Hiệu ứng con chuột chũi: Ở nhà quá lâu sẽ khiến bạn ngốc nghếch đi

Khi ở trong một môi trường quá quen thuộc và không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khả năng nhận thức và trí thông minh của một người suy giảm dần.

Ở nhà quá lâu khiến trí thông minh của một người giảm dần. (Ảnh minh họa)

Ở nhà quá lâu khiến trí thông minh của một người giảm dần. (Ảnh minh họa)

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người lựa chọn làm việc tại nhà hoặc không muốn giao tiếp nhiều với xã hội. Theo quan điểm của một số người, họ có thể giao tiếp và kiếm tiền thông qua máy tính hoặc điện thoại mà không cần phải bước chân ra khỏi cửa. Tuy nhiên, việc ở lâu trong nhà như vậy liệu có tốt cho sức khoẻ?

Một nghiên cứu trên "Journal of Cognitive Neuroscience" (Tạp chí khoa học thần kinh nhận thức) được xuất bản bởi MIT và Viện khoa học thần kinh nhận thức (Mỹ) cho thấy, việc sống trong cùng một môi trường trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm nhận thức của một cá nhân. Hiện tượng này còn được gọi là "hiệu ứng chuột chũi".

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học New South Wales, Mỹ. Họ đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 4.175 người phải sống trong tình trạng cách ly kéo dài do đại dịch COVID-19.

Kết quả cho thấy sau khi những người này trải qua thời gian dài bị cô lập, không chỉ sức khỏe tinh thần của họ sa sút mà khả năng nhận thức cũng kém đi, thậm chí một số người còn dần rơi vào tình trạng trầm cảm.

Trong số đó, hơn 70% số người được khảo sát bày tỏ những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, trầm cảm, sợ lây nhiễm, khoảng 30% gặp phải tình trạng suy giảm nhận thức trong thời gian cách ly, chẳng hạn như trí nhớ suy giảm hoặc khó tập trung.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ở trong môi trường đơn điệu trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tâm lý và nhận thức.

Một môi trường đa dạng có thể giúp kích thích trí não và cải thiện các chức năng về thể chất. Nếu ở trong một môi trường giống nhau từ ngày này sang ngày khác, não sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt các ký ức khác nhau, điều đó dẫn đến suy giảm nhận thức.

Một báo cáo trên tạp chí "World Biological Psychiatry" (Tạp chí Tâm thần Sinh học Thế giới) cho biết, thời gian  con người tiếp xúc với môi trường ngoài trời càng lâu, tỷ lệ hình thành vùng màu nâu xám ở vỏ não càng nhiều. Vùng này có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng ghi nhớ, đồng nghĩa với việc ở mãi trong nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, một nghiên cứu đã được công bố trên "New England Journal of Medicine" (Tạp chí Y học New England) đã thực hiện tại một trạm nghiên cứu ở Nam Cực. Trong khoảng thời gian khoảng một năm rưỡi, mức độ của yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (neurotrophic factors) của các nhân viên sống tại đây giảm đi gần một nửa. Mức giảm này có mối liên hệ mật thiết với tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm, điều này cho thấy sống lâu dài trong cùng một môi trường có thể gây ra các vấn đề tâm lý.

Các chuyên gia tâm thần học của Học viện Khoa học Hoàng gia New Zealand qua khảo sát hơn 40.000 tình nguyện viên Na Uy nhận thấy những người thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời, bất kể cường độ hoạt động như thế nào, có nguy cơ bị trầm cảm thấp hơn đáng kể so với những người tránh các hoạt động xã hội và ở nhà trong thời gian dài.

Nhìn chung, những người không tham gia các hoạt động ngoài trời có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 1 đến 2 lần.

Có thể thấy, ở nhà quá lâu là lối sống không lành mạnh, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần.

Là một sinh vật xã hội, con người cần sự hỗ trợ của cộng đồng, ngay cả người hướng nội cũng cần tham gia các hoạt động xã hội. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, cá nhân rất dễ cảm thấy bị cô lập và bất lực.

Một số người chọn cách ở nhà trong thời gian dài, thường là do họ thiếu kỹ năng xã hội, khép kín và khó tìm được chỗ đứng cho riêng mình trong xã hội.

Lấy Xiao Xiao (Trung Quốc) 28 tuổi làm ví dụ, trình độ học vấn của anh khá hạn chế nên chỉ có thể làm lao động chân tay. Sau khi mất việc, anh tính ở nhà nghỉ ngơi một thời gian nhưng không ngờ lại nghiện game, kiếm một chút tiền tiêu nhờ vào việc bán các thiết bị ảo, dần dần anh không muốn ra ngoài nữa.

Dù thu nhập này chỉ đủ trang trải cuộc sống và cuộc sống vô cùng bấp bênh nhưng anh vẫn chọn cách không đi tìm việc làm. Nghiện game, không muốn giao tiếp với người khác khiến sức khỏe anh ngày càng sa sút. Anh cho biết mình tìm thấy giá trị của bản thân trong thế giới trò chơi. Vì vậy, ngay cả khi nhận thấy lối sống này không lành mạnh, anh chọn tiếp tục đắm chìm vào nó và không muốn đối diện với thế giới thực.

Hiện tượng này không phải là trường hợp cá biệt mà nó xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Ở Nhật Bản, kiểu người này được gọi là "hikikomori", có nghĩa là "thu mình vào trong, bị giam hãm", họ không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chọn ở nhà và né tránh các hoạt động xã hội. Hành vi né tránh xã hội ngày khiến họ bước vào vòng luẩn quẩn, cuối cùng dẫn tới suy giảm trí thông minh và năng lực xã hội.

Trên thực tế, kỹ năng xã hội không phải bẩm sinh, nó được tích luỹ dần thông qua việc thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Bằng cách liên tục tương tác với thế giới bên ngoài, một người có thể tìm thấy vị trí của mình trong các môi trường và tình huống khác nhau. Họ nhận ra giá trị bản thân và duy trì trạng thái tâm lý lành mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu áp dụng được "luật cua" trong mối quan hệ gia đình, bạn sẽ tránh được nhiều rắc rối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hằng - Touliao ([Tên nguồn])
Người trẻ suy ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN