Doanh nhân Tuệ Nghi muốn khép lại vết thương hôn nhân
Câu chuyện đổ vỡ hôn nhân của Tuệ Nghi nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tuệ Nghi - nữ doanh nhân trẻ tài năng
14 tuổi tập tành kinh doanh, 17 tuổi thành lập công ty riêng, 20 tuổi kết hôn và 21 tuổi trở thành một trong 10 người nhận giải thưởng Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á – Thái Bình Dương (2013) là những cột mốc quan trọng trong hành trình vươn tới thành công của nữ doanh nhân trẻ nổi tiếng – Tuệ Nghi.
Tuệ Nghi tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc, được biết đến là một cô gái tài năng và nghị lực. Trong suốt 8 năm lăn lộn vào đời, bắt đầu từ khi mới lên 14 tuổi, Tuệ Nghi đã trải qua không ít gian nan, khổ cực nhưng đến năm 20 tuổi, độ tuổi còn non trẻ, cô đã thu lượm về những thành công đáng nể.
Tuy vậy, đời sống tình cảm của nữ doanh nhân tài năng lại không mấy “thuận buồm xuôi gió”. Hôn nhân của cô đã đổ vỡ sau 3 năm xây đắp với nhiều tin đồn về việc bị chồng phản bội.
Cho đến giờ, khi đã bình thản xếp lại quá khứ, Tuệ Nghi sẵn sàng chia sẻ về những lùm xùm tình ái vừa qua:
2013, Tuệ Nghi là một trong 10 người nhận giải thưởng Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á – Thái Bình Dương
Người ta thường nói “Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả”. Trên con đường đi tới thành công của chị, chắc hẳn chị đã phải đánh đổi không ít?
Từ lâu tôi đã nắm rõ được quy luật được – mất của cuộc sống. Mất ít được ít, mất nhiều được nhiều, không mất không được. Chính vì thế, tôi chưa bao giờ cảm thấy nặng nề trước những hy sinh và mất mát mà mình phải trải qua để đạt được đến cái đích mà mình mong muốn.
Có chăng, tôi chỉ cảm thấy có một chút nuối tiếc vì mình không có cơ hội trải qua thời áo trắng một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, phải có sóng gió thì mới có Tuệ Nghi như bây giờ. Tôi không cho đó là mất mát.
Trước đây chị từng chia sẻ mình đã gặp rất nhiều khó khăn để có được những thành công như ngày hôm nay. Vậy khi gặp những khó khăn đó, chị đã có tư duy và cách giải quyết thế nào?
Là một người phụ nữ bình thường, khi đứng trước những biến cố trong cuộc đời, tôi cũng cảm thấy suy sụp, nản chí. Tuy nhiên, tôi lấy lại thăng bằng rất nhanh. Tôi cho rằng, bất cứ điều gì xảy ra đều có nguyên nhân của nó, chúng ta không chọn được cách nó xảy ra, nhưng quyết định được cách để nó kết thúc.
Như một câu tôi đã viết trong sách của mình: “Không có điều gì là mãi mãi, kể cả những nỗi buồn cũng thế”.
Tập kinh doanh từ năm 14 tuổi, sau 8 năm, Tuệ Nghi đã có một vị trí nhất định trong giới doanh nhân
Khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, Tuệ Nghi có nghĩ mình phải có một sự nghiệp lớn như bây giờ không? Với một người có ước mơ lớn, muốn thành công như chị thì điều đầu tiên họ cần làm là gì?
Ngay từ nhỏ, tôi đã xác định được mình muốn gì và may mắn là ba mẹ tôi luôn ủng hộ những suy nghĩ rất… điên rồ của tôi. Gia đình tôi không bao giờ kìm hãm sự phát triển về tư duy cũng như những hoài bão trong tôi, dù nó có “viển vông” đến đâu. Họ chỉ theo dõi và điều chỉnh một cách khéo léo thôi.
Tôi khởi nghiệp với mục đích mưu sinh vì khi đó ba mất, mẹ bị bệnh. Nhưng khi qua giai đoạn chạy cơm chạy chợ rồi thì tôi lại bắt đầu tính đến những bước khác xa hơn, dài hơn và bền vững hơn.
Đối với những người có khao khát sở hữu một sự nghiệp của riêng mình, thì điều đầu tiên nên hiểu là sự nghiệp lớn hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là nó phải vững. Khi bạn có ý tưởng đột phá hơi điên rồ mà chẳng ai ủng hộ, cũng chẳng sao cả, nếu bạn tự tin vào bản thân mình thì cứ triển khai đi. Thành hay bại cũng đều là xuất sắc cả bởi vì, ít nhất bạn đã dám làm chứ không chỉ ngồi nói.
Ngoài ra,Tuệ Nghi còn viết sách. Cô đã cho ra mắt hai cuốn sách có tên "Luật ngầm" và "Sẽ có cách đừng lo"
Thành công của chị từng bị nhiều người hoài nghi. Họ cho rằng, chị có đại gia chống lưng hoặc dùng sắc đẹp đổi chác mới có ngày hôm nay. Chị nghĩ sao về điều này?
Đó là suy nghĩ của một số người cách đây 2 năm về trước. Khi đó, tôi vẫn còn quá trẻ, thông tin cũng ít và nhiễu loạn. Nhưng thời gian qua, các hoạt động của tôi nhiều hơn, khi tiếp xúc với tôi, mọi thông tin được trả về sự thật thì chẳng ai hoài nghi như thế nữa.
Mà nếu vẫn có, thì tôi cũng không nghĩ gì, càng không bao giờ thanh minh. Bởi vì, hoài nghi là quyền của mỗi người, còn đập tan hoài nghi bằng hành động thiết thực là quyền của tôi (Cười).
Năm qua, chị đã dính phải những lùm xùm trong hôn nhân, cụ thể là bị chồng phản bội. Đã đến lúc chị chia sẻ cùng mọi người – đặc biệt là những người quan tâm chị về điều này rồi chứ?
Tôi luôn quan niệm rằng, việc riêng của bản thân thì không nên làm phiền đến dư luận, nhất là một người làm kinh doanh như tôi. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đầy bất ngờ như thế, tôi xin được gửi lời xin lỗi sâu sắc đến công chúng và những người đã dành cho tôi sự yêu quý, về những lùm xùm trong thời gian vừa qua.
Tôi nghĩ rằng, hôn nhân là câu chuyện của hai người và ly hôn cũng chỉ là câu chuyện của hai người, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã đến hồi kết và chỉ có hai người trong cuộc mới có quyền quyết định đặt dấu chấm hết cho nó.
Chẳng có người thứ ba hay thứ tư nào có thể thay chúng tôi quyết định, càng chẳng ai đủ bản lĩnh phá vỡ được một cuộc hôn nhân nếu như bản thân những người trong cuộc vẫn còn muốn tiếp tục. Tôi đã quen dần với cuộc sống mới và khép lại những trang cũ một cách đẹp nhất, văn minh nhất. Và tôi tin rằng, tôi sẽ viết tiếp những trang mới một cách tươi đẹp và lạc quan.
Vậy chị đã làm gì khi thấy hôn nhân của mình bị lung lay?
Chúng tôi cũng có một khoảng thời gian không liên lạc với nhau, đó là thời gian cho cả hai suy nghĩ và tự cân bằng. Bởi vì, có những thời điểm hoàn toàn không thích hợp cho việc trao đổi, nó sẽ gây ra tranh cãi, thậm chí là phút nóng nảy có thể làm tổn thương nhau thêm.
Sau đó, chúng tôi chọn cách đối thoại, nói ra những suy nghĩ của cả hai. Cuộc đối thoại đó được “giao kèo” trước là hai người cùng phải hạ thấp cái tôi của bản thân xuống để chọn đi hay ở, làm lại hay buông tay. Cuối cùng, chúng tôi chọn buông tay, xếp lại quá khứ, cho nhau một cơ hội làm lại nhưng không phải là với nhau.
Tôi nghĩ rằng, bình thường hoá quan hệ sau khi chia tay là cách để cả hai cùng cảm thấy thanh thản, vết thương cũng sẽ mau lành, hơn là cứ giữ trong lòng những trách móc, hận thù.
Cô khẳng định, không ai có thể xen vào một cuộc hôn nhân bền vững
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Có khi nào chị nghĩ, vì mình đã quá chú trọng đến sự nghiệp nên dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân?
Tôi không nghĩ như vậy. Đến thời điểm này, chồng cũ của tôi vẫn thừa nhận rằng, tôi đã hoàn thành khá tốt vai trò xây tổ ấm của mình. Là phụ nữ, nếu có chú trọng một chút đến sự nghiệp thì cũng chỉ là vì gia đình, vì muốn phụ giúp cho chồng bớt đi gánh nặng tài chính, san sẻ gánh nặng “xây nhà” với chồng.
Suy cho cùng, khi đã hết duyên hết nợ, con người ta sẽ không cách nào cùng nhau bước tiếp được nữa, chúng tôi đều hiểu và không bao giờ cố gắng tìm một lý do nào đó để lý giải cho sự kết thúc này.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!