Chàng trai sở hữu hàng trăm máy ảnh khiến ai cũng ghen tỵ
Không chỉ đam mê sưu tập máy ảnh, Lý Khang còn chăm chỉ làm việc kiếm rất nhiều tiền.
Bỏ trống cả phòng khách để xếp 40 thùng đồ, trải hơn 135 miếng thảm, Lý Khang, chàng trai 8x người Thành Đô (Trung Quốc) xếp đầy những máy ảnh cổ mà anh sưu tập được.
Theo Lý Khang, những chiếc máy ảnh là tình nhân của mình, được dành riêng cho việc chụp ảnh chân dung gia đình.
Theo chia sẻ, năm 2007 khi đang học đại học, Lý Khang đã sưu tập chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời. Chiếc máy Minolta XG-M gần như mới nguyên (máy ảnh chụp phim SLR của Nissan sản xuất năm 1981).
Tháng 1/2017, Lý Khang đến Singapore du lịch và lại sưu tập được thêm một chiếc Minolta XG-M nữa. Trong 10 năm, chàng trai này đã sưu tầm được rất nhiều các loại máy ảnh cổ của Nikon, Leica, Rollei, Minolta và các thương hiệu lớn khác, đủ để xếp trong 40 thùng, số lượng lên tới hàng trăm cái.
Chiếc máy cổ nhất mà Lý Khang sưu tập được là chiếc Zeiss Ikon Baldur Box, kiểu hộp vuông sản xuất vào những năm 1934-1936 của Đức, chỉ có 2 màn trập.
Để thỏa mãn đam mê, Lý Khang cũng mua phim chuyên dụng từ nước ngoài về để chụp, anh chàng muốn ghi lại những cảm xúc trong xã hội hiện đại bằng những chiếc máy ảnh cũ kỹ từ những năm 80.
Lý Khang thích sưu tập nhất những chiếc máy từ năm 50 đến năm 70, chúng được làm rất cổ điển, tinh tế, mang theo cả cảm giác vô cùng mạnh mẽ từ thiết kế thời đó, nhưng giá lại không đắt. Chiếc Rollei ống kính đôi này anh yêu thích nhất, cũng là chiếc anh sử dụng nhiều nhất.
Tình trạng máy, giá cả, cơ hội, duyên phận, đó là những gì anh tổng kết trong quá trình sưu tập của mình. Bộ sưu tập hàng trăm chiếc máy ảnh của anh chỉ tốn chưa tới 100.000 nhân dân tệ, anh cho rằng nó thực sự đáng giá hơn thế.
Lần hời nhất là ở Thượng Hải, một ông chủ của hàng máy ảnh đã bán cho anh 3 chiếc Olympus 35EC, Pentax SV, Minolta SRT101, tình trạng máy còn rất mới, chức năng đều tốt chỉ với giá 350 tệ.
“Lúc đó tôi nghĩ ông chủ bị điên rồi nên không cần nói đến câu thứ hai đã mua luôn", Lý Khang nhớ lại và bật cười. Theo anh, một chiếc Leica R3 phiên bản giới hạn đã tiêu tốn của anh vài ngàn tệ, nhưng số lượng máy trên thế giới chỉ có 500 chiếc.
Mỗi lần sưu tập được một chiếc máy ảnh cũ, Lý Khang đều ghi lại hồ sơ, nhật ký chi tiết. Thùng nào đựng máy nào, để ở vị trí nào đều được ghi lại để thuận tiện trong việc tìm kiếm.
"Tôi thực sự biết ơn thời đại này. Trong thời đại của máy ảnh kỹ thuật số dần thay thế cho máy ảnh phim thì tôi mới có cơ hội sưu tầm được nhiều “tình nhân cổ điển” cho mình đến thế", Lý Khang hào hứng chia sẻ. 10 năm sưu tập, anh từng ghé qua rất nhiều tiệm máy ảnh cũ trong nước, các nước châu Âu và châu Á.
Trong tủ lạnh của Lý Khang không có thức ăn, đồ uống nhiều như người khác. Trong đó là hàng trăm cuộn phim anh cẩn thận cất giữ.
"Sự quyến rũ của những chiếc máy ảnh và phim cổ chính là có thể dùng những chiếc máy 2 ống kính từ những năm 50 để cho ra những bức ảnh tinh tế trong thời hiện đại, thực sự nó làm tôi rất xúc động, đó là tinh thần nghệ thuật được truyền lại", Lý Khang cho biết.
Anh thích những nét truyền thống và độc đáo trong ảnh phim, mỗi tấm ảnh anh yêu thích nhất đều được sắp xếp gọn gàng.
Những ống kính cổ Lý Khang sưu tập được đều là kính phóng đại cực tốt, anh cực yêu thích việc sử dụng chúng để thưởng thức những tác phẩm của mình.