Má tôi
Có thể nói hầu hết chúng tôi đều thành đạt từ gánh cá, mắm, sơri nặng oằn vai của má.
Má về! Một thông báo của ai đó khiến cả gia đình bật dậy và chạy ùa ra bờ kinh, nơi má tôi đặt gánh nặng khoảng sáu bảy mươi ký bao gồm cá, tôm và cua. Ai nấy đều vui mừng. Người thì trải tấm bao phân urê ra đất, người mang rổ, người đổ cá ra, rồi cùng nhau lựa cá.
Rác và vỏ ốc, vỏ sò bị loại ra; cua và ghẹ được bỏ vào một rổ riêng; cá lớn nhặt ra riêng để bán hoặc phơi khô. Nhanh chóng, cá mắm, cá ăn và cua ghẹ được rửa sạch. Để mặc má và chị tôi loay hoay đem cá đi phơi, đi bán quanh xóm và bỏ cá vào hũ để ướp, tôi và anh em trai đem mớ cua, ghẹ, sò, ốc vừa mới phân loại và nhà luộc và quây quần nhau ăn ngon lành. Đôi khi chúng tôi quên cả việc để dành phần cho má, chị và em gái. Lúc chúng tôi, cánh con trai, đang ăn ngon lành, má, chị và em gái tôi còn nhọc nhằn với công việc “hậu má về”.
Má về! Chúng tôi lại bật dậy từ các ngóc ngách trong và ngoài nhà ùa ra đón má. Lần này quang gánh má nhẹ nhàng hơn bởi vì trong hai rổ lớn không còn mắm, khô và nước mắm nữa. Nhưng thay vào đó, lúc thì trái cây, lúc thì bánh bò, bánh da lợn, bánh ú và cốm. Không để ý tới những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt của má, chúng tôi hồn nhiên chia quà má mua về, sau khi đã gánh đầy mắm, khô và nước mắm đi bán quanh các xóm từ sáng sớm đến xế chiều.
Ruộng vườn không nuôi nổi gia đình đông con, má phải làm thêm nghề mua cá làm mắm để bán.
Má thức dậy từ bốn giờ sáng, lúc cả nhà còn đang ngủ say. Lặng lẽ, má sửa soạn, xếp đôi quang gánh và đi bộ hơn mười cây số đến Vàm Láng để tranh thủ mua những mẻ cá đầu tiên đánh bắt được ngoài khơi. Để tiết kiệm tiền, má đi bộ. Nhiều mẻ cá má mua có đến gần trăm ký do gánh nặng, lúc về má đi xe lam đến đầu Gò Một. Thế nhưng từ nơi xe lam dừng đến nhà, má phải gánh mẻ cá nặng oẳn vai kọt kẹt trên quãng đường quê khoảng ba cây số.
Dù mưa hay nắng, về đến nhà má gần như kiệt sức vì đói và mệt (Ảnh minh họa)
Giữa trưa nắng chang chang, gánh nặng trên vai, má tôi đã ráng hết sức mình tải mẻ cá mua được về nhà. Sự vui mừng của lũ bọn tôi đã tiếp sức cho má. Nhiều lúc mưa dầm, mà ráng đi qua con đường đất lầy lội, đôi dép mòn được cởi ra, giắt kèm vào một bên quang gánh. Má đi chân không trong sình bùn để tải gánh nặng về đến nhà. Dù mưa hay nắng, về đến nhà má gần như kiệt sức vì đói và mệt (má không bao giờ ăn cơm trưa bên ngoài), nhưng thấy chúng tôi tíu tít, má như hồi phục sức lực (ấy là sau này má tôi mới nói).
Ngày không đi Vàm Láng, má tôi chất đầy gánh với mắm, khô và bình, chai đầy nước mắm đi bán quanh các xóm kế cận. Má đi lúc sáng sớm. Má không cần rao hàng, nhận ra gánh nặng kẽo kẹt của má, người dân các xóm gọi lại mua. Người mua mắm, mua khô, người mua nước mắm, cũng có người mua cả ba, nhưng không ai mua nhiều bởi vì họ đều nghèo, có ít tiền và bởi lẽ má tôi đi bán thường xuyên. Đến gần xế chiều thì gánh nặng sáu bảy chục kí lúc sáng sớm hầu như hết sạch. Trên suốt đường đi, lúc ngang qua vườn ổi, vườn xoài hay lò bánh bò, má luôn để ý mua về làm quà vặt cho các con. Về đến nhà, má ngồi nuốt suất cơm trưa khô nguội và vui nhìn nét mặt hớn hở của các con chia nhau những phần quà mà má gom góp về.
Mùa sơ ri đến. Loại trái cây này có rất nhiều và rất rẻ ở Gò Công. Muốn kiếm thêm ít tiền, má không ngại khó khăn và sự mạo hiểm, gánh sơ ri vượt biển để bán cho người dân ở Đồng Hòa, huyện Cần Giờ. Tôi để ý thấy mỗi lần đi Đồng Hòa về, má hay cúng ông Địa một nải chuối. Có lẽ má cảm ơn ông Địa đã phù hộ cho má đi đò gặp sóng yên biển lặng để kiếm tiền nuôi lũ con ở nhà. Hồi đó, chúng tôi hồn nhiên chẳng biết gì.
Và cứ thế, chúng tôi lớn lên và ăn học từ những số tiền ít ỏi nhưng thấm đậm mùi cá, mắm và mồ hôi của má. Anh em tôi có người thành cán bộ lãnh đạo, có người là chủ doanh nghiệp,… và tôi – một giảng viên. Có thể nói, hầu hết chúng tôi đều thành đạt, thành đạt từ gánh cá – mắm – sơri nặng oằn vai của má tôi.