Một người sếp thất bại

Một người lãnh đạo mà anh em nhân viên không muốn thấy mặt thì rõ ràng là người ấy đã thất bại.

“Làm sếp mà chuyện không nói có, chuyện có nói không; suốt ngày lê la nghe ngóng hết chỗ này tới chỗ kia để đâm thọc, nói xấu nhân viên; đụng chuyện thì không dám chịu trách nhiệm, đổ thừa hết cho lính. Sếp gì mà nhân viên thấy mặt đã bị ức chế, không làm việc được thì không thể chấp nhận. Kính đề nghị giám đốc thay ngay trưởng phòng”.... Đây là tổng hợp ý kiến của 29 nhân viên Phòng Kế hoạch Kinh doanh Công ty X. ở quận Thủ Đức, TP HCM nhân dịp công ty lấy phiếu tín nhiệm cuối năm. Người được góp ý là trưởng phòng V. Tại một buổi tọa đàm mới đây về việc làm thế nào để khơi dậy năng lực của nhân viên, giám đốc Công ty X. đã kể lại sự việc của công ty mình như một minh chứng cho việc “tư tưởng không thông, vác bình toong cũng thấy nặng”. V. mới đảm nhận chức trưởng phòng được 9 tháng khi người trưởng phòng cũ đột ngột nghỉ việc.

Một người sếp thất bại - 1

Sếp gì mà nhân viên thấy mặt đã bị ức chế, không làm việc được thì không thể chấp nhận (Ảnh minh họa)

Những ngày đầu mới nhậm chức, V. liên tục chiêu đãi anh em trong phòng, hết ăn uống tới cà phê cà pháo thật rôm rả. Anh em rất phấn chấn, cho rằng có một luồng gió mới đang thổi vào dưới triều đại của anh trưởng phòng chịu chơi. Thế nhưng chỉ được đúng 2 tuần lễ. Bước sang tuần lễ thứ 3 thì mọi thứ hoàn toàn đảo ngược. Cũng ăn uống, cũng cà phê cà pháo nhưng trưởng phòng kêu ai trước thì người đó phải trả tiền. Phòng có một cái điện thoại bàn thì sếp giành riêng cho mình.

Sếp bắt đầu chê người này, lên lớp người kia; tự ban hành một cái “nội quy con” để kiểm soát giờ giấc, công việc của nhân viên; bắt người này báo cáo, người kia giải trình, người nọ mô tả công việc... “Công việc đang chạy suôn sẻ, vậy mà có sếp mới lên, mọi thứ rối tung; anh em bực bội, không còn tâm trạng làm việc, thấy mặt sếp là muốn tránh đi”- một nhân viên viết trong bản góp ý.

Ông giám đốc Công ty X. đúc kết: “Khi đó, do không có nhân sự để thay thế nên công ty tạm thời phân công anh V., một người có thâm niên làm việc tại công ty gần 10 năm làm trưởng phòng. Sau một thời gian, chúng tôi thấy rằng phương án này rất dở. Lẽ ra phải tuyển dụng nhân sự mới với đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh đó. Giờ thì phải làm lại từ đầu. Một người lãnh đạo mà anh em nhân viên không muốn thấy mặt thì rõ ràng là người ấy đã thất bại”.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Tôi suýt mất việc vì nói xấu sếp

Tại sao nhân viên lại sợ sếp?

Tâm sự gửi sếp khó tính

Làm thế nào để đòi nợ sếp?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Thành (Người lao động)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN