Con dâu “sốc” với cách chăm cháu "bá đạo" của mẹ chồng

Chuyện mẹ chồng nàng dâu xưa nay nhiều vô kể, nhưng quanh việc chăm sóc trẻ nhỏ, những mâu thuẫn giữa hai thế hệ thường hay bộc lộ hơn cả. Không ít trường hợp mẹ chồng nàng dâu “bằng mặt mà không bằng lòng" vì cách chăm cháu “bá đạo”, có 1-0-2 của ông bà.

Con dâu “sốc” với cách chăm cháu "bá đạo" của mẹ chồng - 1

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu chỉ vì cách chăm trẻ. (Ảnh minh họa).

Ngày nay, nhiều ông bố bà mẹ trẻ thấy cách chăm cháu của ông bà vừa lạc hậu, vừa không khoa học, bởi thế mà mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng hơn ở một số gia đình.

Mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp nhất thường là trong chuyện chăm sóc trẻ nhỏ. Nhưng có góp ý với ông bà thì ông bà cũng coi như bỏ ngoài tai bởi ông bà già rồi nên tính tình thường cố chấp, bảo thủ. Ông bà cho rằng, xưa nuôi con thế nào thì nay nuôi cháu như thế, bằng chứng là dùng cách của ông bà thì bố nó rồi các cô, các chú vẫn to béo đó thôi.

Nhiều nàng dâu tặc lưỡi "ngậm bồ hòn làm ngọt" để tránh những xung đột quá gay gắt giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Chăm cháu theo kinh nghiệm dân gian

Chị Ngọc Ánh (Phương Mai, Hà Nội) nghỉ sinh 6 tháng thì bắt đầu đi làm lại. Đang đau đầu vì không biết việc con cái sẽ tính sao thì bà nội của cháu xung phong trông bé đến lúc đi lớp.

Tuy nhiên, giao con cho bà trông hộ nhưng lúc nào chị cũng nơm nớp lo sợ và theo dõi không dám rời mắt khỏi con mình. Chuyện chỉ vì có lần chị nghe được mẹ truyền kinh nghiệm “lấy mật lợn sống hòa với một thìa sữa mẹ và cho cháu nuốt để làm phép cho cháu không bao giờ bị đau bụng”.

Nhắc đến thứ “bùa phép” này, chị cũng thấy rùng mình: “Có cho vàng mình cũng không nuốt mật lợn sống nữa là bảo làm thế với con mình. Nhưng không thể nói căng thẳng để làm bà nội cháu bực mình được, nên mình đành phải chịu khó để ý trông chừng vậy”.

Những mẹo vặt được truyền miệng từ đời này qua đời khác không phải cái nào cũng dở. Tuy nhiên có những kinh nghiệm dân gian chưa thể xác định rõ là tốt hay xấu, liệu có ảnh hưởng hay làm hại gì đến trẻ nhỏ hay không.

Chính vì sự mơ hồ này, không riêng gì chị Ngọc Ánh mà nhiều chị em khác quyết định: Thà tránh nhầm còn hơn bỏ sót, họ thà chăm con theo cách thông thường chứ không bao giờ dám để con làm “chuột bạch” cho các phương pháp cổ truyền của ông bà.

Cũng như nhà chị Ngọc Ánh, chị Thu Huyền (Kim Giang, Hà Nội) xót xa khi thấy bà dùng kinh nghiệm dân gian để chăm cháu. Chuyện là thế này, bé nhà chị Huyền sinh mổ nhưng không hiểu sao đầu cháu lại hơi nhọn. Vậy là theo kinh nghiệm, hôm nào bà cũng bế cháu rồi đập nhẹ đầu cháu vào tường, xong rồi lại dùng bàn tay xoa mạnh. Bà bảo: “Ngày xưa mẹ cũng làm thế với bố nó nên bây giờ đầu bố nó mới tròn thế đấy”.

Chị Huyền chia sẻ: “Xót con nhưng bà đem cả “cái bằng chứng sống” lù lù như thế để chứng minh, mà quả thật đầu chồng tôi rất tròn trịa, thì tôi nào dám ý kiến.

Mà bà làm những việc đó một cách chăm chút lắm. Thấy bụng cháu to, hình như trẻ con đứa nào bụng cũng to to thế thì phải, bà lấy cái tã buộc thật chặt vào bụng bé bảo như thế cho bụng nhỏ gọn đỡ xấu. Chưa kể vì bà ẵm cháu quá chặt, sợ cháu lạnh mà không cho dùng quạt trong tiết trời ngột ngạt. Bé ra mồ hôi rồi ngấm ngược và hậu quả là viêm phổi khi vừa tròn một tháng.

Làm mẹ ai chẳng xót con nhưng thật sự tôi chẳng biết nói với bà thế nào. Thôi đành tự an ủi, bà đã nuôi chồng tôi khôn lớn khỏe mạnh như bây giờ chắc sẽ không để cho con tôi có mệnh hệ gì. Nhưng chứng kiến bà chăm cháu cổ hủ như vậy, tôi không biết mình còn chịu đựng được đến bao giờ”.

Con dâu “vò đầu bứt tai” với những cách chăm cháu của mẹ chồng

Hai vợ chồng chị Mai Linh quê gốc ở Bắc Ninh lên Hà Nội làm việc và sinh sống. Đến tháng chị Linh đi làm, mẹ chồng ở quê lên Hà Nội chăm cháu. Chị và mẹ chồng từng rất hợp nhưng chẳng thể ngờ, ở với mẹ chồng được 1 tháng, chị Linh với mẹ chồng đã không khớp nhau nhiều thứ.

Chị Linh chia sẻ: “Bất kể ngày đêm, bà luôn túc trực bên Nhím (tên ở nhà của con gái chị Linh). Hễ tôi lại gần là y như rằng mẹ sai đi làm việc này việc kia “còn Nhím, cứ để đấy bà lo”. Mới đầu tôi nghĩ, vì bà thương tôi đi làm vất vả nên vui lắm, cứ để bà chăm cháu theo ý mình. Nhưng lâu dần, nhìn cách bà chăm cháu, tôi giật nảy mình…”.

Sống ở quê đã quen lam lũ, vất vả nên mẹ chồng chị Linh cực kỳ dè xẻn. “Bà tiết kiệm từng cái bỉm thay cho cháu. Có bà với cháu ở nhà, bà cứ “thả rông” cho cháu, chỉ mặc đúng cái quần. Ngày nào vợ chồng tôi đi làm về, bế con cũng ngửi thấy mùi khó chịu... Tôi lại phải bế con đi lau rửa, làm vệ sinh”, chị Linh kể.

Chưa dừng ở đó, cách pha sữa cho cháu uống của mẹ chồng còn khiến chị Linh ngạc nhiên đến mức "cấm khẩu" không nói được gì. Đáng ra pha 5 muỗng sữa thì bà chỉ pha 3-4 muỗng và cho thêm đường vào ngoáy cho ngọt.

Chị Linh có góp ý thì mẹ chồng giận dỗi: “Trẻ con ở quê làm gì có sữa uống thế này mà vẫn lớn đấy. Pha bớt đi 1 thìa thì đáng gì. Chị cứ quan trọng hóa”. Vì không muốn mẹ chồng, con dâu căng thẳng nên chị Linh ngậm bồ hòn làm ngọt. Luôn cố gắng tự mình pha sữa cho con nhưng hễ thấy chị Linh cho con uống sữa là mẹ chồng lại lẩm bẩm: “Suốt ngày sữa, uống nhiều có tiêu hóa được đâu”.

Đến lúc con ăn dặm, chị Linh mua bột ăn dặm về dặn bà cho ăn, bà bảo luôn: “Con mua bột làm gì? Để mẹ nấu cơm rồi chắt lấy nước đặc, pha thêm đường cho cháu ăn là được. Tiền để lo việc khác”.

"Nghe mẹ chồng nói, tôi nhẹ nhàng bảo bà: “Mẹ ở nhà cứ cho cháu ăn theo đúng hướng dẫn giúp con”. Bà nghe xong gật đầu: “Mẹ biết rồi”.

Thế mà ngày hôm sau, buổi trưa tôi tranh thủ về chăm con đã thấy bà chắt nước cơm dỗ cháu ăn, còn bột ăn dặm vẫn để nguyên. Tôi hơi gắt: “Sao mẹ làm thế. Con đã dặn mẹ rồi” – “Đấy, chị thích làm gì thì làm. Trứng đòi khôn hơn vịt. Một tay tôi nuôi 2 đứa con rồi mấy đứa cháu, có đứa nào đui què đâu”, mẹ chồng giận dỗi quát tôi… Tôi nói chuyện với chồng thì anh gạt đi: “Em cứ để mẹ chăm con, càng nhàn chứ sao. Em nhìn mẹ chăm chồng em béo tốt thế này cơ mà. Lo gì”", chị Linh kể.

Còn chị Nguyễn Lan (Hòa Bình) khi nhắc đến cách bà chăm cháu, chị như tìm được người để xả những bức xúc trong lòng. Chị bảo: “Nếu nói về việc bà chăm dâu, chăm cháu thì chắc không ai bằng. Nhưng những cách của bà cổ hủ quá. Lúc mới mang thai, bà không cho tôi ăn cua, ăn ốc vì sợ ăn cua thì cháu bà nằm ngang, ăn ốc thì mũi dãi. Đến khi sinh bé, còn đủ kiểu kiêng từ mẹ đến con, nhiều lúc tôi khó chịu lắm nhưng thực tâm bà cũng chỉ muốn tốt cho con cho cháu mà thôi”.

Chị Lan tuôn một loạt những điều mẹ chồng ngăn cấm không cho làm. Vào những ngày trời có nắng sớm, khi con dâu bế con ra tắm nắng để tránh còi xương, mẹ chồng ra bế ngay vào. Bà bảo phơi nắng thì cũng tốt đấy nhưng nếu nhỡ bị cảm sốt thì sao? Khi ấy, vừa khổ con bé mà cũng khổ bà, khổ mẹ.

Ngày hè, trời nóng đến mức người lớn cũng phải phát sốt nhưng điều hòa thì phải tắt im ỉm. Bởi lẽ cứ khi con dâu vừa cầm lấy cái điều khiển thì mẹ chồng đã “an ủi”: “Mẹ biết con đang có sữa, người nóng hơn em bé. Nhưng làm mẹ thì phải cố gắng chịu đựng và nhường nhịn cho con. Bé tí mà phải hít thở nhiều không khí điều hòa thì chỉ tổ có hại”.

Trước, chị Lan thường cho con tắm hàng ngày. Giờ thì mẹ phân tích rằng theo khoa học, trẻ con không nên kỳ cọ kỹ quá mà ảnh hưởng đến "chất gì gì" đó ở ngoài da, không tốt cho sức đề kháng.

Về chuyện ngủ, con dâu muốn con được nằm ngủ một mình nhưng bà nội thì không. Bà bảo như thế nó hay giật mình, tội lắm. Bà thích bế ẵm, đu đưa cháu. Sau gần 2 tháng ở với bà, đêm nào cháu cũng bắt mẹ phải bế trên tay, cứ đặt xuống giường là ưỡn và khóc oe óe.

Về chuyện ăn, theo hướng dẫn của bác sĩ thì vào tháng tuổi của con mới chỉ là tập ăn dặm, nhưng bà nội cứ phải “đấm mồm đấm miệng”, “tập cho biết nhai” bất kể là cơm, cháo, mì tôm hay bún, phở...

Vẫn biết mẹ giúp mình, cưng cháu là tốt nhưng do ngày càng có nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa mẹ chồng nàng dâu khiến chị Lan rất ức chế. Nói thẳng với mẹ thì chị không dám vì sợ bà mắng là hỗn nhưng với những cách chăm cháu “bá đạo” của bà thì chị không biết làm như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Linh ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN