Tháng tám, nghĩ về người trẻ
Có thể do tôi nhiều năm làm công tác Đoàn, mấy chục năm được tiếp xúc thường xuyên với giới trẻ nên mỗi lần mùa thu đến, mùa thu mà ta thường nói là mùa thu cách mạng, tôi lại nghĩ về những người trẻ tuổi.
Những nhân vật điển hình của nhiều thế hệ khác nhau mà tôi đã viết về họ trong lao động, sáng tạo và trong số đó nhiều người đã trở thành anh hùng, trở thành những tấm gương sáng như Nguyễn Huyền Chiệc, Cao Lại Quang, Nguyễn Thanh Hùng, Liều Vũ Điều, Lê Thị Ngừng, Thái Hiền Lương…
Bây giờ, tôi lại gặp những gương mặt trẻ tuổi, những người trí thức và những việc làm, cách nghĩ của họ làm tôi nghĩ đến một thế hệ mới đang thực sự làm chủ công việc của mình, làm chủ vận mệnh của mình và hy vọng họ cũng là lớp người làm chủ tương lai trên đất nước này.
Có lần tôi gặp một thanh niên trẻ, đẹp trai tại một buổi giao lưu.
Người thanh niên đó là Vũ Phương Nam, sinh năm 1984 là một doanh nhân trẻ hiện là phó tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.
Vũ Phương Nam.
Vũ Phương Nam đã từng tốt nghiệp trường đào tạo doanh nhân PTi; đã từng học về quản lý doanh nghiệp tại trung tâm Unicom của Nhật.
Tâm sự với tôi, Vũ Phương Nam nói: “Học ở trường đời và học suốt đời” chính là điều mà Nam tâm đắc nhất, cũng là điều mà “Ba luôn dạy chúng cháu”.
Vũ Phương Nam cho rằng trong giai đoạn hòa bình, ổn định hiện nay là điều kiện tốt nhất cho những người trẻ tuổi học hỏi những kiến thức mới mẻ của thế giới để vận dụng vào đất nước mình, vào công việc của mình, vào những ý tưởng mà ông cha mình từng mong muốn là thoát khỏi đói nghèo, tiến tới phát triển, phồn vinh.
“Bà cháu là Lương Thị Điểm, một cựu chiến binh, cũng là một nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng, bố cháu cũng từng là anh bộ đội Cụ Hồ, kinh qua khói lửa chiến tranh, trước khi trở thành một doanh nhân… Bà và bố luôn là tấm gương cho chúng cháu noi theo…”.
Khát vọng cho một đất nước thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ và phồn vinh của biết bao thế hệ cũng chính là khát vọng sống còn của dân tộc.
Nhiều người lớn tuổi hiện nay lo có sự đứt gãy trong sự nối tiếp truyền thống tốt đẹp giữa các thế hệ. Nỗi lo này không phải là không có cơ sở.
Nhưng, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ gặp một lớp người trẻ tuổi lớn lên trong hòa bình, khi nước nhà thống nhất, được học hành đầy đủ, có ý chí, có nghị lực vươn lên với mong muốn nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của ông cha mình.
Gần đây, tôi mới biết bố doanh nhân trẻ Nguyễn Đàm Văn chủ hãng xe Văn Minh nổi tiếng từng là chiến sỹ Điện Biên. Ông có 10 người con và các con ông đều đi tìm con đường lập nghiệp ở nhiều nước có trình độ công nghệ, khoa học cao như Đức, Ba Lan…
Nguyễn Đàm Văn (bìa phải)
Chính Nguyễn Đàm Văn đã có lần tâm sự với tôi rằng những năm học tập và làm việc ở Đức đã giúp cho Văn nhiều kiến thức mới, nhiều cách làm cách nghĩ mới:
“Về nước, Văn không mang theo tiền bạc mà mang theo cách làm, cách nghĩ của người Đức...”.
Nguyễn Đàm Văn đã kiên trì xây dựng hãng xe của mình trở thành một hãng xe Văn Minh thực sự. Trở thành một hãng xe khách nổi tiếng trong cả nước. Đàm Văn còn có dự định thành lập một trường lái xe và một bến xe tại thành phố Vinh. Đàm Văn cho rằng, ở xứ mình văn minh giao thông còn rất yếu mà người lái xe là nhân tố quan trọng, hàng đầu trong việc bảo đảm an toàn cho hành khách, bảo đảm văn hóa giao thông bền vững.
Có một điều tôi nhận thấy ở những người trẻ tuổi có học vấn, được đào tạo bài bản, có nhiều hiểu biết về thế giới bên ngoài… ấy là khát vọng vươn lên không ngừng, họ luôn quan tâm đến sự phát triển bền vững, lâu dài, chứ không vướng phải tư duy “ăn xổi ở thì” mà nhiều người đã mắc phải trong chặng đầu của công cuộc đổi mới.
Lần vào Nha Trang gần đây, đi trên một chuyến xe do một thanh niên trẻ cầm lái, mà sau đó tôi mới biết đó chính là Trần Đình Thành, Tổng giám đốc khách sạn Viễn Đông, một khách sạn lớn ở Khánh Hòa.
Hỏi chuyện mới biết Thành từng du học ở Mỹ, có bằng thạc sỹ, có người anh và người em đang làm ăn phát đạt ở đó.
Trần Đình Thành.
Thành về Việt Nam, được sự giúp đỡ của bố là doanh nhân Trần Đình Chín đầu tư nhiều hạng mục công trình về du lịch tại thành phố biển Nha Trang.
Tâm sự của Thành là mong muốn góp một phần công sức của mình trong việc xây dựng và phát triển ngành du lịch sao cho gần với thế giới hiện đại ở chính trên quê hương mình.
Được biết ông Trần Đình Chín, nhiều năm là thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình.
Mấy tháng trước tôi gặp một cán bộ đoàn, hỏi chuyện mới biết anh là con trai của người tù Côn Đảo nổi tiếng GS Lê Quang Vịnh.
Lúc đó tôi nói chuyện với Lê Quang Tự Do, anh đang là ủy viên BCH T.Ư đoàn, Phó Ban tuyên giáo của đoàn. Anh đã từng tốt nghiệp thạc sỹ ở nước ngoài về.
Câu chuyện xoay quanh những ý tưởng mới mà giới trẻ bây giờ đang hăng say phấn đấu. Ba anh từ trong nhà tù đế quốc đã đặt tên người con trai của mình là Tự Do - Lê Quang Tự Do như một khát vọng. Khát vọng độc lập tự do của hàng triệu người Việt Nam quyết không sợ hy sinh để cho đất nước được độc lập, thống nhất tự do.
Lê Quang Tự Do.
Lê Quang Tự Do nói rằng, điều mà anh hằng mong mỏi là làm sao sống cho xứng đáng với chú, với cha của mình (Lê Quang Tự Do cũng là cháu ruột của một người từng ở tù nhiều năm vì lý tưởng độc lập tự do - nhà tư tưởng Trần Trọng Tõn).
Bây giờ Lê Quang Tự Do là Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo.
Tôi thường thấy anh trong những hoạt động xung kích của tuổi trẻ ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Có rất nhiều những người trẻ tuổi mà tôi đã gặp, đã trò chuyện với họ như những người bạn, như những người cùng chung ý tưởng.
Và tôi muốn được gọi họ là thế hệ THÁNG TÁM.
Nhà vườn Sóc Sơn 2015
Có một điểm chung giữa những người trẻ ấy là: mong muốn sống sao cho xứng đáng với ông cha mình. Mong muốn học tập không ngừng, phấn đấu không ngừng, làm việc không ngừng cho sự phát triển bền vững của chính gia đình, quê hương, đất nước nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên. |