Rơi nước mắt vì "đám cưới cổ tích" của cô dâu bệnh tật
Ước mơ làm vợ, làm mẹ, khoác trên mình tấm áo cô dâu của chị Thiên Hương lần lượt được anh Hoàng Dũng biến thành hiện thực.
Người ta gọi ngày vui của anh Hoàng Dũng và chị Thiên Hương (tổ chức ngày 8.5) là “đám cưới cổ tích” không chỉ bởi đây là lần đầu tiên họ được làm cô dâu, chú rể sau 10 năm chung sống, mà còn bởi tình yêu của họ trong suốt những năm tháng cùng nhau giành giật mạng sống từ tay thần chết khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
Đám cưới cổ tích của anh Hoàng Dũng và chị Thiên Hương khiến nhiều người xúc động
Được tổ chức vào đúng ngày Thalassemia Thế giới 8.5 (Thalassemia: căn bệnh tan máu bẩm sinh), tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, câu chuyện tình yêu của Thiên Hương - Hoàng Dũng đã khiến nhiều người chứng kiến phải rơi lệ.
Lễ cưới ấm áp của chàng trai khỏe mạnh với cô gái bệnh tật đã hơn 23 năm gắn với căn bệnh hiểm nghèo - trước sự chứng kiến của đông đảo bệnh nhân, bác sĩ đã gây xúc động mạnh.
Mắc phải “căn bệnh nhà giàu” từ năm 13 tuổi, chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1980) đã có hơn 2/3 cuộc đời gắn với bệnh viện, truyền máu. Hiểu rõ số phận mình, chị chưa bao giờ dám mơ đến một mái ấm nhỏ mà ở đó chị được làm vợ, làm mẹ.
Thế nhưng, chính anh Hoàng Dũng – chàng cán bộ văn hóa phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhen nhóm giấc mơ ấy cho cả anh và chị. Và chính anh là người thực hiện nó.
Sau 10 năm chung sống, đây là lần đầu tiên anh chị được làm cô dâu, chú rể
Bất chấp cô bạn hàng xóm mắc bệnh hiểm nghèo, anh Dũng vẫn đem lòng cảm mến và ngỏ lời yêu chị. Có được niềm tin từ anh chàng cán bộ văn hóa, chị Hương bỏ qua mặc cảm bệnh tật, sẵn sàng trao gửi trái tim.
Sau hai năm yêu nhau, họ tính đến chuyện “về chung một nhà”. Nhưng mối tình ấy đã vấp phải sự phản đối từ hai gia đình. Bên kia không muốn con trai lấy người vợ bệnh tật, bên này không muốn con gái phải vướng thêm mối lo nghĩ nào, và thế là đám cưới trong mơ chẳng thể diễn ra.
Không từ bỏ, họ bất chấp tất cả, dọn về chung sống dưới một mái nhà, cho đến khi chị Hương mang bầu 7 tháng.
Một ngày xám trời, bác sĩ thông báo tin dữ, chị Hương không đủ sức khỏe để mổ lấy con. Nhưng niềm mong ngóng được làm mẹ khiến chị gạt đi tất cả, sẵn sàng đánh cược với “mệnh trời”, quyết sinh đứa con này.
Ngày chị Hương lên bàn mổ, không chỉ anh chị mà cả gia đình hai bên đều chuẩn bị tinh thần đón nhận tin xấu nhất.
Hai vợ chồng nở nụ cười hạnh phúc trong suốt lễ cưới
Điều kỳ diệu đã đến, mặc dù sức khỏe yếu nhưng chị Hương đã “mẹ tròn con vuông”, hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Đầu tiên là được làm vợ, giờ thì đến lượt được làm mẹ - những điều trước đây chị Hương chưa từng dám mơ, nay đã thành hiện thực nhờ tình yêu quá lớn của chồng.
Vẫn với quyết tâm từ những ngày mới yêu, anh Dũng và chị Hương “điên cuồng” làm việc, kiếm tiền chữa bệnh, nuôi con. Chị có một cửa hàng nhỏ tại Hà Nội, cùng anh kinh doanh. Cuộc sống dần ổn định.
Nhưng, vẫn có một điều anh Dũng đau đáu suốt 10 năm qua là kể từ ngày “về chung một nhà”, anh chưa có cơ hội cho vợ được mặc áo cô dâu. Cuộc sống chảy trôi, nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền", bệnh tật đã cuốn anh đi, để rồi một đám cưới ấm cúng, hạnh phúc vẫn mãi nằm gọn trong "giấc mơ tương lai". Còn chị, chỉ riêng được làm vợ, làm mẹ đã là niềm hạnh phúc vẹn tròn, chị không hề dám mơ ước điều gì thêm nữa.
Như thấu hiểu nỗi trăn trở của anh Dũng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi chị Hương nhiều năm là "khách quen", kết hợp với Hội tan máu bẩm sinh đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh chị tại chính nơi cả hai thường xuyên "dìu dắt nhau đi về" này.
Ước mơ được làm vợ, làm mẹ, được khoác lên mình tấm áo cô dâu của chị Thiên Hương lần lượt được anh Hoàng Dũng biến thành sự thật
Trong ngày trọng đại, chị mặc áo cưới trắng xinh đẹp, anh diện vest lịch lãm, cả hai nắm tay bước đi trong lễ đường. Giây phút trao nhau cặp nhẫn cưới, cùng nhau thực hiện nghi thức thiêng liêng trước sự chứng kiến của con trai và đông đảo bác sĩ, bệnh nhân khiến hai anh chị xúc động mạnh.
Đám cưới cổ tích kết thúc, hai vợ chồng trở về nhịp sống thường ngày, làm việc quanh gánh xôi gà là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy vậy, khi nhắc lại giây phút hạnh phúc đó, chị vẫn lâng lâng.
“Tôi mắc bệnh 23 năm rồi, lấy chồng được 10 năm và đây là lần đầu tiên được làm đám cưới. Chắc ai ở trong trường hợp của tôi cũng thấy vui và hạnh phúc. Mắc bệnh hiểm nghèo mà còn dám mong có chồng, có con, thế là quá tham lam rồi, vậy mà tôi còn được giúp đỡ để làm đám cưới. Tôi chẳng thấy mình bất hạnh mà chỉ thấy toàn may mắn thôi”, chị Hương tâm sự với ánh mắt tươi vui.
Khoảnh khắc hạnh phúc của đôi vợ chồng trong lễ cưới
Niềm hạnh phúc ngập tràn khiến chị Hương trong lễ cưới, đã nói nhỏ với nhiếp ảnh gia: “Đừng chụp tôi khổ quá nhé, tôi chụp hình không phải để xin từ thiện đâu”.
Anh Tú Nguyễn – người thực hiện bộ ảnh cưới “cổ tích” là người nghe được lời đề nghị đó. Và đây cũng chính là điều anh nhớ nhất về đám cưới trong mơ này.
“Chị rất nghị lực, luôn nói với tôi rằng đừng chụp chị khổ quá. Chị chỉ muốn mọi người biết rằng, mình vui vẻ và hạnh phúc dẫu mắc bệnh nan y. Chứng kiến lễ cưới xúc động này, điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả là tình yêu của anh Dũng dành cho người vợ bệnh tật. Chỉ có tình yêu thực sự mới giúp anh làm được những việc như vậy. Nhìn anh chị tay trong tay hôm ấy, rất nhiều người đã rơi nước mắt”, anh Tú chia sẻ.
10 năm qua, anh Dũng cùng chị Hương chiến đấu với bệnh tật
Chẳng còn nỗi buồn, niềm đau nào họ chưa từng cùng nhau trải qua
Những lúc đau đớn nhất, anh là bờ vai vững chãi cho chị tựa vào
Cả hai cùng nhau xây đắp một mái ấm hạnh phúc
Chị hàng ngày quanh quẩn bên cửa hàng nhỏ...
... anh bỏ việc nhà nước giúp đỡ chị làm hàng và chuyển hàng
Người con trai 9 tuổi là niềm hạnh phúc, là động lực cho anh chị cố gắng
Hạnh phúc bên mâm cơm gia đình
Suốt quãng đường còn lại, chị có anh chung bước