Choáng với đề nghị "giúp đẻ hộ" từ người bạn giàu sang
Một khoản tiền rất lớn chị ấy hứa sẽ trả công cho tôi nếu nhận lời đề nghị này.
Vợ chồng họ cùng làm việc trong một cơ quan nước ta đóng tại một nước khu vực Đông Nam Á. Họ đã sống với nhau nhiều năm nhưng không có con. Nguyên nhân do phía người chồng bị vô sinh.
Người vợ không hiểu do rất yêu chồng hay vì anh ta giàu mà không có ý định ly hôn, đã quyết định tìm kiếm con nuôi. Nhưng hình như họ chưa tìm được đứa trẻ nào ưng ý vì ở xứ người không dễ tìm được trẻ người Việt Nam mà nuôi con mang dòng máu ngoại quốc thì họ không muốn.
Chị hứa sẽ trả công cho tôi nếu nhận lời đề nghị này (Ảnh minh họa)
Tình cờ tôi quen biết họ khi sang đây lao động. Trước khi sang đây theo hình thức “xuất cảnh lao động”, tôi đã có chồng và hai con trai. Cuộc sống của chúng tôi quá túng thiếu. Chồng tôi sức khoẻ yếu, không có khả năng làm ra tiền. Sau khi bàn bạc kỹ, chồng đã quyết định vay mượn họ hàng tiền để cho tôi sang đây lao động.
Thu nhập một tháng được chừng 10 triệu đồng. Tằn tiện chi tiêu, tôi có thể gửi về đủ cho chồng, con sống ở nhà và tích cóp để lo cuộc sống về sau.
Vợ chồng người cán bộ kia có vẻ quý tôi. Chị vợ coi tôi như em ruột, biết hoàn cảnh của tôi, thỉnh thoảng cho tiền, gọi là gửi về nước “mua quà cho cháu”. Lúc đầu tôi không nhận nhưng về sau, trước sự chân thành của chị, tôi đã yên tâm cầm mà không áy náy gì.
Một lần, chị hỏi cặn kẽ về hoàn cảnh của tôi. Lúc đầu, tôi không nghĩ gì, chỉ cho rằng do chị quý, quan tâm mà hỏi. Tôi kể rõ với chị: Tôi sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, mồ côi cả bố lẫn mẹ từ nhỏ, do hai người đi buôn bè, cùng bị lũ cuốn trôi. Tôi được ông bà ngoại nuôi đến khi lấy chồng năm 20 tuổi.
Hoàn cảnh nghèo hèn nhưng do có chút nhan sắc nên được khá nhiều chàng trai con nhà khá giả để ý. Chẳng hiểu duyên số thế nào, tôi chẳng nhận lời ai để cuối cùng lấy anh chàng vừa nghèo khó, lại hay ốm yếu là chồng tôi bây giờ.
Về mọi mặt, anh đều thua kém những người vẫn theo đuổi và ngỏ lời với tôi, nhưng bù lại, rất hiền và có trách nhiệm, chịu khó chăm sóc vợ, con. Trước khi sang đây, tôi mở quán bán hàng nhì nhằng phục vụ bà con trong làng. Chồng tôi bơm, vá, sửa xe máy, nhưng cũng chỉ chữa lặt vặt. Thu nhập của hai vợ chồng không đủ nuôi 2 đứa con ăn, học. Vậy nên khi có nguồn tin cậy giới thiệu, tôi đã chạy vay tiền để sang đây lao động.
Công việc là làm ô-sin cho một gia đình khá giả. Nhưng công việc cũng khá vất vả do nhà này có cả hai bố mẹ già yếu đều đã trên 80 tuổi luôn cần sự trông nom của tôi.
Sau khi nghe tôi kể chuyện, chị có vẻ rất thông cảm. Tôi nhận thấy hình như chị muốn nói với tôi điều gì đó, nhưng có phần ngần ngại. Bỗng chị hỏi:
- Em có 2 con trai, lại mới 29 tuổi, có nghĩ sẽ đẻ thêm không, nếu được đứa con gái sẽ hay biết mấy?
- 2 con đã quá nghèo túng rồi. Vì vậy, em mới phải sang đây, chứ sướng gì phải xa chồng, con, quê hương. Đẻ nữa, lấy gì nuôi hả chị?
- Vậy em không nghĩ rồi cuộc đời sẽ thay đổi sao? Không ai khổ mãi cũng như sướng mãi. Sông có khúc, người có lúc chứ em.
- Em chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.
Sau vài phút đắn đo, chị hỏi tiếp:
- Nếu bây giờ đẻ nữa, em có ngại không? Với điều kiện kiếm được nhiều tiền, kinh tế được cải thiện?
- Ngại thì không, có thêm con là có phúc lớn. Em cũng nghĩ như các cụ xưa, có thể là lạc hậu, nhất lại được đứa con gái thì rất thích. Chị biết không, hồi chưa lấy chồng, em còn ước sau này mình sẽ có thật nhiều con. Nhưng chồng em yếu, em nghĩ khả năng sinh thêm con rất khó.
Với vẻ khá dè dặt nhưng thẳng thắn, chị nói với tôi:
- Chị muốn trao đổi với em một việc nghiêm túc. Rất mong em giúp đỡ anh chị, không từ chối.
Tôi linh cảm thấy có việc gì đó rất hệ trọng.
- Vợ chồng chị lấy nhau khi cả 2 đã ngoài 30 tuổi. Bọn chị không thiếu thứ gì, có điều kiện về tài chính, chỉ thiếu con. Anh chỉ cần một đứa...
Chị nói đến đó, tôi lờ mờ cảm nhận được vấn đề nên rất hồi hộp chờ đợi.
Nhìn vào mắt tôi với cái nhìn vừa như dò xét, vừa như cầu khẩn, chị nói tiếp:
- Chị muốn... chị muốn em sinh cho chồng chị một đứa con. Nó mang dòng máu của anh ấy.