Ngượng chín mặt vì vợ "ngọng líu ngọng lô”

“Cơn gió lào bay ngang cuộc đời, lói với em rằng tôi nẻ noi", Hương cao giọng hát trong bữa tiệc gặp mặt đầu năm cơ quan chồng khiến Tuấn cảm thấy đỏ mặt tía tai.

Tuấn vốn đẹp trai, cáo ráo, đi đâu cũng được nhiều cô ngước nhìn. Thế mà không hiểu trời xui đất khiến thế nào, Tuấn lấy Hương.

Hương quê ở Bắc Giang, ngoại hình bình thường, là nhân viên kinh doanh, tính tình xởi lởi. Cô có giọng hát khá hay và rất yêu văn nghệ. Thế nên, mỗi khi có dịp tiệc tùng với bạn bè hay đi liên hoan với đồng nghiệp ở công ty của chồng, cô đều xung phong hát góp vui. Khổ nỗi Hương nói ngọng, cô không phân biệt được "n- l" và “r-d” nên nhiều khi cô cất giọng là mọi người không nhịn được cười.

Từ những “Mưa dừng ơi mưa dừng”, "nòng mẹ bao na như biển Thái Bình", ... qua giọng ca của Hương đều trở thành "ca khúc bất hủ", bị nhiều người nhại đi nhại lại làm Tuấn ban đầu thấy vui vẻ nhưng riết lại đâm bực..

Tuấn rất yêu vợ vì cô biết “đối nội đối ngoại”, tốt tính. Thế nên anh thấy tật nói ngọng của vợ không có vấn đề gì lắm, đôi khi còn trêu vợ "nhờ vợ nói ngọng mà chồng được xả stress". Có lần, công ty tổ chức đi tham quan, yêu cầu tất cả đều phải dẫn vợ con đi, đường xóc, Hương thốt lên “Ôi trời, đường nó xấu thế lày thì làm thế lào” khiến tất cả người ngồi trên xe cười nghiêng ngả.

Tết đầu tiên đưa vợ về quê chồng Nghệ An, gia đình cậu họ đến chúc Tết hỏi cháu dâu quê ở đâu, Hương nhanh nhảu trả lời: “Cháu quê Bắc Giang cậu ạ”.

Ông cậu họ thấy thế mới cất giọng đọc thơ: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/Gió qua rừng Đèo Khế gió sang./Em là con gái Bắc Giang…”

Cậu chưa dứt lời, Hương nhanh nhảu tiếp giọng “Rét thì mặc rét nước làng em no” (đúng ra phải là “Rét thì mặc rét nước làng em lo”) khiến cả nhà được trận cười nắc nẻ.

Ngượng chín mặt vì vợ "ngọng líu ngọng lô” - 1

Yêu vợ nhưng đôi lúc Tuấn cảm thấy ngượng vì tật nói ngọng của vợ (Ảnh minh họa)

Hương biết rõ mình ngọng, cô cũng đã tập sửa nhưng rồi đâu lại vào đấy, vì vậy Hương thường cười xuề xòa mỗi khi ai đó trêu. "Ở quê em mọi người đều nói ngọng, từ bố mẹ, thầy cô ai cũng ngọng hết” – Hương phân trần.

Hầu hết người thân quen và bạn bè Hương đều hiểu và thông cảm cho lỗi phát âm ngọng của cô bởi thói quen vùng miền và coi đấy như là một điều dễ thương, đáng yêu. Tuy nhiên, việc nói ngọng này cũng đem lại nhiều bất lợi cho cô bởi do đặc thù công việc của phòng kinh doanh là thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và liên lạc điện thoại. Khi nghe cô nói “Em lào muốn bên anh thiệt vậy đâu”, “Nếu doanh nghiệp anh nàm tài trợ cho công ty em, anh sẽ được hưởng 30%”…, đồng nghiệp trong phòng lại không nhịn được cười.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Minh ở phố Hàng Bồ cũng mắc mắc tật nói ngọng “l-n” giống Hương. Minh cao ráo, xinh xắn, là cử nhân khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa. Ngay từ hồi học cấp 3, các bạn trong lớp đã cười phá lên khi cô nói tiếng Anh những câu như: “hê – nô” (hello – xin chào), “lâu am lót” (no, I’m not). Lấy chồng rồi có con, Minh vẫn không sửa được thói quen này.

Chồng Minh là giám đốc marketting, hồi còn giai đoạn yêu, anh bị cuốn hút bởi nhan sắc mặn mà, nụ cười duyên của Minh nên dù biết cô nói ngọng nhưng anh lại thấy đó là điểm đáng yêu. Đến khi cưới về, có hai con rồi vậy mà vợ anh vẫn chưa sửa được tật xấu này khiến anh đôi lúc ngán ngẩm.

Mỗi lần điện thoại cho vợ thấy vợ cầm điện thoại trả lời “A nô em nghe” hay các dịp cùng vợ gặp gỡ đối tác nước ngoài, dự tiệc, thấy vợ quan tâm gắp thức ăn rồi nhắc chồng “Anh thử ăn món lày xem, hôm lay em thấy ló ngon quá” anh lại cảm thấy ngao ngán.

Thấy rõ bất lợi của việc nói ngọng, chồng Minh đã từng ra sức giúp Minh cải thiện lỗi. Những lúc nói chậm rãi, Minh còn đỡ mắc lỗi nhưng khi bắt đầu vào guồng nói nhanh, đâu lại vào đó. Minh cũng hiểu cảm giác của chồng và cô thừa tinh ý để nhận ra việc anh ái ngại về thói quen xấu này của vợ.

Có lần bực vợ quá anh nói: “Mang tiếng cử nhân mà ngọng líu ngọng lô, thế này thì sao dậy con được” khiến Minh chưng hửng rồi khóc rưng rức.

Chính vì câu nói đó của chồng đã khiến Minh quyết tâm đăng ký theo học một lớp dạy chữa nói ngọng. Hiện giờ Minh đã sửa được lỗi nói ngọng của mình và cảm thấy thoải mái hơn hẳn khi giao tiếp với mọi người. Cô kể rằng nhờ khắc phục được tật nói ngọng mà cô đã tự tin nộp đơn xin phỏng vấn vào một công ty nước ngoài và trúng tuyển với mức lương khá cao. “Nói ngọng là tật xấu và thật sự rất bất lợi khi giao tiếp nhưng nếu quyết tâm thì hoàn toàn sửa được. Mình cố gắng khắc phục để chồng thêm yêu vợ, cần vợ và tự hào về vợ” – Minh chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Vân (Gia đình & xã hội )
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN