Nhà chống ô nhiễm của học sinh lớp 10 ở Đà Nẵng
Trước cảnh hàng trăm hộ dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hơn chục năm nay phải chịu đựng mùi hôi thối, khí độc từ bãi rác Khánh Sơn, hai học sinh lớp 10 trường Trần Phú đã hiến kế bằng mô hình ngôi nhà giúp giảm thiểu ô nhiễm.
"Mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho dân cư khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn” do hai học sinh Quánh Đức Huy và Trần Mỹ Duyên (học sinh lớp 10/14 trường THPT Trần Phú) thực hiện. Đây cũng là mô hình vừa giành giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia khu vực phía Nam năm 2016 vừa kết thúc.
Quánh Đức Huy và Trần Mỹ Duyên với mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu dân cư lân cận bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: Đào Phan.
Quánh Đức Huy cho biết: “Người ta vẫn thường biết đến Đà Nẵng là một thành phố đáng sống vì môi trường trong lành. Nhưng ở một góc của thành phố, vẫn có hàng trăm hộ dân cả chục năm nay phải sống chung với khí độc từ rác thải, và vô số tấn bụi từ việc khai thác bãi đá gần đó. Vì bụi, vì mùi hôi thối, người dân ở khu vực này quanh năm đóng cửa tối om, không khí ẩm thấp, nhiều người ốm đau bệnh tật cũng vì thế mà ra. Vì thế em muốn thực hiện một ý tưởng có tính ứng dụng cao nhưng vẫn đảm bảo chi phí phù hợp cho mức sống của các hộ dân này”.
Mô hình giảm thiểu ô nhiễm được thiết kế với 5 phương pháp: Ôxi hóa khí độc bằng cách sử dụng sơn titan trên mái nhà; thiết kế làm cửa xoay cong theo hình cánh buồm nhằm ngăn cản bụi bẩn bay vào nhà, đồng thời vừa đón gió từ các hướng; bố trí hệ thống cây xanh có tác dụng khử độc tố và hút bụi; dùng quạt có gắn màng lọc than hoạt tính để lấy khí từ ngoài vào; sử dụng hệ thống cửa lưới bằng sợi thủy tinh bọc nhựa để giảm bụi và ngăn côn trùng bò vào nhà.
Đức Huy cho biết, điểm quan trọng nhất trong mô hình nhà giảm thiểu ô nhiễm này là ở phương pháp trồng cây xanh. “Những loại cây chúng em chọn trồng quanh nhà là bạc hà, nén, ngũ gia bì, dương xỉ, lô hội… Trên thế giới, người ta vẫn thường dùng các loài cây này để hút bụi, chống độc và đuổi côn trùng rất hiệu quả”.
Gắn với thực tiễn
Từ khi lên ý tưởng đến khi bắt tay vào nghiên cứu, Đức Huy và Mỹ Duyên nhiều lần lên bãi rác Khánh Sơn để khảo sát, lấy mẫu, vào từng nhà dân ngồi lắng nghe nguyện vọng của họ. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Nga kết nối với các doanh nghiệp và giảng viên các trường ĐH Bách khoa, ĐH Duy Tân hỗ trợ các thiết bị đo đạc các loại không khí và mức độ ô nhiễm.
Đầu tháng 2/2015, cô trò xuống nhà của ông Nguyễn Hảo (tổ 170, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ nguyện vọng triển khai thử nghiệm mô hình. Sau gần hai tuần, mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường được hoàn thành với chi phí gần 10 triệu đồng. Ngay sau đó, mô hình đã được Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (ĐH Đà Nẵng) thẩm định đạt các tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm.
Mỹ Duyên cho biết, hầu hết những hộ dân gần khu vực bãi rác Khánh Sơn đều có thu nhập thấp, đời sống khó khăn nên thiết kế hướng đến mục tiêu vừa rẻ vừa hiệu quả. Khi biết về mô hình của nhóm, nhiều người dân rất kỳ vọng.
Trở về cùng với thành công từ cuộc thi Khoa học kỹ thuật, Đức Huy và Mỹ Duyên vẫn canh cánh: mô hình đã hoàn thành, tính khả thi cũng đã được kiểm định, vậy làm thế nào để người dân triển khai đồng loạt? Cô Trần Thị Thu Nga cho biết, sắp tới cô trò sẽ làm đề xuất hiến kế gửi lên Sở GD&ĐT, UBND thành phố để mô hình được triển khai vào thực tế, góp phần giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn. |