DANH MỤC

 

Trưởng thành, kết hôn, sinh con tưởng như là hành trình cố định của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn quyết định không sinh con bởi không sẵn sàng làm bố, làm mẹ và luôn có những lo ngại về cuộc sống nhiều bất trắc.

 

Hơn 5 năm qua, tôi vẫn tự hỏi “Mình có hối hận khi sinh con không?”. Rốt cuộc, tôi chẳng bao giờ tìm được câu trả lời bởi, cuộc đời đâu có từ “giá như”.

Tôi ở những năm 25, 26 tuổi luôn coi việc lấy chồng, sinh con là điều hiển nhiên. Nó giống như bản năng, là việc ai cũng sẽ trải qua dù ở trong hoàn cảnh nào. Bởi vậy, tôi chưa từng lên kế hoạch cho cuộc sống làm vợ, làm mẹ của mình.

26 tuổi, tôi kết hôn. 27 tuổi, tôi sinh cô con gái đầu lòng. Chẳng may, con tôi bị teo cơ tủy sống, một căn bệnh mà dù trong khoảng thời gian mang bầu, tôi đã tiến hành kiểm tra, sàng lọc cẩn thận vẫn không phát hiện ra.

Khi con 8 tháng vẫn chưa biết lẫy, hơn 1 tuổi vẫn chưa biết ngồi, tôi cho con đi khám thì mới hiểu rõ sự tình. Vợ chồng tôi đau khổ vô cùng, tôi thương con, thương cho chính bản thân mình không may mắn.

Năm tháng sau đó là những chuỗi ngày tôi cùng con đấu tranh với bệnh tật. Những đêm con đau ốm, quấy khóc, một mình tôi trắng đêm chăm con. Những ngày tất bật đi làm về lại chở con đi bệnh viện hút đờm, tập vật lý trị liệu… khiến tôi quay cuồng. Cuộc đời tôi chỉ xoay quanh cô con gái nhỏ, không còn thời gian chăm sóc bản thân, vui chơi bạn bè hay gây dựng các mối quan hệ. Tôi còn phải từ bỏ chức trưởng phòng, xuống làm nhân viên vì thường xuyên đi muộn về sớm.

Về mặt kinh tế, tôi vẫn cáng đáng được nhưng về mặt tinh thần, tôi suy kiệt. Mẹ chồng hắt hủi, trách móc tôi không biết đẻ, không biết chăm con. Bà còn kéo chồng tôi ra ngủ riêng vì sợ con quấy khóc, ảnh hưởng đến giấc ngủ, hôm sau không có sức làm việc. Lỡ sinh ra một đứa con bệnh tật, tôi bị người thân kỳ thị, bỏ rơi, luôn thấy cô đơn trong chính mái ấm của mình.

Điều khiến tôi đau xót hơn cả là lúc cô con gái bé nhỏ bắt đầu hiểu chuyện. Con bé nhận ra khiếm khuyết của mình khi bạn bè cùng tuổi được chạy nhảy, vui chơi, con bản thân chỉ biết tựa lưng vào chiếc xe đẩy hoặc ở trong vòng tay của mẹ. Con bé ham học nhưng lại không thể đến trường. Nhìn con bé, tôi lại trách chính bản thân không thể cho con một cơ thể lành lặn như những đứa trẻ khác.

 

Khoảng thời gian này, tôi vẫn tích cực cho con dùng thuốc, tập vật lý trị liệu với mong muốn con có thể ngồi vững. Cuộc sống của hai mẹ con đang dần ổn hơn thì mẹ chồng tôi lại gây áp lực, giục tôi sinh người con thứ hai.

Trước đó tôi đã nói rõ với chồng, tôi sẽ không sinh thêm nữa. Con gái tôi đã quá thiệt thòi vì bệnh tật, tôi muốn giành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho con. Chồng tôi khi ấy đồng ý nhưng không hiểu sao gần đây lại thay đổi, muốn hai vợ chồng gắng thêm đứa nữa.

Thì ra, tất cả đều là ý của mẹ chồng tôi. Bà thấy vợ chồng tôi dùng dằng, bèn nói thẳng: “Bố mẹ chẳng may có con cái khuyết tật thì càng phải sinh thêm đứa nữa để sau này chị em chúng nó nuôi nhau. Bố mẹ có sống nuôi nó cả đời được không?”.

Câu nói của bà khiến tôi rơi nước mắt. Người ta sinh thêm con chỉ vì muốn “con đàn cháu đống”, phúc lộc đầy nhà, còn tôi sinh thêm con chỉ để có người nuôi đứa con khuyết tật của mình. Nếu vậy, đứa con thứ hai của tôi vừa sinh ra đã phải gánh vác trên vai một cuộc đời khác, số phận rồi sẽ đau khổ, vất vả đến nhường nào.

Tôi lại càng có lý do tin vào quyết định của mình. Tôi sẽ tự đối mặt, chịu trách nhiệm với “sản phẩm không hoàn thiện” do chính mình tạo ra chứ không đặt gánh nặng đó lên vai người nào khác. Nếu chồng và gia đình chồng tiếp tục gây áp lực về việc sinh con, tôi sẽ ly hôn.

 

Chỉ còn 1 tháng 20 ngày nữa là đến đám cưới của tôi. Tôi và chồng sắp cưới cũng đã dọn về ở chung xem như ổn định cuộc sống trước đám cưới.

Thế nhưng, sau khi ở chung, tôi phát hiện ra đối phương có khá nhiều vấn đề như: gia trưởng, dễ cáu giận, hay chấp nhặt, thường so đo việc nhà với bạn gái… Tôi khá thất vọng nhưng cũng ngậm ngùi bỏ qua.

Trước đây, tôi đã có suy nghĩ ngại sinh con. Với tôi, sinh con là việc hệ trọng, nó còn hệ trọng hơn cả kết hôn. Bởi lẽ, kết hôn còn có thể ly hôn chứ sinh con ra thì không thể “quay lại” được nữa. Trải qua chuỗi ngày “sống thử” với chồng sắp cưới, tôi càng chắc chắn hơn về suy nghĩ của mình.

Tôi lựa một ngày vui vẻ để nói chuyện này với anh. Tôi nói, sau khi kết hôn chúng ta nên “kế hoạch” 3 năm rồi mới sinh con. 3 năm đó là quãng thời gian hai vợ chồng chuẩn bị kỹ càng về kinh tế, tâm lý vì sinh nở là việc vô cùng hệ trọng. Đứa trẻ sẽ khiến cuộc sống xáo trộn và ta cần sẵn sàng cho việc đó. Hơn nữa, tôi cũng muốn có thời gian thử thách hôn nhân. Tôi phải chắc chắn đối phương là người đồng hành phù hợp với mình thì mới dám có con chung.

 

Nhưng chồng sắp cưới của tôi không nghĩ vậy. Anh nổi đóa lên khi tôi nhắc đến việc này. Anh bảo: “Nếu em ngại sinh con thì lấy chồng làm gì, sao không ở một mình luôn cho rảnh”. Anh nói tôi ích kỷ, luôn có tâm lý đề phòng, tôi không có bản năng của một người vợ, người mẹ…

Quan điểm sống quá khác nhau khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không biết liệu có đúng như mọi người vẫn nói rằng, đứa con có thể thay đổi tính cách của bố. Sẽ ra sao nếu tôi sinh con ra và chồng tôi vẫn vô tâm, lười biếng, gia trưởng, so đo tị nạnh việc nhà với tôi như bây giờ? Cuộc sống chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt và khi đã có con, tôi chẳng thể dễ dàng rời đi được nữa.

 

Vợ chồng tôi kết hôn khi cả hai đã ngoài 30 tuổi và cả hai chúng tôi đều không muốn có con. Chúng tôi đều thuộc tuýp người “nghiện” công việc và mê hưởng thụ. Việc cống hiến hết mình cho công việc để thăng tiến, rồi khi có thời gian rảnh thì đi du lịch, hưởng thụ sự an nhàn khiến chúng tôi thấy viên mãn.

Tôi hiểu, một khi có con, tôi sẽ phải trì hoãn nhiều thứ, đặc biệt là sự nghiệp. Tôi không thể vừa chăm sóc con thật tốt, lại vừa có 100% thời gian, sức lực phấn đấu cho sự nghiệp riêng. Bởi vậy, tôi lựa chọn điều mình đam mê hơn, đó là công việc. Tôi không muốn đứa trẻ mình sinh ra chịu thiệt thòi vì có một người mẹ không toàn tâm toàn ý với việc chăm con. Chồng tôi là con thứ, không bị áp lực phải sinh con nối dõi nên cũng thoải mái với vấn đề này.

 

Thế nhưng, trong mắt nhiều người, vợ chồng tôi lại giống như những kẻ lập dị, quái đản. Bạn bè nói với tôi: “Mày chưa đẻ nên chưa biết có con hạnh phúc thế nào”, “Còn trẻ thì tranh thủ đẻ đi chứ già hết trứng lại hối hận”…

Ngay cả bố mẹ đẻ cũng nói với tôi những lời khó nghe như: “Ngày xưa bố mẹ cũng nghĩ thế thì làm gì có mày bây giờ”, “30 tuổi có tiền, có sức khỏe thì thấy tự do là sướng, đến khi 70 tuổi không có con cháu bên cạnh mới biết thế nào là khổ”… Họ bảo tôi ích kỷ, chỉ biết sướng hôm nay mà không nghĩ cho ngày mai.

Tôi chẳng thể giải thích rõ với từng người quan điểm sống của mình nên chọn cách im lặng. Tôi vẫn kiên định rằng, sinh con là mong muốn, lựa chọn của bản thân chứ không phải là kết quả tạo ra do sự thúc đẩy của những yếu tố bên ngoài.

Phút thành thật: Lý do mẹ chồng giục sinh thêm con khiến tôi rơi nước mắt - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 04/12/2023 08:06 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])