đi tìm Trung, theo hướng chỉ đường thấy xung quanh vẫn vương vãi túi nylon, họ quay lại ngay. Ai quen Trung đều biết, chỗ nào anh đi qua đều sạch.

Trung gốc ở Hội An, phải lòng Sơn Trà đã hơn chục năm. Thời điểm Sơn Trà bắt đầu có khách du lịch, rác khắp nơi. Trung theo thói quen, thấy rác là nhặt, có khi tay xách nách mang nửa tạ rác xuống núi. Người không quen đều nghĩ anh làm công nhân vệ sinh. Có người còn thắc mắc trên facebook: sao ở Sơn Trà không có xe chở rác chuyên dụng mà lại chở bằng xe Dream?

Trung bình mỗi tuần Trung lên Sơn Trà hai ba lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Không lần nào về tay không, ít nhất 10kg. Vỏ chai, túi nylon, quần, áo, nón, mũ, bi xe, mảnh vỡ… Trung bảo nhặt được không thiếu thứ gì. Có đoạn, vì bận việc ít lên, Trung thấy rác nhiều đến khó thở. Thế là định ra những chuyến gom rác định kỳ, ba lần mỗi tuần, có chia tuyến hẳn hoi.

Thông thường, nếu đi nhặt rác có chủ đích, Trung sẽ mang theo đầy đủ dụng cụ thu gom, gồm: bao đựng, găng tay, que gắp. Nhưng những hôm ngẫu hứng lên Sơn Trà “đổi gió”, không có dụng cụ, Trung tận dụng áo đi mưa tiện dụng khách tham quan vứt lại làm túi đựng, nhặt nylon làm bao tay để dọn vệ sinh. Một cái áo mưa tiện dụng, qua kinh nghiệm sắp xếp của Trung có thể đựng tới 30kg rác.

Thanh niên nhặt rác "lịch sự nhất Sơn Trà" - 2

 Hình ảnh thường thấy của Trung trong ống kính của những người mê Sơn Trà.

Mê Sơn Trà hơn… vợ

Trung bảo, anh bị nghiện Sơn Trà. Vui buồn gì đều muốn lên đây. Kiếm một chỗ khuất nhìn mây trắng bay ngang trời trong gió biển lồng lộng, thấy mệt mỏi gì cũng bay đi hết. Trong nhiều chuyến nhặt rác, Trung gặp không ít “thân phận” giống như mình. Mấy hôm trước, còn tao ngộ cả một cụ ông 80 tuổi, buồn chuyện nhà, lên Sơn Trà dựng lều xả stress.

Bạn thân của Trung bảo, ông này mê Sơn Trà hơn vợ. Bù lại, người chơi Sơn Trà cũng mê Trung. Dăm bữa nửa tháng facebook lại có người khoe chụp được một thanh niên, lui cui nhặt rác. Dân chụp ảnh cắm chốt ở Sơn Trà rất đông, Trung vô tình vào ống kính của không ít người. Nhiều người thấy Trung nhặt rác kỳ kỳ, vào comment: “sao ông này đi nhặt rác còn mang theo nhiếp ảnh gia”? Thực ra đấy đều là ảnh tình cờ. Có người còn không biết tên Trung.

Gần mười năm lang thang ở Sơn Trà, Trung thuộc từng ngóc ngách ở đây, cả trên rừng, dưới biển. Nỗi ghét rác ngoài bẩn, còn vì nó đang tác động rất xấu đến hệ sinh thái của Sơn Trà. Một loạt khỉ, voọc bắt đầu có thói quen chờ… bới rác để kiếm thức ăn, chứ không chủ động đi tìm kiếm nữa.

Trung xuất thân từ dân thể thao. Bơi, lặn, lướt ván, golf, yoga trên nước v.v… môn nào cũng rành. Trung cũng là một trong những người đầu tiên tự nguyện lặn xuống độ sâu hơn 10m để nhặt rác từ các rạn san hô. Vì đa phần các lần xuống biển đều ngẫu hứng, anh không mang theo dụng cụ, mà nhặt rác bằng tay. Mỗi lần lặn có thể cầm lên 10 cái vỏ chai. Cũng có khi, chỉ cần một cây kéo xuống biển để cắt dây nhợ quấn dính vào san hô. Chính Trung là người đề xuất với ban quản lý Sơn Trà làm đường ngăn, không cho tàu du lịch vào quá gần rạn san hô, tránh làm gãy, chết… Du khách muốn xem thì tự bơi vào.

Số rác mang lên từ biển, anh phải cõng thêm 300m độ cao mới ra đến đường. Có nhiều khi không mang về hết, phải san ra. Chỗ còn lại thì buộc vào nơi dễ thấy, để lần sau quay lại gom. Cũng có khi, quay lại thấy chỗ rác đã biến mất. Là do một người khác tiện tay dọn hộ.

Trước đây, gom được rác, Trung đều đem ra bãi. Sau số lượng rác nhiều quá, anh đem bán đồng nát. Tiền bán được đều dành để làm từ thiện ở các vùng núi sâu, xa.

Tạo cảm hứng cho nhiều doanh nhân đi nhặt rác

Bởi vì hình ảnh “hiệp sĩ rác” được nhiếp ảnh gia và nhà thơ đưa đi đưa lại trên facebook, Trung đã tạo cảm hứng cho cả một “đội quân” tình nguyện nhặt rác ở Sơn Trà. Một số người bảo: sở dĩ bây giờ Sơn Trà sạch hơn là vì “đội quân” này, chứ không phải vì các công ty môi trường đô thị.

Bạn bè của Trung có rất nhiều người là doanh nhân, bị Trung lây lan, họ cũng hình thành thói quen thấy rác là nhặt. Lên Sơn Trà bất chợt có thể thấy đội ngũ thanh niên quần áo chỉnh tề, đeo bao tay đi gom rác thải. Có người biết đó là những doanh nhân đều ngạc nhiên: nhóm người này bị sao vậy?

Ở Sơn Trà hiện tại, có người già, anh bán kem, học sinh, sinh viên… đi nhặt rác. Khắp nơi đều có biển “để rác đúng nơi quy định”. Xen kẽ sẽ có những tấm biển viết tay: ý thức chung: rác mang lên vui lòng mang về. Biển ấy là Trung làm. Anh thấy việc vận động để rác vào thùng không hiệu quả. Bởi rác nằm ở đó cả tháng trời không ai dọn, lại bị khỉ, voọc bới tung tóe. Tốt nhất là ai mang rác lên thì tự động mang về.

Sự thật thanh niên Sài thành xăm kín mặt vì thất tình gây bão mạng

Đằng sau thông tin chàng trai trẻ măng xăm kín mặt vì thất tình là câu chuyện đặc biệt.

Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Đỗ (Tiền phong)
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN