Người đàn bà 10 năm xa chồng, xa con để chạy thận

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

10 năm vò võ sống trên Hà Nội một mình để chạy thận, bà thấy tủi thân và nhớ gia đình.

Giữa cái xóm chạy thận nghèo của những người "cùng khổ", có những số phận hay mảnh đời khác nhau, chẳng ai giống ai. Nhưng khi kể ra, ai cũng phải đồng cảm vì họ có chung một nỗi khổ đó là phải chạy thận.

Bà Phan Thị Tảo lấy chồng từ năm 18 tuổi. Dù gia đình chồng vất vả, làm đồng ruộng nhưng cả hai rất thương yêu nhau. May mắn hơn, bà được sống cùng người mẹ chồng biết thương yêu, trân trọng con dâu nên cũng đỡ buồn tủi. Từ ngày chồng đi công tác xa, bà sống ở nhà cùng mẹ chồng.

Người đàn bà 10 năm xa chồng, xa con để chạy thận - 1

Bà Tảo trải lòng về cuộc sống vất vả chỉ mong cuộc sống về già được an nhàn

Bà Tảo khẽ đan những ngón tay sần sùi do di chứng của những lần chạy thận, nhìn đăm chiêu vào xa xa để nhớ lại những hồi ức còn vương vấn: “Mẹ chồng thương cô lắm. Suốt những năm tháng sống cùng nhau, bà chăm sóc con dâu như con đẻ của mình. Hễ mình sai bà nhắc nhở nhẹ nhàng không bao giờ mắng. Đặc biệt từ ngày sinh 3 đứa cháu nội, 1 gái 2 trai, mẹ chồng càng yêu quý hơn”.

Cuộc sống nông thôn vất vả, nhiều khi khiến bà cảm thấy cơ cực, muốn rời quê hương đi làm ăn, nhưng mẹ chồng một mực khuyên nhủ. Vì thế thuận theo lời mẹ chồng, bà vẫn bám lấy đồng ruộng để sinh nhai.

Có lẽ, cuộc đời của bà không bao giờ thoát khỏi nắng, gió, ruộng đồng. Và cũng chính vì lẽ đó, bà Tảo có cái dáng khắc khổ và già trước tuổi.

Ngày chồng trở về, hai vợ chồng sống dựa vào đồng lương hưu của ông cùng chăm con. Cũng may, con cái bà Tảo đều hiền lành, ngoan ngoãn nên sau khi ra trường ai cũng có công việc làm ổn định.

Cả đời vất vả, bà chỉ mong cuộc sống về già được an nhàn, nhưng ngờ đâu khi về già bà mắc đủ thứ bệnh. Đầu tiên phải kể đến thoái hóa xương khớp khiến việc đi lại khó khăn. Không ít lần bà phải đi hút dịch ở chân.

Khi chân vừa đỡ cũng là khi bà được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn nặng - căn bệnh đã khiến cuộc đời của bà gắn liền với bệnh viện. Mới đầu bà buồn lắm, biết bao đêm bà rơi nước mắt vì cảnh ngộ của mình.

Bà Tảo không giấu nổi nỗi buồn: “Khổ lắm chứ. Cả đời vất vả chỉ mong về già được nghỉ ngơi, đi chăm con chăm cháu. Nào ngờ bệnh tật liên tiếp giáng xuống. Còn nỗi đau đớn nào hơn thế nữa. Nhiều khi cô cảm thấy mình chỉ như là gánh nặng của chồng con mà thôi”.

Dù nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của con cái vào mỗi tháng, nhưng hơn chục năm nay, bà Tảo vẫn không ngừng rơi nước mắt vì cảm thấy tủi thân, nhớ gia đình quay quắt. Có những cái Tết bà không kịp về chỉ vì lịch chạy thận kín mít.

Bà kể: “Mới đầu khi đi khám, bác sĩ nói rằng có lẽ cô phải gắn bó với bệnh viện lâu dài. Khi đó, cô vẫn chưa tin, cứ nghĩ kiên trì rồi sẽ khỏi. Nhưng rồi năm này qua năm khác, cô dần nhận ra, suốt phần đời còn lại sẽ phải gắn bó với nơi đây bởi bệnh của cô đã nặng lắm rồi”.

Người đàn bà 10 năm xa chồng, xa con để chạy thận - 2

Khu trọ nơi bà Tảo đã sống 10 năm nay.

Bà Tảo cũng chia sẻ, từ ngày biết mình mang đủ thứ bệnh cuộc sống của bà có những thay đổi nhất định. Bà một mình thuê căn phòng 2 triệu đồng/tháng ở xóm trọ Lê Thanh Nghị. Chồng bà những năm đầu còn xuống thăm, nhưng bản thân ông cũng tuổi già, bệnh tật không đi lại được nhiều nên đành chấp nhận sống cảnh vợ chồng mỗi người một nơi.

Còn con cái bà Tảo hiện đã có gia đình. Hầu như tháng nào họ cũng chia sẻ với bà số tiền đắt đỏ. Dù đã được hỗ trợ người nghèo, nhưng tính sơ sơ mỗi tháng bà Tảo vẫn phải chi trả 4-5 triệu tiền nhà, tiền ăn, tiền thuốc và những khoản phát sinh khác. Với một người đã gần 60 tuổi lại bệnh tật lấy đâu ra số tiền lớn như thế..

Nhận những đồng tiền chồng con gửi mà bà Tảo không khỏi xót xa: “Thương chúng nó vất vả. Cô già rồi không cho con được gì, lại nhận tiền của con. Xót lắm. Còn ông nhà cô thì bệnh tật, giờ đáng lẽ được vợ chăm sóc, nhưng cô cũng bất lực khi sống ở đây 10 năm trời”.

Bà Tảo cho hay có những đêm nhớ nhà bà khóc cạn nước mắt. Nhiều khi muốn gọi điện nói chuyện với con, nghe giọng cháu cả ngày nhưng chỉ sợ con cái bà đều bận. Có tháng bà phải nạp mấy chiếc thẻ điện thoại liền để đăng ký gói 250 phút nhưng cũng không đủ để bà nguôi đi nỗi nhớ nhung.

Hỏi về mơ ước, bà Tảo quay mặt đi giấu giọt nước mắt: "Với những người sống ở cái tuổi gần đất xa trời còn mong gì hơn nữa. Chỉ cầu sao cho cô khỏe mạnh, sống lâu cho con cái còn có mẹ, cháu còn có bà. Còn cô cũng không dám mơ ước gì xa xôi hơn".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình ([Tên nguồn])
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN