Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Bác sĩ Võ Kế Đạt (sinh năm 1991) là cựu sinh viên Đại học Y dược TP.HCM và công tác tại khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương đến nay đã được 5 năm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ giữa tháng 6/2021, bệnh viện nơi anh Đạt công tác chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Vì thế, bác sĩ Đạt đã tham gia chống dịch cùng đồng nghiệp tại khoa Hô hấp của Bệnh viện Trưng Vương.

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 1

Nhật ký viết vội

Ngày 2/9: Chỉ mong bệnh nhân được "hít khí trời"

Trong khoa có một gia đình 3 thành viên bị nhiễm COVID đang điều trị. Người chồng tuổi trung niên, béo phì, bị viêm phổi mức độ nguy kịch, vợ con mức độ nhẹ.

Mỗi ngày theo dõi phòng bệnh nặng, nhìn qua tấm kiếng, chúng tôi thấy người vợ chăm sóc cho chồng rất kỹ, lâu lâu vuốt tóc, kể chuyện, gọi video về cho gia đình. Mặc dù anh đang phải đặt ống thở, chỉ có thể chớp mắt liếc mắt qua lại theo từng cử chỉ của vợ.

Hôm đó người chồng diễn tiến không thuận lợi. Cả 3 bác sĩ không ai nói với ai lời nào, mọi người đều giữ im lặng, giữ luôn những suy nghĩ như "mớ bòng bong", nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng đang hy vọng phép màu có thể xảy ra dù biết rất mong manh.

2h sáng hôm sau, anh ấy không qua khỏi. Chúng tôi không cần giải thích với chị nhiều, chỉ động viên hai mẹ con, mấy ngày nay chị cũng đã biết rõ tình hình. Dù sao anh cũng ra đi bên cạnh người thân của mình…

Trong lòng tôi bỗng dưng nghĩ, tất cả những nỗ lực ngày hôm nay chúng ta làm, chỉ là để có ngày bệnh nhân được hít khí trời mà thôi. Con người quý trọng nhất là hơi thở, rất tiếc con virus này lại đánh vào điều đó.

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 2

Ngày 5/9: Nhìn các bạn tình nguyện viên chạy "lon ton"

Đa số bệnh nhân COVID không có người thân ở bên, nên các nhân viên y tế ngoài làm chuyên môn ra còn phải chăm sóc thay cho người nhà, nhất là những bệnh nhân đang nguy kịch không thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống hay xoay trở. Nhưng vì số lượng quá đông nên mọi người cố gắng lắm cũng không xuể.

May sao có các tình nguyện viên vào hỗ trợ, là sinh viên, các F0 đã khỏi bệnh… vô thay người nhà chăm sóc bệnh nhân. Gặp gỡ, quan tâm trò chuyện mỗi ngày nên các em có tình cảm, nhiều khi chạy "lon ton" vào báo: “Bác ơi bà ngoại em phòng 5 bị tiêu chảy, ông nội em phòng 6 bị mệt"...

Dù là người xa lạ, nhưng tình cảm của các em đều rất chân thành. Hy vọng tất cả "ông bà nội ngoại cô dì chú bác anh em họ hàng" sẽ được ra viện sớm, gặp nhau bấy nhiêu là đủ rồi.

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 3

Ngày 11/9: Trung thu năm COVID...

"- Ê mấy nhóc, lại đây bác tặng cho hộp bánh với cái lồng đèn. Quà Trung Thu sớm đó! - Nhận xong thì nhanh chóng về nhà học online đi nha, ở đây chi mà ở mãi sốt cả ruột. Mấy cô mấy chú nhìn mặt hoài thấy ghét lắm rồi nha mấy đứa!"

Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi chuẩn bị quà Trung Thu cho các bệnh nhi trong khoa. Vì chứng kiến quá nhiều mất mát, tinh thần người lớn có khi còn suy sụp, nhưng mấy bé thì khác, lúc nào khoẻ hơn chút thì chúng chạy nhảy nô đùa. Tôi nghĩ Trung thu là Tết thiếu nhi nhưng cũng là dịp quan trọng với người lớn, để động viên tinh thần của bản thân mình và các đồng nghiệp cũng như tạo niềm vui cho các bé, để các bé không có cảm giác thiệt thòi...

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 4

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 5

Ngày 12/9: Rôm rả các cuộc nói chuyện

Đây là khoa hô hấp nằm ở lầu 1, bên dưới tầng trệt là khoa nội tiết. Gọi tên khoa như trước đây để định danh liên lạc với nhau còn hiện tại khoa nào cũng là khoa để điều trị cho bệnh nhân COVID hết, phân tầng từ mức độ trung bình đến nặng và nguy kịch. Chính giữa khu nhà có cây bồ đề, bao quanh bởi hành lang dãy các phòng bệnh.

Hành lang bên kia là “phòng điểm”, ý nói các bệnh nhân trong đó đang cần chăm sóc tích cực, thở oxy lưu lượng cao hoặc thở máy, theo dõi sát bằng monitor. Khi sinh hiệu của bệnh nhân có bất thường, máy sẽ báo liên tục bằng tiếng “tít tít” và các chỉ số nhấp nháy liên hồi trên màn hình. Phòng điểm hiếm có bao giờ được ngơi những âm thanh đó...

Hành lang bên này là phòng những bệnh nhân nhẹ hơn. Thường trong cùng gia đình sẽ ở chung phòng, nếu nhiều thì chia ra, họ có thể tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau. Những phòng này thường rôm rả các cuộc nói chuyện, như “Hôm nay đã âm tính và được về chưa bác sĩ?” hay “Có đặt trà sữa giao vào được không?”, kèm theo đó là tiếng mấy đứa con nít chạy giỡn khắp hành lang, không hiểu bằng cách nào có thể tổng hợp và tiêu thụ năng lượng cao suốt 24/7.

Khi bệnh nhân bên này trở nặng sẽ được chuyển ngay sang bên kia, cũng có lúc ngược lại, tức là bệnh bên kia nếu cải thiện nhiều sẽ được chuyển sang bên này.

Cây bồ đề vẫn tiếp tục cao lên, mấy nay chiều chiều có mưa lá lại càng xanh, lá non mọc quá trời...

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 6

Ngày 30/9: Làm việc xong dù mệt nhưng vẫn phải uống thuốc để ngủ...

Mấy tháng qua tham gia đủ công tác chống dịch, từ tư vấn điều trị F0 tại nhà, lấy mẫu cộng đồng, khám sàng lọc trước tiêm chủng, đến trực tiếp điều trị F0 tại bệnh viện.

Thời gian đầu ngoài việc phải làm liên tục nhiều tiếng trong bộ đồ bảo hộ nóng bức dẫn đến mất nước, viêm da… thì cảm giác căng thẳng và bất lực luôn thường trực ở nhân viên y tế khi phải thấy quá nhiều những mất mát. Thú thật, tôi thèm được "thở", không khí ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục làm tôi cảm thấy việc trước đây được hít thở khí trời quý giá nhường nào.

Có người buồn đến mức bỏ ăn, làm xong ca đêm dù mệt vẫn không ngủ được phải uống thuốc để ngủ. Một bác sĩ từng nói: “Những gì chúng tôi chứng kiến đủ đau thương cho cả một đời người".

Mai là ngày Sài Gòn "tái sinh trong mùa nắng mới", nhưng dù đã tiêm chủng cũng đừng quên 5K.

Biết đâu bất ngờ ngày mai thấy chợ Bến Thành không còn lô cốt, tuyến metro sắp được chạy, cầu vượt sông Sài Gòn cũng sẽ thông xe… Mơ thế đủ rồi, dậy đi trực thôi!

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 7

Không muốn "trưởng thành" trong hoàn cảnh chống dịch

Với vai trò là một bác sĩ, việc tham gia chống dịch là chuyện đương nhiên, đó là công việc, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Xuyên suốt thời gian đi chống dịch, bác sĩ Đạt nhớ đến mẹ - người đặc biệt làm nên kỷ niệm. Dịch bệnh khiến nhân viên y tế phải xa nhà với nỗi lo về sức khoẻ và sự an toàn của người thân. Trước đây, anh Đạt ít khi bày tỏ tình cảm với mẹ, nhưng khi đi chống dịch, anh lại có cách làm mẹ vui đó là ăn hết đồ ăn mẹ gửi, hay đùa gọi mẹ là "cô gái vàng trong làng tiếp tế". Anh Đạt đi chống dịch mà lại tăng 5kg liền. Mỗi lần anh nhận được đồ ăn của nhà gửi thì lại cảm thấy vui vì ba mẹ mình vẫn khoẻ và an toàn.

Nhiều người bày tỏ thắc mắc với bác sĩ Đạt: "Sao đi chống dịch gì mà suốt ngày post hình đồ ăn?".

Bác sĩ trẻ tâm sự: "Không ai hiểu sự khốc liệt của bệnh dịch này bằng bọn mình đâu, nhưng đây là thực tế phải chấp nhận, có than thở khóc thương thì mất mát cũng đã và đang xảy ra rồi. Vậy thì sao không trao cho nhau những điều tích cực để chờ ngày "tái sinh trong mùa nắng mới"?

Mình cũng cảm nhận sâu sắc những giá trị cuộc sống, có những điều tưởng như rất đơn giản mà mình gọi là "cuộc sống bình thường" giờ lại vô cùng đặc biệt. Bài học lớn nhất mình nhận được có lẽ là sự biết ơn cuộc đời".

Nhật ký viết vội của bác sĩ trẻ những ngày chống dịch - 8

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ sinh ngành Dược xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch

Nguyễn Thị Thúy An (21 tuổi) là sinh viên năm 4, ngành Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Cô xung phong tham gia tuyến đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN