Giới trẻ nên bớt sống ảo cho đời thực hơn
Tác phong làm việc nghiêm túc, chăm chỉ với ý chí vượt khó kiên cường của người Nhật Bản đã giúp nhiều bạn trẻ lần đầu sang “đất nước mặt trời mọc” theo chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam - Nhật Bản học được nhiều bài học quý giá.
Học cách suy nghĩ lớn
Trong nhiệm kỳ công tác của mình, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki từng khẳng định, mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là mối quan hệ xuất phát từ tấm lòng. “Nhà cách mạng Phan Bội Châu, người khởi đầu cho phong trào Đông Du sang Nhật Bản tìm đường cứu nước. Đến nay, phong trào giao lưu sinh viên và thanh niên Nhật Bản – Đông Á “thế hệ 2” tiếp nối tại Nhật Bản được ví như “phong trào Đông du thời 2.0”, ông Tanizaki nói.
Đoàn JENESYS 2015 nhóm báo chí Việt Nam trong đợt học tập tại Nhật Bản.
Kể từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên năm 2007 đến nay, ông Shinzo Abe đã đưa ra sáng kiến tổ chức cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nhiều lĩnh vực sang giao lưu và học tập ngắn hạn tại Nhật Bản. “Khi tái cử thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2, ông Abe tiếp tục tạo cơ hội du học cho hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam theo học tại Nhật Bản”, ông Erito Uchiyama, Trưởng ban hợp tác quốc tế thuộc Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICE) cho biết.
Từ sáng kiến này, mạng lưới giao lưu sinh viên và thanh niên Nhật Bản - Đông Á “thế hệ 2” có tên gọi JENESYS 2.0 được hình thành để nối tiếp JENESYS “đời đầu” do chính Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng. Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, T.Ư Đoàn đã tuyển chọn đại biểu qua nhiều vòng tiêu chuẩn khắt khe.
Đoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam thăm và giao lưu với giáo viên, sinh viên Đại học Aizu, tỉnh Fukushima.
Vượt qua nhiều ứng viên để đến Nhật lần này, Lê Thị Mỹ Tiên, ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, nhờ phong trào “Đông du phiên bản 2.0” này, Tiên học được phong cách đĩnh đạc, chuyên nghiệp của người Nhật. Cô dần nhận ra những khiếm khuyết cần được lấp đầy trong chính mình và thầm thán phục ý thức, sự tự giác và lòng tự tôn dân tộc trong chính lời nói, hành động của mỗi con người Nhật Bản.
“Cám ơn Nhật Bản vì đã dạy tôi suy nghĩ lớn hơn, hành động vững vàng hơn và đánh thức trong tôi tình yêu đất Việt”, Tiên tâm sự.
Bớt sống ảo cho đời thực hơn
Sinh viên Việt Nam giao lưu và được giáo viên Đại học Aizu dạy thư pháp, nghệ thuật xếp giấy.
Trước khi đặt chân tới Nhật Bản, hầu hết những bạn trẻ trong đoàn dành nhiều thời gian trên internet, đặc biệt tiêu tốn với Facebook. Nhưng khi tới Nhật, một lịch trình di chuyển, hoạt động dày đặc khiến không ít bạn ngỡ ngàng tưởng như khó theo kịp nếu không có sự đốc thúc của các điều phối viên JICE. Tốc độ, sự tập trung và hiệu quả trong công việc từng bước ngấm vào các thành viên bằng lịch làm việc chuẩn tới từng phút bởi xe lăn bánh, tàu rời bến không chờ đợi bất cứ ai.
Lê Thái Huyền Châu, sinh viên Học viện Ngoại giao cho biết, một thành phố bé nhỏ trong lòng Fukushima, ở đó, con người giữ liên lạc với nhau bằng những giao tiếp thường ngày. Internet chỉ để giải quyết công việc. Wifi gần như không tồn tại. “Tôi thấy rằng nhiều bạn trẻ, trong đó có tôi đã “sống ảo”, nhiều lúc tiêu phí thời gian trên Facebook. Bớt ảo đi để sống đời thực ý nghĩa hơn”, Châu nói.
Nguyễn Cao Hùng (Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) tỏ ra thán phục phong cách của người Nhật vốn nổi tiếng đúng giờ và làm việc siêng năng, có hiệu suất cao.
“Khi đi tàu điện ở Tokyo, tôi càng thấy rõ người Nhật tan sở rất trễ, khoảng trong tầm từ 20h-22h. Khi chuyển ga, đổi chuyến tàu, tất cả mọi người đều di chuyển rất nhanh vì các chuyến tàu đều đã được sắp đặt đúng từng phút, từng giây. Nếu không nhanh và chính xác, họ sẽ bị lỡ chuyến tàu. Từ đây, tôi nhận thấy khuyết điểm lớn nhất của bản thân chính là thường xuyên trễ giờ và hay trì hoãn công việc. Phong cách sống và làm việc của người Nhật luôn nhắc nhở tôi phải luôn đúng giờ trong mọi hoàn cảnh, có như thế mới tạo được uy tín cho bản thân và sự tín nhiệm từ mọi người xung quanh”, Hùng nói.
Đại biểu sinh viên Việt Nam biểu diễn tiết mục với áo dài truyền thống tại Đại học Aizu, tỉnh Fukushima.
Đào Khoa Thư, Khoa Truyền thông Quốc tế và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao Việt Nam ghi sâu bài học tình cảm sâu sắc từ người Nhật. “Tôi đã bật khóc khi người quản lý cửa hàng Uniqlo đang rất bận nhưng đã đóng cửa quầy để dắt tay tôi đi tìm bưu điện 30 phút trước khi tôi rời khỏi thành phố này”, Thư nhớ lại.
Trong thời gian giao lưu, học hỏi tại Nhật Bản, Đoàn JENESYS Việt Nam nghe bài giảng cơ sở tìm hiểu về Nhật Bản của giáo sư Kazunori AKAISHI (Đại học Takushoku); thăm Bảo tàng Lịch sử In ấn ở Tokyo; trải nghiệm tàu cao tốc Shinkansen khứ hồi từ Tokyo đến Fukushima; gặp gỡ đại diện chính quyền thành phố Kitakata; giao lưu với giáo viên, sinh viên Đại học Aizu, học xếp giấy, viết thư pháp; thăm Đài Phát thanh Kitakata; trải nghiệm làm con nuôi trong các gia đình ở thành phố Kitakata… |