Đừng chia tay tình yêu theo kiểu “cắt xoẹt một nhát” cho nhanh
Thời gian gần đây có những cuộc chia tay đẫm nước mắt, có khi cả máu. Nhưng trong thời hiện đại chia tay tình yêu đâu phải chuyện lạ.. Bởi vậy chia tay như thế nào để không thù hận là chuyện rất nên bàn. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa sẽ mách bạn nghệ thuật chia tay nhẹ nhàng, đỡ làm tổn thương nhau.
Đừng nên nói toạc lý do chia tay. Ảnh minh họa
PV: Có những người chia tay rất nặng nề, đau đớn, thậm chí trả thù... Làm thế nào để chia tay êm thấm, có văn hóa?
Ông Trịnh Trung Hòa: Bản lĩnh văn hóa đích thực của con người bộc lộ rõ nhất không phải lúc họ đang yêu nhau mà là khi họ chia tay người yêu. Có người lúc yêu rất ngọt ngào nhưng khi chia tay mới lộ hết chân tướng.
Đừng nghĩ khi chia tay nên nói câu gì. Nếu tỏ tình phải nói ra miệng người ta mới biết là kém thì chia tay phải nói thành lời cũng xoàng. Hãy làm sao không nói người ta cũng hiểu. Chẳng hạn có thể giảm dần các cuộc hẹn hò, điện thoại, gặp thì nhanh, không mặn mà nữa, dần dần người ta sẽ hiểu và dễ chấp nhận hơn.
Nếu họ hỏi lý do đừng nói toạc ra vì thế này thế nọ dễ làm họ tự ái, mà nói tránh đi là quá bận chẳng hạn. Chia tay là một nghệ thuật và phải có thời gian. Tại sao khi chinh phục ai đó ta sẵn sàng theo đuổi hàng năm hoặc lâu hơn, mà khi chia tay chỉ muốn “cắt xoẹt một nhát” cho nhanh, thậm chí có người cắt bằng một dòng tin nhắn cụt lủn, để còn nhanh đi gặp người khác. Cư xử như thế là vô trách nhiệm, không có văn hóa, thiếu kỹ năng sống.
Nếu người kia không chấp nhận lời chia tay hoặc đưa ra lựa chọn “một là yêu, hai là kẻ thù”, ta nên làm gì?
-Trong thực tế có những kẻ dùng bạo lực ép buộc người ta phải tiếp tục yêu mình. Điều này sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhưng về phía người chủ động chia tay cũng phải rút kinh nghiệm. Nếu thấy đối phương bị sốc nên dừng lại chờ cơ hội. Có khi phải “rút êm” từ từ hàng tháng trời. Nỗi đau đến dần dần sẽ đỡ đau hơn.
Có nên đề cập lý do chia tay?
-Bạn không nên hỏi: “Tại sao anh không yêu em nữa?”, nếu bạn không muốn nghe một lời nói dối. Một khi đàn ông đã nói lời chia tay thì ít nhất là 95% họ đã có người khác. Nếu chưa có ai cả, họ chưa chia tay đâu dù mối quan hệ đã nhạt như nước ốc.
Về điểm này phụ nữ khác hẳn đàn ông, dù chưa có “cầu thủ dự bị” họ vẫn sẵn sàng “giơ thẻ đỏ” và nói rõ lý do. Trong khi đàn ông không bao giờ nói rõ lý do. Chẳng lẽ lại bảo anh thích đối tác khác mới lạ hơn hay nói tuột ra: “Anh đã có người khác”. Đàn ông rất sợ hai tiếng “Sở Khanh”.
Hầu hết phụ nữ rất chân thành với tình yêu, nếu đã muốn chia tay họ sẽ thể hiện rành mạch trong lời nói và cả hành động. Nói chung tình yêu của phụ nữ không mập mờ như nam giới. Vì thế họ hay bị đàn ông “khủng bố” trong hoặc sau khi chia tay.
Có nên làm những cử chỉ gây ấn tượng lúc chia tay?
-Rất không nên, nhất là với người chủ động chia tay. Vì càng làm như thế càng khiến người ta tiếc nuối và đau khổ hơn. Có người lại “tốt quá” đến mức xin làm mối anh khác cho người yêu thì em hạnh phúc hơn, đó là hành động vừa hài hước vừa giả dối.
Những “pha” chia tay như phim Hàn không thích hợp để ứng dụng ngoài đời thật. Tốt nhất là cuộc chia tay nên đơn giản, không màu mè, kiểu cách. Nên cư xử thật với nhau.
Đàn ông rất sợ mang tiếng "Sở Khanh" dù anh ta thường chia tay khi đã yêu người khác. Ảnh minh họa
Chia tay phụ nữ rất khó, có khi họ khóc và níu kéo dữ dội... Làm sao để giảm tối đa sự tổn thương cho phụ nữ khi chia tay?
-Chẳng có cách gì làm người phụ nữ không bị tổn thương khi họ còn yêu bạn. Chỉ có thể làm giảm nỗi đau thông qua nhân vật trung gian và đừng vội chia tay bất cứ lúc nào bạn thích mà phải chờ cơ hội thuận tiện.
Mới đây ở Trung Quốc có người mở dịch vụ trợ giúp chia tay. Họ giúp khách hàng tránh những giây phút não nề và thuyết phục người bị bỏ rơi chấp nhận. Lệ phí mỗi trường hợp khoảng 20 USD.
Vì thế những ai muốn chia tay mà không đủ can đảm nhìn những giọt nước mắt lăn trên má người yêu hoặc phùng mang trợn mắt thì phải tìm đến dịch vụ này. Chắc là ở ta rồi cũng có.
Sau khi chia tay có thể là bạn của nhau không?
-Thực tế cho thấy những người sau chia tay còn giữ quan hệ bạn bè với người yêu cũ thì rất khó có hạnh phúc mới vì có thể gây hiểu lầm, ghen tuông cho người đến sau.
Tốt hơn hết đã chia tay là thôi, không nên gặp gỡ nữa nếu không có lý do đặc biệt. Trong lòng nghĩ tốt về nhau là được. Vì từ tình bạn tiến đến tình yêu là con đường thuận chiều, thiên hạ đi mòn rồi.
Nhưng từ tình yêu lại trở về tình bạn là ngược chiều chỉ làm đau nhau thêm, xát muối vào vết thương làm gì? Tốt nhất, một là yêu, hai không là gì hết. Câu nói “chúng ta mãi mãi vẫn là bạn” chỉ là màu mè khách sáo thôi.
Vốn dĩ sẽ có một cái đám cưới đẹp như mơ nếu như tôi không chủ động rủ anh sống thử trước vài tháng xem thế nào.