Đau đầu vì vợ luôn miệng bì tị chuyện đóng góp Tết với nhà chồng
Gần đến Tết, vợ tôi luôn miệng kể lể chuyện cô ấy mua gì, sắm gì cho nhà tôi rồi so vì với nhà anh trai khiến tôi rất chán nản và ức chế.
Tôi và vợ cùng quê, cả 2 yêu thương nhau 3 năm rồi mới cưới. Sau khi cưới, vợ chồng tôi thuê một ngôi nhà 3 tầng để ở chung với vợ chồng anh trai tôi vì tất cả đều làm việc ở Hà Nội. Anh trai và chị dâu tôi đều đi làm công nhân, lương 3 cọc 3 đồng nhưng phải nuôi 2 cháu nhỏ nên kinh tế khá khó khăn.
Có nhiều tháng 2 cháu thay nhau ốm khiến gia đình anh phải đến vay tiền vợ chồng tôi liên tục. Ban đầu, chị dâu còn lên vay trước mặt vợ tôi nhưng sau thấy thái độ của vợ tôi ghê quá nên anh tôi chỉ dám nhắn tin cho tôi. Tôi cũng nhiều lần dấm dúi chuyển tiền cho anh và không bao giờ đòi lại.
Hình minh họa
Nhà tôi rất nghèo, bố tôi mất sớm, anh trai tôi học hết 12 đã đi làm để phụ giúp mẹ. Trong những năm tháng tôi học đại học, anh trai cũng thường xuyên giúp đỡ tôi đến khi tôi ra trường. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình được như ngày hôm nay là nhờ mẹ và anh trai, mình cần báo đáp cho họ.
Tuy nhiên, vợ tôi lại không hiểu chuyện đó. Lúc mới về, cô ấy cũng tỏ ra xởi lởi với anh chị, quý mến các cháu nhưng sau khi thấy nhà anh trai hay vay tiền nhà tôi quá, cô ấy tỏ vẻ ghét và khó chịu ra mặt.
Có hôm, anh trai tôi lên vay tiền cô ấy từ chối thẳng thừng: “Hôm trước nhà em cũng đưa anh 3 triệu rồi còn gì? Tiền nhà 3,5 triệu tháng này nhà em cũng trả rồi. Anh chị xem bao giờ có tiền thì đóng tiền nhà cho chúng em chứ chúng em không có tiền mà cho vay nữa.”
Có hôm, chị dâu tôi đưa 2 cháu về quê, anh trai ăn cùng vợ chồng tôi mấy bữa mà vợ tôi cũng kêu ca, khó chịu. Vợ tôi than thở rằng anh trai tôi ăn mà không chịu đóng tiền, ăn xong cũng không chịu dọn dẹp để một mình cô ấy phải hầu.
Tết năm ngoái, vợ chồng tôi được thưởng Tết một khoản kha khá. Khi về quê, tôi và vợ đã mua sắm hầu như tất tần tật đồ đạc trong nhà từ quất, đào, bánh kẹo, đồ lễ, đồ ăn đến quần áo cho ông bà, cho mẹ tôi, cho các cháu.
Khi thấy anh chị tôi nói rằng anh chị chỉ được thưởng Tết khoảng 5 triệu và một vài bộ quần áo (do anh chị làm ở công ty may mặc) nên không mua sắm Tết gì được cho cả nhà, vợ tôi tối sầm mặt mày, miệng lẩm bẩm.
Khi có 2 vợ chồng với nhau, vợ tôi đã phàn nàn về vợ chồng anh chị làm tôi rất ức chế nhưng đang ngày Tết, tôi không muốn gây sự với vợ.
Sang năm nay, khi gần Tết đến, vợ tôi đã nói trước là năm nay cô ấy chỉ mua ít giò và ít bánh kẹo về ăn Tết chứ không sắm nhiều như năm ngoái.
- Năm ngoái vợ chồng mình lo từ A đến Z rồi thì năm nay đến lượt nhà anh Hải. Chứ anh chị ấy cũng đi làm, Tết cũng có tiền mà cứ ăn không mãi thế thì chẳng mấy mà giàu.
- Nhà anh chị còn khó khăn, lại nuôi 2 con nhỏ, em không thể giúp đỡ được hay sao?
- Giúp thì giúp 1-2 lần chứ không giúp mãi được. Nhà thì nhà chung, ăn Tết thì ăn cùng nhau chứ em có được ăn một mình đâu mà đóng góp cả. Năm nay em chịu chẳng sắm sửa gì đâu, sang năm em có thai rồi sinh con cũng cần tiết kiệm.
- Em có giỏi thì đi nói thẳng với anh Hải ấy, bảo nhà anh ấy đi mà sắm sửa còn anh thì sẽ không nói gì cả.
Từ hôm đó, vợ chồng tôi giận nhau, không nói gì với nhau suốt cả tuần. Tôi cứ ngỡ cô ấy đã hiểu ra cái sai của mình nhưng không ngờ hôm qua tôi đi làm về thì nghe vợ tôi nói với chị dâu: “Tết năm ngoái nhà em đã sắm sửa đủ thứ ở quê rồi, năm nay thì đến lượt nhà 2 bác “thể hiện”. Nhà em thì chịu, năm nay chắc chẳng có tiền đâu".
Không ngờ, cô ấy dám nói những câu đấy với chị dâu tôi. Tôi nghe mà nóng máu, chỉ muốn vả cho cô ấy một cái. Không biết tôi nên làm thế nào với người vợ kiệt sỉ, ích kỷ này.
Đĩa rau lộn xộn, tô canh dở, bát mắm thừa cùng đống bát đũa bẩn trên mâm khiến nàng dâu tủi hờn.