“Làm tối mặt… im bặt tiền lương”

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Không chỉ nợ lương, các chủ quán còn yêu cầu nhân viên tiếp rượu khách.

Bỏ bao công sức làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống nhưng cuối cùng lại không được thanh toán tiền lương với lý do: "chưa đạt yêu cầu", "chờ quyết toán"… nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh dở khóc, dở mếu.

“Làm tối mặt… im bặt tiền lương”

Mỗi tháng chỉ nhận được hơn 600.000 đồng tiền trợ cấp của gia đình, Đàm Thị Huệ (quê Thanh Hóa, sinh viên năm cuối trường Đại học Luật) cố gắng tìm việc làm thêm để trang trải tiền thuê nhà, ăn ở và học phí. Do có bạn giới thiệu nên Huệ được nhận vào làm nhân viên chạy bàn cho một quán ốc ở đường Dương Quảng Hàm với mức lương 1,2 triệu/tháng, thời gian làm từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm và chủ quán hứa mỗi tháng sẽ trả lương một lần. Mặc dù được nhận là nhân viên chạy bàn, nhưng khi đến đó Huệ phải làm  làm tất cả mọi việc từ rửa bát, xách nước, lấy hàng cho đến việc nấu cơm cho nhà chủ…

Cặm cụi làm cả tháng vất vả, cực nhọc nhưng cuối cùng đến ngày nhận lương, Huệ lại bị từ chối. Huệ kể lại: “Mình đến đòi tiền lương ba lần. Lần thứ nhất họ nói thời gian này cửa hàng làm ăn thua lỗ, chưa có tiền trả. Lần thứ hai, họ gắt gỏng mình không nhiệt tình với công việc, chưa đạt yêu cầu nên phải thử việc thêm một tháng nữa mới được nhận lương. Lần thứ ba họ làm gắt hơn và kiên quyết không chịu trả tiền. Cuối cùng mình cũng nản và phải bỏ việc ở đó để tìm công việc khác”.

“Làm tối mặt… im bặt tiền lương” - 1

Mặc dù được thuê làm nhân viên chạy bàn nhưng Huệ lại phải “làm chân” rửa bát

Cũng cùng cảnh đi làm thêm vất vả mà không được nhận lương, nhưng câu chuyện của Lê Thị Phương (sinh năm 1993, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Công nghiệp) lại có phần éo le hơn. Một lần đi ngang qua đường Lê Đức Thọ kéo dài Phương nhìn thấy tờ thông báo tuyển sinh viên làm thêm. Liên hệ với số điện thoại ghi trên đó, Phương được nhận vào làm nhân viên chạy bàn của cửa hàng hải sản A.N với mức lương 1,3 triệu/tháng, thời gian từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm và họ hứa sẽ trả lương vào ngày 15 hàng tháng.

Phương làm việc ở đây được 15 ngày (tức đúng ngày nhận lương) thì cửa hàng thay chủ khác. Người chủ mới đến tiếp nhận toàn bộ cửa hàng, họ để cho tất cả các nhân viên cũ tiếp tục làm việc và hứa vẫn sẽ trả lương đầy đủ thời gian làm từ đầu tháng cho đến thời điểm hiện tại. Phương và các nhân viên khác mừng rỡ tiếp tục cặm cụi làm việc. Nhưng trớ trêu, cuối tháng đến ngày nhận lương, chủ cửa hàng lại nhẹ hàng từ chối với lý do: “Chị không có trách nhiệm phải trả lương cho các em vì chị mới chỉ chính thức thuê các em được 15 ngày”. Bức xúc Phương tìm đến người chủ cũ buộc họ phải trả tiền nhưng lại nhận được câu trả lời rất phũ phàng: “Anh phá sản rồi, giờ tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu ra tiền trả lương cho tụi em”. Phương chia sẻ: Không chỉ em mà tất cả 12 nhân viên ở đó từ đầu bếp cho đến nhân viên chạy bàn đều phải ngậm bồ hòn chịu cảnh làm tối mặt mà im bặt tiền lương”.

Đó không phải là lần duy nhất Phương gặp phải tình cảnh đi làm thêm mà không được nhận lương. Phương kể: “Hồi năm nhất em cũng từng đi làm thêm ở quán cơm gà 68, cũng trên đường Lê Đức Thọ kéo dài này. Em phải làm từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối và được trả 1,4 triệu/tháng. Làm quần quật cả tháng, cuối cùng đến ngày nhận tiền lương thì chủ quán thẳng thừng tuyên bố mùng 2 tháng 9 năm sau sẽ trả cả thể. Biết bị lừa em đành ngậm ngùi bỏ việc”.

 Nhận việc một đằng… phải làm một nẻo

Phần lớn các sinh viên làm thêm đều không có hồ sơ hay hợp đồng lao động. Do vậy mà họ phải chịu rất nhiều ấm ức trong công việc như không nhận được tiền lương đúng hạn hay bị ép làm những công việc vô lý không có trong thỏa thuận ban đầu.

Như trường hợp của Phương, khi làm việc ở cửa hàng hải sản A.N tại đường Lê Đức Thọ kéo dài , Phương không chỉ phải chạy bàn mà còn phải làm rất nhiều công việc khác như rửa bát, xách nước, lau dọn nhà vệ sinh… thậm chí cả uống rượu với khách. Phương kể lại có lần vừa đặt cốc bia xuống bàn ăn, Phương bị một vị khách kéo tay ngồi xuống và ép uống bia cùng. Buộc phải đồng ý, Phương uống hết cốc thứ nhất, vị khách đó lại yêu cầu uống cốc thứ hai trong khi tay thì sờ mó từ tóc đến vai Phương. Do quá sợ hãi, Phương bất giác giơ tay cầu xin vị khách tha cho và chạy thẳng vào nhà bếp.

“Làm tối mặt… im bặt tiền lương” - 2

Nhân viên bị “ép” uống rượu cùng khách

Vô lý hơn, ở một số cửa hàng ăn uống, chủ quán còn có quy định: “Nhân viên chỉ được từ chối tiếp rượu khách khi không có quản lý đứng bên cạnh”. Thường (sinh năm 1991, sinh viên năm cuối trường Đại học Tài nguyên - Môi trường) làm việc trong một cửa hàng ăn ở đường Nguyễn Phong Sắc đã từng bị đuổi việc, mất lương chỉ vì không tuân thủ “luật bất thành văn” đó. Thường kể lại: “Hôm ấy vì có quản lý đứng bên cạnh nên bất đắc dĩ mình phải ngồi uống bia cùng hai vị khách. Uống cốc thứ nhất, cốc thứ hai… cho đến đến cốc thứ năm thì mình say, chạy vào phòng vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Ngay sau đó mình bị chủ cửa hàng cho thôi việc với lý do không đạt yêu cầu. Tiền lương làm vất vả, cực nhọc hơn 10 ngày cũng bị từ chối luôn”.

Các sinh viên ở tỉnh ra thành phố học, vì gia đình khó khăn nên phải chật vật tìm công việc làm thêm nhưng cuối cùng lại phải chịu ấm ức khi không được trả lương. Phương tâm sự: “Chúng mình đi làm không có hồ sơ cũng như hợp đồng lao động nên những lúc xảy ra tranh cãi như thế này chúng mình đều là người chịu thiệt, ấm ức lắm nhưng không biết kêu ai, kiện ai”.

Những câu chuyện bi hài về công việc làm thêm của sinh viên đặt ra rất nhiều vấn đề về quyền lợi của người lao động. Khi quyết định đi làm, sinh viên nên tìm đến những trung tâm môi giới có uy tín, được cấp phép của nhà nước mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào. Hơn nữa, khi nhận việc sinh viên nên yêu cầu một hợp đồng ngắn hạn hoặc một thỏa thuận có xác nhận giữa hai bên để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi không may xảy ra tranh chấp.

Vì sao sinh viên không "dám" về quê lập nghiệp?

Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ

Bạn thân dẫn người yêu tôi về phòng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Lịch- Thùy Dung ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN