Khoảng trống trong tim
Làm sao để bù đắp, đó là khoảng trống, sự thiếu thốn về tình yêu nam nữ dù ở bất cứ tuổi nào.
Tiếng chị cất lên trong máy, Thanh Tâm nhận ra chị đã lớn tuổi. Cũng như bao nhiêu khách hàng khác của Thanh Tâm, chị cũng ngập ngừng, do dự, đắn đo và hình như rất khó để bắt đầu câu chuyện. Câu đầu tiên, chị đã xin lỗi và hỏi tuổi của Thanh Tâm. Điều đó vẫn thường xảy ra khi khách hàng là những người đứng tuổi và họ chỉ yên tâm khi được nói chuyện với một chuyên gia tâm lý đồng lứa tuổi với mình. Về sau, Thanh Tâm hiểu sự ngập ngừng, đắn đo ban đầu của chị còn bởi chính câu chuyện mà chị muốn tâm tình với Thanh Tâm.
Người thiếu phụ ấy năm nay đã 61 tuổi, vừa nhận sổ hưu được một năm (vì chị có học hàm phó giáo sư và được làm việc hết 60 tuổi). Vợ chồng chị đều là giảng viên của trường đại học, là bạn học, yêu nhau từ trên ghế giảng đường và kết hôn ngay sau khi cả hai ra trường, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy xuất sắc. Hai đứa con một trai, một gái ra đời vào những năm cuối của chế độ bao cấp, chuẩn bị bước sang thời mở cửa với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn mà vợ chồng chị phải trải qua, bởi hai bên bố mẹ đều làm nông nghiệp, quê lại ở xa. Tình yêu sâu sắc mà hai người dành cho nhau đã giúp họ nhọc nhằn vượt qua khó khăn.
Hai đứa con của chị hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ phải chịu đựng, hiểu được khát vọng cháy bỏng của bố mẹ về tương lai của chúng nên rất chăm ngoan, thi đua nhau học hành giỏi giang. Chị nói đấy chính là niềm vui, sự an ủi lớn nhất để vợ chồng chị không quản ngại làm bất cứ việc gì – từ việc cuốn thuốc lá sợi, rang lạc đóng túi bỏ mối cho các quán nước cho đến dạy thêm để có tiền lo cho các con ăn học. Cái tương lai sáng lạn của các con cũng như của gia đình dường như càng gần với hiện thực hơn khi chồng chị được trường cử đi làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài vào năm con gái út của chị tròn 10 tuổi. Chị bắt anh bỏ hết mọi “nghề phụ”, hạn chế dạy thêm để tập trung vào việc học hành, nhất định phải thi đỗ để được đi học ở nước ngoài. Chị cười buồn nói với Thanh Tâm rằng, ngày ấy mà được đi học nước ngoài là một cơ hội vô cùng lớn để đổi đời cho cả gia đình. Và chồng chị đã thi đỗ, chỉ còn chờ giấy báo bay sang trời Âu. Đúng thời điểm ấy, thời điểm cả nhà chị hân hoan sung sướng nghĩ về cuộc sống vô cùng dễ chịu sắp tới, rằng bữa cơm của các con sẽ có thêm thịt cá, đồ dùng gia đình sẽ được sắm sửa thêm… thì chồng chị có kết luận của bác sĩ bị ung thư máu sau vài tháng người mệt mỏi, kém ăn, hay hoa mắt, chóng mặt mà vợ chồng chị vẫn cứ nghĩ đó là hậu quả của những ngày anh học thi quá vất vả. Điều đó khiến chị choáng váng, cảm giác như đất sụt lở dưới chân và cả trái đất bị chôn vùi.
Làm sao để bù đắp sự thiếu thốn về tình yêu nam nữ dù ở bất cứ tuổi nào (Ảnh minh họa)
Chồng chị sau phút giây hoảng loạn đã cố trấn tĩnh lại để trấn an chị. Rằng ung thư máu vẫn có hy vọng chữa được nên chị đừng quá lo lắng. Tìm hiểu qua bác sĩ, qua sách báo, chị cũng biết ở nước ngoài người ta dùng phương pháp ghép tủy, thay máu định kỳ sẽ kéo dài được sự sống cho người ung thư máu. Nhưng vấn đề là vợ chồng chị lấy đâu ra tiền? Chị đã khóc trong nỗi đau khổ tột cùng mà nói với chồng rằng: “Nếu ông Trời để đến khi anh đi nước ngoài về mới bắt anh bị bệnh thì may ra mới có tiền để chạy chữa, kéo dài cuộc sống cho anh. Giờ em biết làm sao đây? Em không cam tâm khoanh tay nhìn anh chết, nhưng chúng ta xoay đâu ra tiền khi gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp đều nghèo, không thể giúp được?”. Và chồng chị đã ra đi sau đó nửa năm, để lại mẹ con chị côi cút bơ vơ, để lại cho chị một nỗi đau, sự day dứt suốt mấy chục năm rằng nếu lúc đó nhà có tiền thì chồng chị sẽ không ra đi nhanh như thế…
Giờ con trai chị đã 35 tuổi, con gái 31, đã yên bề gia thất và cả hai đều rất thành đạt, khá giả. Người thân, bạn bè đều nói chồng chị ở trên Trời linh thiêng, phù hộ cho mẹ con chị có ngày hôm nay. Các con chị đặc biệt yêu thương, hiếu lễ với mẹ, sắm sửa cho chị không thiếu thứ gì và luôn mua những thuốc bổ tốt nhất cho mẹ giữ gìn sức khỏe. Từ ngày chị nghỉ hưu, chúng luôn động viên chị tham gia vào các lớp tập yoga, khiêu vũ cho người lớn tuổi, động viên chị đi pic nic, du lịch… Chị hiểu, các con sợ chị hẫng hụt, khủng khoảng tâm lý khi nghỉ hưu. Chính chị cũng ý thức được việc mình cần phải thích nghi với môi trường mới, cuộc sống mới. Và một điều quá đỗi bất ngờ xảy ra: Chị đã có lại cảm xúc về tình yêu với một người. Anh vốn là đồng nghiệp của chị nhiều năm và vợ anh cũng đã mất cách đây 5 năm. Tình yêu ấy khiến cả hai người bớt đi những phút giây trống trải, đơn côi khi nghĩ về nỗi đau trong góc khuất của trái tim mình. Rồi tình yêu ấy đã tố giác chị với các con chị khi chúng phát hiện ra mẹ như trẻ trung hơn, vui vẻ yêu đời hơn, rất chịu khó đi spa và mua sắm thêm nhiều đồ mỹ phẩm, váy áo đẹp. Đứa con gái chị lên tiếng trước: “Nếu mẹ chỉ làm bạn, thậm chí là “cặp” với bác ấy cũng được, nhưng nhất định mẹ không được nghĩ đến chuyện tái hôn với bác ấy ở tuổi này. Vì nếu mẹ làm thế thì anh em con biết ăn nói thế nào với nhà chồng, nhà vợ mình đây? Mẹ có thấy ngượng ngùng với hai bên nhà thông gia, với hàng xóm và người thân bên bố con? Chẳng lẽ cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc của mẹ con, bà cháu như vậy chưa đủ cho mẹ sao”?... Thế là chị đã từ chối tái hôn với người ấy. Cả tháng nay chị bị ốm, suy sụp, cơ thể gần như không còn chút sức lực nào nữa. Chị cố tình cắt đứt mọi liên lạc với anh và biết mình đang rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý trầm trọng…
Ngoài việc chia sẻ, khích lệ chị đừng từ bỏ con đường chị đã lựa chọn – vì chị xứng đáng và rất cần được như thế, Thanh Tâm rất muốn gặp con gái chị để nói chuyện. Đúng là các con chị rất yêu thương, hiếu lễ với mẹ và chúng vẫn nghĩ mẹ sung sướng lắm rồi. Làm sao để bù đắp, đó là khoảng trống, sự thiếu thốn về tình yêu nam nữ dù ở bất cứ tuổi nào, trong tim mỗi con người…