Đau đầu vì quý tử trăng hoa

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Hễ thấy cô gái nào trẻ trẻ xinh xinh đến "xin gặp hai bác" là ông bà lại giật mình thon thót, sợ lại phải giải quyết một vụ "bầu bí" nữa.

Năm nào cũng bị "bắt đền"

Ông bà Huân, sống ở thành phố Hải Dương, luôn nở mày nở mặt mỗi khi có người khen cậu út đẹp trai tên Thiên. Thường thì họ hồ hởi kể thêm nhiều điều về cậu quý tử: “Chị H. làm bên truyền hình cứ hỏi sao không cho nó đi học đóng phim, diễn viên chả mấy người có gương mặt ấn tượng như nó”, hay: “Từ hồi thằng bé đi học mẫu giáo, các bạn gái đã tranh nhau chơi với nó rồi”.

Thế nhưng mấy năm nay, khi “thằng bé” đã lớn, trở thành một hotboy chính hiệu, ông bà lại cố nén tiếng thở dài mỗi khi nghe nhắc đến vẻ đẹp của Thiên. Nỗi khổ ấy, hồi đầu họ chẳng chia sẻ được với ai, nhưng sau vụ “bắt vạ” om sòm của gia đình một cô gái, ông bà Huân không giấu được hàng xóm nữa nên những khi được khơi gợi, họ cũng hay chia sẻ. “Người ta nói đời cha ăn mặn, đời con khát nước, nhưng ở nhà tôi thì con ăn mặn, bố mẹ khát nước các ông bà ạ”, ông Huân than.

Cô gái đầu tiên vác bụng bầu đến gặp ông bà là bạn cùng lớp của Thiên. Năm đó cô cậu mới học lớp 11. Cô nữ sinh hỏi bác ơi cháu phải làm thế nào bây giờ, khiến ông bà ngây ra. “Bảo cô bé bỏ thai thì nghe có vẻ ác độc, thất đức, nhưng mới 16 tuổi đã cưới làm sao được”, bà Huân nói. Nghĩ đi nghĩ lại, họ đành phải gọi điện cho bố mẹ cô bé kia để cùng bàn bạc. Cũng may “nhà gái” cũng biết rằng nếu sinh con thì dù có cưới hay không, con gái họ cũng sẽ khổ, tương lai rất khó nói, nên đành đưa con đi “giải quyết”. Trong những ngày đó, bà Huân luôn có mặt để thăm hỏi, chăm nom, chịu ê mặt trước cái nhìn kết án của phía “nhà gái”.

Nhìn cậu con trai mặt cắt không còn giọt máu trước sự cố ấy, ông bà Huân tưởng cậu cạch đến già. Ai ngờ năm sau, giữa lúc các học trò lớp 12, trong đó có con ông, đang mải mê luyện thi đại học, một cô bé nữa lại nước mắt ngắn nước dài cùng bố mẹ đến. Cô bé này mới học lớp 10. Lần này, họ phải đền 50 triệu đồng trước đe dọa kiện tụng của gia đình ấy.

Năm nay Thiên học năm thứ hai đại học. Đã có thêm hai cô gái nữa đến gặp bố mẹ cậu. Cô thứ nhất là gái quê, bị cậu “đá” chỉ sau đúng 2 tuần. Biết mình dại, chẳng hy vọng gì ràng buộc được Thiên, cô đành cam chịu; nhưng sau đó khi phát hiện mình có bầu thì cô rối trí quá. Gọi và nhắn tin cho Thiên không được trả lời, cô đành hỏi đường để đến nhà tìm cậu, nhưng chỉ gặp phụ huynh.

Để êm chuyện, ông bà Huân lại phải xin lỗi, an ủi và cho tiền để cô gái đi phá thai và bồi dưỡng sức khỏe. Bà rít lên mắng con: “Đã bao nhiêu lần rồi mà mày còn để cho có thai?”. Cậu con lí nhí: “Thì con biết đâu, nó bảo ngày ấy không sao hết”.

Đến cô thứ tư thì chuyện không “êm” được nữa. Gia đình kia đùng đùng kéo đến dứt khoát đòi cưới, làm om sòm đến nỗi cả xóm biết. Thật may, sau khi nghiên cứu kỹ hoàn cảnh kinh tế nhà Thiên, họ đổi ý không ép cưới nữa, nhưng bắt ông bà Huân phải trực tiếp đưa con họ đi “giải quyết” và chăm sóc cô gái đến khi xuất viện.

“Nhục không để đâu cho hết, một ông già ngần ấy tuổi đầu, phải vào tận cái khu tai tiếng đó của bệnh viện phụ sản hầu hạ con gái nhà người khác”, ông Huân cay đắng nói. Những người xung quanh rất thương cảm, nhưng vẫn nói với nhau rằng đó là cái giá ông phải trả cho việc quá dễ dãi với con trai, ngay cả khi nó đã gây họa nhiều lần, rằng ông khổ một thì con gái nhà người ta khổ mười.

Đau đầu vì quý tử trăng hoa - 1

Không phải bậc cha mẹ nào cũng chấp nhận giải quyết hậu quả cho tính trăng hoa của cậu quý tử đẹp trai (Ảnh minh họa)

Bố mẹ cũng “chạy làng”

Không phải bậc cha mẹ nào cũng chấp nhận giải quyết hậu quả cho tính trăng hoa của cậu quý tử đẹp trai. Ông bà Lợi (Hà Nội) sau lần đầu cố gắng dàn xếp với gia đình cô gái trót dại với con mình, chịu giơ mặt cho người ta chửi rủa thì cảm thấy không chịu đựng được chuyện đó lần nữa.

Mấy năm sau, khi một cô gái, vốn đã không thành công trong việc níu kéo hay đòi con trai họ chịu trách nhiệm về cái thai trong bụng, tìm đến ông bà Lợi để “đòi lại công bằng”, họ đã lạnh lùng nói: “Con trai tôi đã đến tuổi trưởng thành, có quyền công dân rồi nên phải tự chịu trách nhiệm chuyện của nó. Cô cũng thế. Có gì anh chị tự tìm nhau giải quyết, đừng làm phiền đến thân già này”.

Cô gái kia đem chuyện đứa bé trong bụng cũng mang dòng máu của ông bà ra thuyết phục, nhưng bà Lợi bảo: “Nói thật với chị, cho dù chị là vợ nó, và chị đẻ con, tôi cũng chỉ có thể thỉnh thoảng chơi với nó thôi chứ không trợ cấp được. Nếu chị quyết định để đẻ, chị cứ kiện thằng con tôi, bắt nó trợ cấp nuôi con. Phần chúng tôi cũng sẽ yêu thương thằng bé, nhưng không giúp gì được cho chị cả”. Thế là cô gái bó tay, ra về.

Bà Lợi bảo, tỏ ra tàn nhẫn như thế, bà cũng thấy lương tâm cắn rứt, nhưng vẫn phải ngoảnh mặt vì “già rồi, không lo được nữa”.

Còn bà Thi, sống ở Hải Phòng, nói như tát nước vào mặt cô gái có thai với con mình: “Ai bảo cô có thân mà không biết giữ? Thằng con tôi nếu nó chịu cưới cô thì tôi đồng ý ngay. Nhưng nó không chịu thì tôi biết làm thế nào?”. Thấy cô gái nói về hoàn cảnh khó khăn, có ý muốn được hỗ trợ tiền bạc, bà bảo: “Tiền nong thế nào, cô cứ nói với bố đứa trẻ trong bụng. Tôi không liên quan. Nhỡ đứa bé không phải con nó, nó lại mắng tôi”.

Vợ chồng ông Song, cũng ở Hải Phòng, rất ân hận bởi từng xua đuổi một cô sinh viên đến cầu cứu họ do đã trót tin vào con trai họ. Nhìn cô gái tuổi còn nhỏ mà tóc tai mấy màu, mắt xăm xanh rì, họ vô cùng ác cảm, nên mắng cô hư hỏng và tuyên bố mặc kệ, dù cái thai đã được gần 4 tháng. Sau đó, không thấy cô ta đến “ăn vạ” lần nào nữa, nhưng ông bà cứ thấy lòng không yên.

Bà Song tâm sự: “Nhiều khi tôi không ngủ được, tự hỏi không biết cô ta phá thai hay để sinh. Nếu sinh thì đứa cháu ấy của tôi không biết sống thế nào, có khổ cực gì không. Nếu cô ta phá thai thì linh hồn đứa bé có oán hận gia đình tôi không, chúng tôi làm thế có phải là thất đức không”.

Ông Song nhiều lần răn đe con trai rằng nếu để chuyện đó xảy ra lần nữa, họ sẽ mạnh tay với cậu. Cậu cười bảo: “Bố yên tâm, hồi đó con thiếu kinh nghiệm nên mới thế. Đảm bảo với bố, không có lần thứ hai”. Không ngờ, vài năm sau, “lần thứ hai” hiện diện dưới hình hài một cô gái làm nghề bán hàng, trình độc học vấn phổ thông trung học, ăn nói cư xử lại thô vụng. Con trai ông nổi xung mắng: “Tôi đã bảo cô phải uống thuốc rồi cơ mà, cố tình bẫy tôi hả? Đừng có mơ”.

Điều không ai  ngờ đến là ông Song lại bắt con trai phải chịu trách nhiệm bằng đám cưới. Anh chàng giãy nảy, bảo bố điên hay sao mà bắt con trai duy nhất lấy một cô học mới hết cấp ba. Ông bố nói, bố cũng muốn chọn một nàng dâu tài sắc vẹn toàn, nhưng con trai bố không xứng đáng với người như thế; nếu chê cô gái này không xứng thì sao còn làm cô ta có thai, đã làm thì phải chịu. Rồi ông chốt luôn, nếu cậu không cưới sẽ bị tước quyền thừa kế; gia sản này một nửa sẽ chia cho chị gái cậu, nửa còn lại sẽ cho đứa bé trong bụng kia.

Ông Song tâm sự, khi quyết định như vậy, ông chỉ muốn không cắn rứt lương tâm, và cũng dạy cho con trai một bài học về làm gì cũng phải nghĩ đến hậu quả. Nhưng không ngờ bây giờ hai vợ chồng lại sống với nhau rất tốt. Cô con dâu được bố mẹ chồng tạo điều kiện đã học thêm về kế toán, giờ thay bố mẹ quản lý cửa hàng, từ ăn mặc đến lời ăn tiếng nói đã không còn là cô gái quê vụng về, bộp chộp ngày trước.

Bây giờ, nhìn đứa cháu kháu khỉnh, ông bà lại tự nhủ, chuyện bị "ăn vạ" ngày trước cũng là chuyện hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Anh (Tuổi trẻ thủ đô)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN