Học đại học trong suy nghĩ của giới trẻ

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Câu hỏi nhức nhối “Học đại học để làm gì?” đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

"Học đại học để làm gì?"

Con số hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp mỗi năm khiến không ít người hoài nghi vào con đường đại học.

Mới đây, chia sẻ của chàng trai 8x có nick name Sơn Lê về việc học đại học có thực sự cần thiết hay không đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ.

Học đại học trong suy nghĩ của giới trẻ - 1

Chia sẻ của Lê Hải Sơn về trải nghiệm học đại học của mình

Dòng tâm sự của Sơn Lê xuất phát từ chính những trải nghiệm của anh khi học đại học. Cũng như khá nhiều sinh viên khác, anh thấy mình đã phí phạm 4 năm cùng hàng trăm triệu cho việc đến giảng đường bởi ngành học không phải là thứ anh đam mê.

Ra trường với tấm bằng khá đỏ chót nhưng chàng trai 8x vẫn không thể tìm cho mình một công việc ưng ý. Bố mẹ anh từng có ý định vay tiền họ hàng để xin cho con công việc ở quê với mức lương 3 triệu/tháng vì muốn con trai “ổn định”. Thế nhưng, anh đã từ chối bởi nó không đáng.

Sau những gì đã trải qua, Sơn Lê rút ra rằng, cần phải chọn ngành học thật kỹ, không nên chạy theo phong trào “học đại học” mà lãng phí những năm tháng thanh xuân.

Chủ nhân của dòng tâm sự trên là Lê Hải Sơn (sinh năm 1987, quê Thanh Hóa). Chúng tôi đã liên hệ với chàng trai 8x này để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về quãng thời gian 4 năm học đại học của mình. 

Hải Sơn cho hay, anh từng học mỹ thuật tại một trường đại học khá có tiếng ở Hà Nội. Học hết năm đầu tiên, anh nhận ra mình đã chọn sai đường nhưng do phải chịu quá nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè nên anh không đủ can đảm để quay đầu lại.

Học đại học trong suy nghĩ của giới trẻ - 2

Lê Hải Sơn, chàng trai đặt ra câu hỏi nhức nhối: "Học đại học để làm gì?"

Lúc đó, tôi biết lĩnh vực mình thích là thiết kế nhưng lại không cho phép bản thân bỏ học, thi lại vì sợ bố mẹ thất vọng. Tôi chỉ lẳng lặng tự học vào mỗi buổi tối. Ai ngờ, sau khi ra trường, tôi không định hình nổi mình sẽ làm gì với tấm bằng mỹ thuật. Cũng đúng thôi, vì ngay khi còn đang học tôi đã nghĩ, cái chuyên ngành này chẳng có tương lai gì với mình, cứ học đã, mai này tính tiếp. Nhưng đến khi kết thúc 4 năm rồi tôi mới thấy mình lãng phí nhiều thứ quá: tiền bạc, thời gian”, Hải Sơn cho hay. 

Tuy vậy, Lê Hải Sơn thừa nhận, 4 năm học đại học đã giúp anh chín chắn hơn trong suy nghĩ. Tuy nhiên, theo anh, nếu như xác định đúng ngành ngay từ đầu thì ngoài cái được kia, anh còn được thêm cái “nghề” kiếm cơm mà mình thích, đó mới là mục đích quan trọng nhất của việc học đại học.

Sở dĩ, chàng trai Thanh Hóa có những dòng chia sẻ này là bởi anh thấy xung quanh có quá nhiều sinh viên đang mông lung, không biết mình học gì và sau này sẽ làm gì.

Một số người em mình quen thường than vãn rằng không biết hàng ngày đang học gì và sau này sẽ làm gì. Chúng còn liên tục đăng ký học thêm các chuyên ngành khác. Khi tôi hỏi, tại sao đăng ký nhiều vậy thì chúng bảo, trước mắt cứ kéo dài thời gian đi học đã, chứ học hết 4 năm, ra trường thất nghiệp, phải về quê thì sợ lắm… Tôi hiểu, lại đang có một lứa sinh viên phí phạm thời gian và tiền của như tôi ngày xưa”, Hải Sơn chia sẻ.

Hải Sơn cho biết thêm, anh đã từng làm việc ở nhiều công ty lớn và khi tuyển dụng, họ chưa bao giờ hỏi tới bằng cấp của anh. "Họ chỉ hỏi tôi đã tốt nghiệp trường gì như một thủ tục chứ điều họ quan tâm nhất vẫn là tôi đã làm được gì và sẽ làm được gì, liệu kiến thức của tôi có phù hợp với công việc của họ", anh Hải Sơn cho hay. 

Hiện tại anh đang làm nhân viên maketing online - công việc không hề liên quan đến ngành đã học và tự học thêm về thiết kế để sau này có thể theo đuổi ước mơ. 

“Đại học” trong suy nghĩ của giới trẻ

Chia sẻ của chàng trai 8x đã khởi nguồn cho cuộc tranh luận sôi nổi trong giới trẻ về việc: “Học đại học nên hay không”, “Học đại học để làm gì?”; "Học đại học như thế nào?"...

Nhiều người đồng ý với Hải Sơn rằng, nếu không xác định đúng con đường mình muốn đi, chọn đúng ngành học thì 4 năm đại học sẽ là khoảng thời gian lãng phí.

Học đại học trong suy nghĩ của giới trẻ - 3

Mỗi sinh viên có một quan điểm khác nhau về con đường đại học (Ảnh minh họa)

Nick name Shakimi viết: “Dân mình còn coi trọng cái mác sinh viên lắm, cứ tốt nghiệp cấp 3 là phải đi học đại học mới giỏi, mà có phải ai cũng được đi học cái mình thích đâu, đôi khi toàn đi học theo ý của bố mẹ. Như đứa bạn mình, nó thích vẽ và giỏi tính toán nên muốn học thiết kế. Chẳng may nó lại rớt đại học, muốn năm sau thi lại nhưng gia đình lại có sắp xếp khác. Nó đắn đo giữa sở thích của bản thân và sự sắp xếp của gia đình, rồi cuối cùng quyết nghe theo gia đình chỉ vì muốn được là “sinh viên đại học”. Giờ đang mông lung không biết sau này ra trường sẽ làm gì”.

Nick name Hoàng Linh chia sẻ: “Tôi cho rằng, so với việc mất 4 năm học cái ngành mà chẳng biết sau này ra trường sẽ làm gì chi bằng tốt nghiệp cấp 3, ra ngoài học trường đời. Như tôi, 18 tuổi, chưa biết mình thích gì, phù hợp với cái gì thì cứ học tiếng Anh và tiếng Hoa để làm vốn trước đã. Sau đó, có học đại học hay không thì còn phải lựa xem cái gì tốt hơn. Nhà có điều kiện thì không nói, chứ nhà nào nghèo, con cái làm sao dám bỏ ngang đại học để theo đuổi cái mình thích. Tôi phản đối tư tưởng cứ học hết cấp 3 là chọn bừa trường nào đó chỉ vì muốn trở thành sinh viên đại học”.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, việc học đại học là cần thiết trong mọi trường hợp bởi, đó là quãng thời gian để người trẻ trưởng thành và nhận ra, niềm đam mê của bản thân là gì.

Bạn Nam Nguyễn coi 4 năm sinh viên là khoảng thời gian mình đánh đổi để tìm thấy đam mê: “17 – 18 tuổi bạn chưa biết mình đam mê cái gì đâu, ví dụ như anh kia nếu không có một năm học mỹ thuật thì chưa chắc nhận ra được mình thích thiết kế. Thế nên, cứ coi 4 năm đại học là quãng thời gian đánh đổi để tìm thấy sở thích đi cho nó nhẹ nhàng”.

Học đại học trong suy nghĩ của giới trẻ - 4

Nhiều bạn trẻ cho rằng, 4 năm học đại học là quãng thời gian đánh đổi để tìm thấy đam mê thật sự (ảnh minh họa)

Nick name Chuối Chín có ý kiến tương đồng: “Mỗi trải nghiệm đều có những giá trị riêng của nó. 4 năm mài đũng quần trên giảng đường không cho bạn một công việc phù hợp nhưng chí ít nó giúp bạn nhận ra mình hợp với cái gì. Lúc đó bắt đầu vẫn chưa muộn, vì 4 năm so với một đời người không phải là thời gian quá dài”.

Nhiều bạn trẻ đồng ý với quan điểm học đại học là một trong những cách giúp sinh viên nhận ra mình cần gì và thích gì tuy nhiên, khi nhận ra rồi thì không nên lãng phí thêm dù chỉ một ngày cho việc “lay lắt” học tiếp ngành đã chọn.

Những trường hợp bỏ ngang đại học để chạy theo đam mê không còn hiếm. Học đại học cũng chỉ để có cái bằng và kiến thức để xin việc, theo đuổi đam mê cũng là một cách để kiếm cơm, tất cả đều chung mục đích là kiếm tiền. Vậy thì chẳng có lý do gì cứ phải lay lắt với cái ngành mà mình không thích. Đã xác định được muốn gì rồi thì hãy can đảm theo đuổi nó”, bạn Phạm Hùng viết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN