Có nên nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ trên tàu hỏa?

Câu chuyện có nên nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ trên tàu hỏa đang gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng.

Việc nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ trên các phương tiện công cộng vẫn được xem là hành động văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, trên các phương tiện đường dài như tàu, máy bay, liệu văn hóa nhường này có được khuyến khích?

Mới đây, status của một cô gái trẻ tên H.M bày tỏ sự bức xúc, khó chịu khi bị yêu cầu nhường chỗ nằm trên tàu gây xôn xao dân mạng.

Có nên nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ trên tàu hỏa? - 1

Cô gái tỏ ra bức xúc khi nhận được đề nghị nhường chỗ trên tàu

Theo như lời kể của H.M, trên chuyến tàu đi Cửa Lò, cô nhận được nhiều lời đề nghị đổi tầng nằm với lý do “nhường cho ông A, bà B lớn tuổi, cho cháu X, cháu Z nhỏ tuổi” và “anh sợ em ngại vì người nằm đối diện là nam”… Cô gái càng bức xúc hơn khi vốn dĩ vé tầng dưới đắt hơn vé tầng trên, vậy mà khi cô gợi ý về việc hoàn lại giá tiền chênh lệch thì không ai ý kiến gì.

“Mình chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn vì muốn nằm tiện hơn, còn họ mua giá thường rẻ nhưng lại muốn đổi… Rồi còn có trường hợp một số người mua vé ghế ngồi nhưng đến từng phòng xem có giường trống không để nằm”, cô gái bức xúc.

Theo H.M, tàu hỏa không phải xe buýt, không thể cứ lôi người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, mẹ trẻ cho con bú là có thể yêu cầu người khác phải nhường miễn phí. Câu chuyện của cô gái trẻ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng và tạo ra làn sóng tranh cãi lớn về văn hóa đi tàu xe.

Nick name Huyền Trần chia sẻ: “Chắc người ta cũng bí quá mới phải xin nhường nghế, cũng không nên khó khăn quá. Mình tốt với người ta lần này thì lần khác lại có người tốt với mình. Nhân quả cả, đi đâu mà thiệt”.

Nick name Phạm Ngân cũng cùng quan điểm: “Nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có bầu là văn hóa ứng xử, cũng là cái tâm của mỗi người. Có gì đâu mà phải đưa ra bàn tán”.

Tuy nhiên, rất nhiều người ủng hộ quan điểm của cô gái trẻ và cho rằng không thể áp dụng văn hóa “nhường” trên tàu xe, bởi đơn giản, cô gái đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua vé nằm tầng một.

Nick name Ely Nguyễn viết: “Người ta bỏ tiền ra để được đi thoải mái, cả đoạn đường mấy trăm km chứ có phải mấy chục km đầu mà nói nhường là nhường. Hơn nữa, nếu có muốn được nhường thì cũng nên hoàn trả tiền vé chênh lệch, giá vé tầng 1 với tầng 2, 3 hơn kém nhau cả mấy trăm ngàn chứ có ít đâu. Mình cực dị ứng với những người đem cái văn hóa nhường chỗ ra để ép. Muốn được sướng thì tốt nhất nên tự bỏ tiền, bỏ thời gian ra mà săn vé chỗ tốt”.

Có nên nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ trên tàu hỏa? - 2

Nhiều cư dân mạng ủng hộ ý kiến của cô gái

Nick name Nguyên Thái cũng có cùng ý kiến: “Đi xe buýt là quãng đường ngắn, người đi ít bị ảnh hưởng sức khỏe nên việc nhường chỗ không gây ảnh hưởng lớn tới người nhường. Còn đi tàu nằm hay ô tô giường nằm là những chặng đường xa, hành khách trước khi đi đã chủ động mua vé phù hợp với sức khỏe của mình vậy thì sao dễ dàng nhường được. Chỉ nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai trong trường hợp đi xe buýt, còn đi xe đường dài và các phương tiện khác thì phải tuân thủ đúng vị trí của mình cho nó trật tự”.

Nhân câu chuyện văn hóa nhường chỗ đang được đưa ra bàn cãi, nhiều người cũng kể lại những trường hợp “oái ăm” gặp phải khi đi tàu xe.

Bạn Mạc Phúc kể: “Công nhận, đi tàu mới biết có nhiều người dị lắm, hôm nọ cũng thế, mình đi từ Hà Nội vào Vinh, có mấy khách nước ngoài ngồi nhầm ghế, lý do là ghế họ bị mấy bà chiếm mất. Họ nói tiếng Anh, mấy bà ý không hiểu, mình giải thích hộ là khách nước ngoài họ yêu cầu trả ghế như đúng số vé. Mấy bà ý cau có, tỏ ý khó chịu, kêu là muốn ngồi gần nhau này nọ. Xong mình bảo mấy bà ý cứ đưa vé ra rồi ai có chỗ người đó ngồi nhưng họ không chịu. To tiếng một hồi, mọi người xung quanh nói vào, mấy bà ý mới chịu đưa vé ra cho xem. Cuối cùng, người nước ngoài họ cũng được ngồi đúng chỗ nhưng chắc trong lòng họ phải thắc mắc lắm về cách ứng xử của người Việt”.

Bạn Phương Trần cũng gặp phải trường hợp tương tự: “Mình đi máy bay, vì bầu bí hay phải đi vệ sinh nên thường đặt ghế phía ngoài. Lúc mình lên thì có một chị hơn vài tuổi ngồi mất chỗ, thấy mình bụng bự xuất hiện, chị ấy bảo đổi chỗ cho vì hay bị say máy máy. Thôi thì mình cũng nhường, dù đi vệ sinh phải chen vô chen ra mệt bã người. Còn chị ý thì cười hả hê, sung sướng… nghĩ lại thấy mình hiền quá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN