Khóc ròng vì bị trộm đồ trên xe buýt

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Đạo chích trên xe buýt không còn là câu chuyện mới nhưng cứ mỗi chiều cuối năm tình cảnh sinh viên mếu máo, ngơ ngác vì vừa bị trộm đồ lại diễn ra.

Nước mắt chiều cuối năm

Vũ Thị Hương (trường ĐH Văn hóa Hà Nội) bắt tuyến buýt 20: Cầu Giấy – Bến xe Phùng (Đan Phượng), trở về nhà (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội), sau một ngày học tập. Thấy xe đến, Hương rời mắt khỏi tin nhắn của bạn đang đọc dở trên chiếc điện thoại, nhanh tay cất chú dế của mình vào túi quần. Khi cả hai cửa xe vừa mở, dòng người lũ lượt xô đẩy, chen lấn nhau lên xe, không ai nhường ai trong khung cảnh vô cùng hỗn loạn. Phải khó khăn lắm, Hương mới lên được chiếc xe, khi nó đã chật cứng người. Sực nhớ ra chiếc điện thoại trong túi, Hương vội vàng rờ xuống thì thấy “chú dế” đã biến mất chẳng biết tự bao giờ.

Những giọt nước mắt lăn dần trên má cô bạn, ban đầu, Hương chỉ khóc thầm rồi về sau thành tiếng, rấm rứt và tức tưởi. Mọi người xung quanh hỏi han. Cô bạn mếu máo nài nỉ ai đó một cách vô vọng: “Các cô các bác, các chú ơi, có ai thấy người lấy điện thoại của cháu không? Chỉ là một chiếc điện thoại rẻ tiền thôi mà, cháu xin… trả cho cho cháu đi mà.. Không có nó thì làm sao cháu về được nhà? Làm sao cháu gọi được cho bố ra đón bây giờ?”. Gần 10 phút sau, khi đã lấy lại được bình tĩnh, cô bạn mới mếu máo tâm sự với mọi người: “Nhà em chẳng dư giả gì. Vì em đi học tận trên Hà Nội mà lại cách đường quốc lộ 32 những 3 cây số nên bố mẹ cố chắt chiu mua cho chiếc điện thoại để khi nào xuống xe thì gọi bố em đi xe ra đón. Vậy mà hôm nay mất điện thoại, làm sao em có thể về nhà được đây?”.

Khóc ròng vì bị trộm đồ trên xe buýt - 1

Việc đẩy lùi nạn “đạo chích” trên xe buýt cần có sự trợ giúp từ phía cộng đồng, hành khách (Ảnh minh họa)

Tự bảo vệ mình

Đầu tháng 10/2012, giá vé xe buýt tại Hà Nội đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng, trong đó, giá vé tháng liên tuyến dành cho sinh viên tăng đột biến, từ mức 50.000 đồng/ tháng lên mức 90.000 đồng/ tháng. Giá dịch vụ tăng, nhiều bạn mong chất lượng dịch vụ cũng theo đó tăng lên. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vào giờ cao điểm, cảnh những chuyến xe buýt nhồi nhét chật cứng người, thường xuyên bỏ tuyến, bỏ bến vẫn không hiếm gặp trên những tuyến phố của Thủ đô, khiến không ít người phải “lắc đầu lè lưỡi”. Tháng “củ mật” lại là thời điểm các đối tượng trộm cắp, móc túi tăng cường hoạt động, xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của công an. Thậm chí, có những đối tượng hết sức mạnh động, ngang nhiên móc túi của khách đi xe vào lúc vắng khách và dĩ nhiên, sẽ đánh trả nếu khách phát hiện ra hoặc chống cự lại bọn chúng. Những công nhân nghèo, thợ xây, phụ nữ từ ngoại thành vào nội đô buôn bán vặt… cũng không nằm ngoài tầm ngắm của những kẻ táng tận lương tâm.

Bác Nguyễn Thăng Long, cán bộ hưu trí ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm) kể lại: “Tôi thường đi xe buýt 27 từ đây xuống Hà Đông sinh hoạt câu lạc bộ thơ ca nên chứng kiến không ít cảnh những cô, cậu sinh viên bị móc túi, cướp giật đồ. Cũng tại xe thì đông, mà các cháu chen lấn nhau ghê quá. Tôi chỉ biết hô to dặn các cháu mỗi khi xe đến, hãy từ từ, bình tĩnh lên xe, cảnh giác kẻo bị móc túi”.

Anh Hùng, nhân viên bán vé xe buýt tuyến 32: Bến xe Giáp Bát – Nhổn cho biết: “Gần Tết, hầu như ngày nào trên xe cũng có người kêu mất đồ. Đa phần là những người mới đi, chưa quen xe và các mẹo “chống mất đồ” khi đi xe. Chúng tôi vẫn chưa có giải pháp triệt để mà chỉ còn biết dặn khách đi xe phải cẩn thận lúc lên xuống, trên xe phải tự bảo quản đồ đạc cá nhân của mình thông qua hệ thống loa thông báo và áp phích. Chính việc chen lấn, xô đẩy của khách khi lên xuống xe càng tạo điều kiện cho bọn móc túi dễ dàng ra tay”.

Cũng theo anh Hùng, việc đẩy lùi nạn “đạo chích” trên xe buýt cần có sự trợ giúp từ phía cộng đồng, hành khách. Không ít người thấy hành vi móc túi ngang nhiên diễn ra trước mắt nhưng lặng thinh, không lên tiếng báo cho “nạn nhân” vì sợ bị trả thù. Chính điều này khiến “dân hai ngón” càng được thể lấn tới. Anh Hùng cho biết, mới đây, tại điểm đỗ đối diện trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một “siêu trộm” khét tiếng trên tuyến buýt 32 đã bị cơ quan công an “tóm gọn”. Điều đáng mừng là chiến công này được lập nên nhờ có sự hỗ trợ không hề nhỏ từ phía các bạn sinh viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Quang Khải (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN