Chàng trai khởi nghiệp với ứng dụng giao thông tránh tắc đường

Từng trải qua đủ thứ nghề từ làm công nhân, bán cafe tại các kiot cây xăng, làm marketing, chàng trai trẻ Trần Vinh Quang đang thực hiện ứng dụng giao thông thông minh giải quyết việc di chuyển, tránh tắc đường cho người dân.

Ôm bụng đói nuôi ý tưởng thành hiện thực

Trần Vinh Quang sinh năm 1987 tại Đà Nẵng, anh chàng từng theo học khoa kiến trúc tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Từ những năm tháng còn sinh viên, Quang đã nuôi trong mình một giấc mộng về startup cho riêng mình. “Tất cả bắt đầu từ khi tiếp cận một môn học liên quan đến công nghệ 3D tại trường lúc 2009 và anh nghĩ là anh có thể thay đổi thế giới bằng công nghệ 3D do chính mình tạo ra” – Quang bồi hồi nhớ lại.

Chàng trai khởi nghiệp với ứng dụng giao thông tránh tắc đường - 1

 Trần Vinh Quang trình bày về ứng dụng giao thông của mình

Càng lấn thân sâu vào nghiên cứu về lĩnh vực này, Quang càng nhận ra đây là hướng mà mình muốn đi. Rồi bước ngoặc từ đó chuyển hẳn và anh bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về SmartCity dùng hiển thị 3D để làm thử nghiệm, khi đó Quang vẫn còn là sinh viên kiến trúc.

Có niềm tin với suy nghĩ của mình, khi còn học tại Đà Nẵng, Quang bắt đầu lân la các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của ĐH Đà Nẵng để học hỏi những bước đầu đời, thời gian tại đây không lâu nhưng đã trang bị cho Quang nền tảng kiến thức ban đầu để thực hiện ước mơ của mình. Đến năm 2011 khi tốt nghiệp thì Quang quyết định vào Sài Gòn để khởi nghiệp.

 “Khi bạn ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bạn sẽ chẳng sợ con đường phía trước chông gai. Giấc mơ của tôi lớn hơn nỗi sợ hãi nhiều. Mình luôn lấy câu ngạn ngữ của Viola Davis để tiếp thêm động lực tiến về phía trước” – Quang cho biết thêm.

Bỏ lại những đằng sau những kiến thức về Kiến trúc, hành trang của Quang là 2 bàn tay trắng cùng với niềm tin vững vàng, lúc đó trong túi Quang cũng chỉ có 500 ngàn đồng nên anh quyết định kiếm việc làm thêm, lấy ngắn nuôi dài.

Quang xin vào làm công nhân nhà máy đá, bán cafe trên các kiot tại cây xăng, đi phục vụ nhà hàng, dạy thêm, vẽ kiến trúc, làm marketing cho công ty giải trí… có những lúc thu nhập không đủ, Quang phải ôm bụng đói đi ngủ nhưng không lúc nào Quang nản lòng.

Anh làm đủ mọi nghề để có vốn ban đầu và anh cũng may mắn khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người thân và những người bạn khác. Những điều đó đã giúp Quang có thể tiếp tục giữ được lửa khởi nghiệp.

Đến 2013, Quang cùng cùng với 2 người bạn mở 1 công ty chuyên nghiên cứu khoa học công nghệ. Sau đó, Quang 1 mình 1 balo với số tiền 6 triệu đến Singapore để tìm hiểu về các công nghệ in 3D lúc bấy giờ. Quang ấp ủ về một chiếc máy in 3D tích hợp công nghệ kép độc quyền duy nhất mà lúc bấy giờ, chiếc máy đã hoàn thành đến 70% nhưng do thiếu vốn nên Quang đành phải tạm gác lại.

Quang thừa nhận: “xuất phát từ dân kỹ thuật, mình đã thiếu đi tư duy thị trường, không thành công trong việc kêu gọi vốn nên mình đành tạm gác lại dự án này. Tuy tạm gác lại nhưng quá trình ăn ngủ với nó đã đưa đến cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm và dự án mới”.

Ứng dụng giao thông giúp người dân tránh kẹt xe, tắc đường

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện ứng dụng giao thông, Quang cho biết: "Vào tháng 5 năm ngoái mình cùng mấy người bạn cafe bàn nhau về mấy thiết bị bảo vệ xe máy. Ban đầu, mình phát triển công nghệ để kết nối các vật dụng, thiết bị, lên internet để điều khiển theo dõi cho xe máy, điều khiển xe máy qua web hoặc qua tin nhắn SMS. Nhưng sau đó mình nhận thấy ứng dụng này có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác nên quyết định xây dựng, khởi nghiệp từ ứng dụng giao thông này”.

Chàng trai khởi nghiệp với ứng dụng giao thông tránh tắc đường - 2

  Quang (bên trái) đang hoàn thiện đứa con tinh thần

Quang cho biết, hệ thống giao thông thông minh có nền tảng rất quan trọng từ dữ liệu giao thông, dự án Quang muốn xây dựng hệ thống đó thông qua nền tảng chia sẻ thông tin giao thông theo nhóm để giải quyết các vấn đề kẹt xe, theo dõi thời gian xe bus, các phương tiện vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực, hỗ trợ đi phượt, quản lý vị trí các thành viên trong gia đình…

Ứng dụng sẽ sử dụng thông tin chia sẻ từ người dùng chỉ với tính năng chia sẻ thông tin bằng cách chạm 2 lần lên màn hình. Bên cạnh đó Quang cũng chế tạo một phần cứng riêng để thu thập dữ liệu tích hợp vào hệ thống

Quang chia sẻ: “Nhìn vào màn hình điện thoại là ta thấy được các dữ liệu khác như vị trí kẹt xe, ngập lụt, xe bus hoặc là vị trí bạn đi phượt cùng với mình. Hoặc là public vị trí của mình cho khách cần vận chuyển để kinh doanh dịch vụ vận chuyển người. Ví dụ: Ứng dụng này sẽ giúp người dùng biết được thời gian xe bus đến, giảm thời gian chờ. Hoặc thông báo khu vực đang tắc đường, ngập lụt để tránh”.

Tại ngày hội đầu tư Demo Day 2016 của Sở khoa học Công nghệ Tp HCM, dự án của Quang đã nhận được giải nhất từ ban giám khảo và giải nhì do khán giả bình chọn. Các chuyên gia và Ban giám khảo đã đánh giá những ích lợi thực tiễn mà ứng dụng đem lại trong đời sống hiện tại, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông hiện nay. Những lời nhận xét của Ban giám khảo khiến Quang càng có niềm tin hơn về việc mình đã đi đúng đường.

Chặng đường nào cũng có chông gai, ứng dụng giao thông tiện ích của Quang cũng gặp vô vàn khó khăn, lớn nhất là khó khăn về tiếp cận thị trường và nguồn vốn. Để có thể phát triển hơn nữa ứng dụng, Quang đã tìm đủ mọi cách để kêu gọi vốn, từ việc đi thuyết trình, tìm đến các "nhà đầu tư thiên thần" (chuyên đầu tư khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng) đến tham gia talkshow truyền hình… Quang làm với sự hăng say mãnh liệt nhưng chưa nhận được sự phản hồi từ các đối tác.

Trong thời gian đó, anh cũng tự tay bỏ tiền túi ra để đầu tư toàn bộ hệ thống từ phần mềm tới phần cứng. Tính đến nay, Quang đã đầu tư gần 100 triệu cho dự án, ứng dụng cũng đã thành hình và đã hoạt động ở giai đoạn thử nghiệm.

Tuy đã cố gắng để duy trì nhưng nguồn vốn dự trù mà Quang tính toán căn ke cũng đã sử dụng hết. “Điều ấp ủ của mình là ứng dụng sẽ giải quyết được vấn đề của người dùng khi tham gia giao thông hiện nay, xa hơn là xây dựng được nền tảng hệ thống giao thông thông minh cho thành phố thông minh” – Quang chia sẻ.

Hiện nay, đội ngũ hạt nhân phát triển ứng dụng chỉ có một mình Quang trong khi khối lượng công việc mà anh chàng đang ôm quá nhiều. Vừa giữ dự án ứng dụng giao thông, và chạy một dự án ngắn hạn để có vốn.

Khó khăn là thế nhưng thành công bước đầu của ứng dụng đã giúp Quang có thêm sự tin tưởng về tương lai xa hơn. Hiện nay, Quang cũng đang cần tìm thêm một cộng sự có cùng trăn trở để cùng phát triển ứng dụng tiến xa hơn nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Phạm (Infonet)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN