"Sao chị không bớt xinh"
Mỗi lần bị mọi người hỏi han về tình trạng độc thân kéo dài của mình, Hiền lại cay đắng kết luận rằng cô ế là do chị.
Tại chị đẹp nên em cô đơn
Hiền 29 tuổi. Ở thành phố vào thời buổi này, tuổi ấy chưa chồng cũng chưa phải đáng lo gì. Có điều, Hiền chẳng những chưa có vị hôn phu, mà ngay cả người yêu hay bạn trai bình thường cũng không. Cô chỉ có vài người bạn gái không mấy thân thiết. Nhà 3 chị em, chị gái đã 2 con, em trai cũng vừa ăn hỏi, chỉ riêng Hiền vẫn ngồi yên tại chỗ và không có dấu hiệu “di chuyển”.
Hiền không xấu, nhưng cô luôn tự ví mình với Thị Nở và nói rằng, bi kịch lớn nhất của cô là ngay bên cạnh Thị Nở lại luôn hiện diện một… Thúy Kiều – chị gái cô. Mặc dù chị lấy chồng và ra ở riêng đã lâu nhưng Hiền vẫn thấy mình “không thể ngóc đầu lên được” vì chị cô không chỉ xinh mà còn học giỏi, hiện là giảng viên đại học, lại đảm đang, tháo vát, khiến cô em gái càng trở nên vô nghĩa vì chẳng được điểm gì. Thi đại học hai năm đều trượt, phải học dân lập, khi ra trường, Hiền cũng trầy trật mãi mới có việc, và làm ở cơ quan nào cô cũng kêu là bị sếp đì.
“Tôi như vậy là tại chị gái. Chị đã hưởng hết sự tốt đẹp, may mắn lẽ ra phải thuộc về tôi một phần”, Hiền nói. Ý nghĩ đó xuất hiện trong cô ngay từ thời trung học, khi nhà cô luôn nườm nượp các chàng trai đến trồng cây si, nhưng tất cả đều hướng về chị, không một ai để mắt đến cô. “Nếu tôi không có chị, hoặc chị cũng xấu như tôi thì tôi đã sớm có người yêu rồi. Đằng này, ai đến nhà cũng thấy chị đẹp như tiên thì còn để ý gì tới tôi nữa. Vẻ đẹp của chị chỉ làm cho sự xấu xí của tôi càng trở nên rõ ràng hơn thôi”.
Thúy, chị gái Hiền, rất buồn vì bị coi là nguồn cơn nỗi bất hạnh của em. “Nó nói tại tôi cũng đúng, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào. Trong số bạn khác giới của tôi hồi trước cũng có mấy anh thích Hiền, nhưng không đi xa được vì nó toàn cạnh khóe, nghi ngờ người ta, rằng không tán nổi chị nên quay sang em chứ gì, rằng đã quen chị đẹp và giỏi thế, làm gì có chuyện thích cô em xấu xí tầm thường này, rằng có phải anh cưa em để trả thù chị không… Cứ thế thì làm gì có anh nào đủ kiên nhẫn theo đuổi được”.
“Lớn lên, mặt nó lúc nào cũng khó đăm đăm, đàn ông con trai ai trêu đùa một câu thì nó đều vênh mặt lên khinh khỉnh hoặc đốp chát sâu cay để tỏ ra mình tuy thiếu nhan sắc nhưng có thừa lòng tự trọng. Hơi một tí là nó xù lông nhím, nó mỉa mai, móc máy, còn ai dám dây với nó. Tôi đã nhiều lần góp ý rằng vẻ đẹp của người con gái không chỉ ở bề ngoài, điều quan trọng là khiến mọi người dễ chịu khi ở cạnh mình, rằng cứ cởi mở, vui vẻ là mọi chuyện hanh thông. Nhưng nó nhìn tôi một cách chán ghét, bảo như chị thì thích nói gì chả được, chị cứ thử xấu như tôi đi xem có dám bảo nhan sắc không quan trọng không”.
Chị gái Hiền rất lo lắng, rằng nếu cứ giữ nguyên tính cách như vậy, cô em sẽ khó lấy chồng, cho dù từ lâu chị đã không còn “ám quẻ” bên cạnh cô nữa.
Chị gái Hiền rất lo lắng, rằng nếu cứ giữ nguyên tính cách như vậy, cô em sẽ khó lấy chồng (Ảnh minh họa)
Đừng nhìn người khác để thấy mình bất hạnh
So với mọi người, Lượng cũng chẳng hèn kém gì. Anh có nhà, có công ăn việc làm ổn định, có vợ, có con. Thế nhưng Lượng luôn coi mình là người thua thiệt, số phận hẩm hiu, bởi anh “chẳng là cái đinh gì” nếu so với Vinh, người em trai từng là học sinh giỏi quốc gia, từng du học nước ngoài và hiện là chủ một doanh nghiệp khá lớn, quan hệ toàn với những người “đẳng cấp”. Lượng một mặt thấy may mắn vì có người nhà thành đạt, có thể hỗ trợ anh khi gặp khó khăn, nhưng mặt khác lại thấy cay đắng vì mình là anh cả mà so với em lại quá nhỏ bé.
“Số tôi thật chẳng ra làm sao”, Lượng than thở. “Tôi không giỏi giang được như nó, chắc cũng vì hồi bé bị ốm một trận thập tử nhất sinh, rồi viêm tai giữa kéo dài, nên thể chất, đầu óc cũng bị ảnh hưởng. Bố mẹ hồi đó lại còn nghèo, không có tiền thuốc thang tử tế. Còn thằng Vinh sinh ra khi nhà đã khá hơn, sướng từ hồi mới đẻ”. Lượng cho biết nhiều khi anh vẫn thầm trách bố mẹ, phải chi ngày đó họ chăm sóc anh cẩn thận hơn thì biết đâu anh cũng có sự nghiệp như chú em.
Lượng thường xuyên cảm thấy mình bị coi nhẹ, khinh thường bởi hễ gia tộc có việc gì khó khăn là y như rằng người ta lại nhắc đến Vinh, gọi cho Vinh hỏi nên thế họ hay thế kia chứ không í ới gì anh cả. “Ngay cả những người trong gia đình cũng thế mới khiến tôi đau lòng”, Lượng tâm sự. “Tôi dù thế nào thì cũng là con trưởng, cho dù có những việc tôi không lo nổi thì bố mẹ cũng nên hỏi tôi trước, đằng này cứ gọi điện nhờ thẳng nó. Vợ tôi cũng thế, xin cho con vào trường điểm không được đã lập tức te te bảo để em gọi chú Vinh, chú ấy nhờ một tiếng là xong ngay”.
Vợ chồng Lượng nhiều lần cãi nhau, mắng nhau cũng chỉ vì chuyện đó. Vợ anh bực bội: “Tự nhiên anh ấy cứ mua dây buộc mình, anh em vẫn thương quý nhau, vợ chồng vẫn yêu nhau, cũng chẳng mâu thuẫn gì, vậy mà thỉnh thoảng tôi lại bị dằn vặt vì chuyện vớ vẩn. Rồi anh ấy sưng sỉa, thở dài thườn thượt, có khi còn dỗi bỏ cơm. Đến mệt”.
Cũng có hoàn cảnh giống Lượng – có người em trai thành đạt, tài giỏi trong khi mình hết sức bình thường – nhưng anh Cung lại có cảm nhận hoàn toàn trái ngược. Hễ ai nhắc đến em mình là Cung nở mày nở mặt vì tự hào: “Chuyện! Chú nó vừa mở thêm một chi nhánh ở TP HCM đấy. Kinh tế suy thoái mà nó làm ăn vẫn tốt lắm”, hay: “Thằng út nhà tôi học giỏi giống chú. Chú nó bảo nếu nó cố gắng thì sẽ tài trợ cho đi du học đấy”…
Nhiều người trêu: “Gớm, của chú ấy mà anh cứ khoe như của mình không bằng. Anh em kiến giả nhất phận, em giàu mấy thì cũng có chia của được cho anh chị nó đâu”. Cung cười toét miệng: “Cần gì chia. Em nó giỏi, nó sướng thì bố mẹ mình vui mừng, mình vui mừng. Các con mình có một tấm gương để học tập, phấn đấu. Chú nó bảo, thằng út nhà này tương lai chẳng thua gì chú đâu”.
Cung bảo, tại sao cứ phải nghĩ mình thua thiệt, mà không nghĩ rằng gia đình may mắn khi có một người thành đạt, làm rạng danh mẹ cha? “Mình cũng có công việc, tuy bình thường nhưng thú vị, đủ lo cho vợ con, gia đình hòa thuận đúng như mình muốn, sao không thấy hạnh phúc chứ?”, anh giãi bày. Người đàn ông 43 tuổi này cho rằng, những người thấy “khó ở” vì em mình quá xuất sắc thật dại dột, bởi cảm giác hạnh phúc của họ không phụ thuộc vào chính mình, vào những gì mình có, mà lại phụ thuộc vào người khác.
“Đừng nhìn người khác để tự thấy mình bất hạnh, vì sẽ không có điều gì ngu ngốc hơn”, Cung nói.