Chẳng còn biết tin vào ai

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Bố mẹ cháu không thông cảm mà còn nói bóng gió cháu là đứa con gái hư hỏng.

Thưa bác sĩ Lương Cần Liêm, nhà cháu có 3 chị em, cháu là em út. Chị cả và anh thứ hai của cháu đều đã đi làm và khá thành đạt. Đường học của cháu khá vất vả. Nếu chị và anh cháu đều đỗ vào trường đại học danh giá thì cháu phải thi năm thứ hai mới đỗ đại học mà lại là một trường đại học dân lập. Chị và anh cháu tốt nghiệp ra trường là có ngay việc làm với thu nhập cao. Còn cháu đã gần một năm nay không xin được việc. Bố mẹ cháu luôn nói cháu là đứa bất tài. Cháu đã gửi đơn đi xin việc, nhưng toàn bị lừa đảo. Tiền không có, suốt ngày lên facebook và các trang mạng xã hội để “chém gió”. Nhiều lúc cháu thấy chán đời và đã nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi.

Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà một lần cháu lại chat với một người muốn tìm bạn đi chơi ngày lễ. Được hứa trả một khoản tiền lớn và được thoát khỏi cuộc sống đơn điệu. Nhưng lúc đi cháu mới biết mình bị lừa. Để được nhận tiền cháu phải đồng ý tiếp khách (quan hệ tình dục) với hai người đàn ông đáng tuổi bố của mình. Tại một địa điểm cách Hà Nội hơn 70km, cháu gọi điện cầu cứu gia đình thì bố cháu hét lên: “Ngu thì chết, không ai cứu mày được!” Cháu quá thất vọng và tự hỏi tại sao những người thân nhất của mình lại đối xử với mình như thế? Nếu cháu có bị bắt cóc và bị bán đi nước ngoài thì chắc cũng chẳng ai quan tâm!

Trong lúc hoang mang, cháu lao thẳng ra đường lớn và gặp một chiếc xe chạy về hướng Hà Nội. Nhìn điệu bộ hốt hoảng của cháu, người lái xe đã đi được khoảng gần 100m rồi quay lại. Người lái xe xuống hỏi cháu làm sao? Nghe cháu kể câu chuyện trong cơn hốt hoảng, anh bảo cháu lên xe anh chở về Hà Nội. Lúc ở trên xe cháu và anh không nói chuyện gì với nhau. Thỉnh thoảng cháu thấy anh nghe điện thoại công việc. Cháu đoán anh là một doanh nhân. Anh hỏi cháu địa chỉ nhà ở đâu và anh đưa cháu về tận nhà. Lúc cháu vào nhà thì đã gần 23g. Cháu không kịp hỏi tên hay số điện thoại của anh mà chỉ lí nhí cảm ơn. Cả nhà xâu vào mắng nhiếc cháu. Cháu hét lên đập phá tất những gì có thể. Cả nhà cháu bị một phen hết hồn, vì cháu chưa bao giờ như thế.

Mọi chuyện dần nguôi, thì đùng một hôm mẹ cháu gọi điện nói về nhà ngay có người cần gặp. Cháu về thì gặp lại ân nhân – người lái xe đưa cháu về Hà Nội vào cái đêm kinh hãi đó. Anh đến cùng một người phụ nữ mà anh giới thiệu là vợ và chỉ để cháu làm chứng cho việc vào khoảng thời gian đó anh chở cháu từ nơi cháu bị nạn về Hà Nội, chứ không phải “hú hí với mấy em gái chân dài” ở một khách sạn trong khu phố cổ Hà Nội. Vợ anh là một người ghen khủng khiếp. Chị ta nhìn cháu chằm chằm từ đầu đến chân. Rồi nhảy bổ định ăn thua với cháu. Chị ta gào lên gọi cháu là ca-ve cao cấp, rồi nhiếc móc anh chồng giữa những người chẳng hề quen biết. Anh chồng bình tĩnh giải thích nhưng chị vợ cứ bù lu bù loa. Cháu tức quá lao vào bếp cầm con dao lớn ra dọa chém thì chị ta mới sợ chạy vội lên xe. Anh chồng vội vàng xin lỗi cháu và bố mẹ cháu rồi lên xe. Bố mẹ cháu không những không thông cảm cho cháu mà còn nói bóng, nói gió cháu là đứa con gái hư hỏng.

Cháu không hiểu sao mình lại bị đối xử tệ đến thế. Không hiểu sao những người tốt như người đàn ông đã đưa cháu về trong buổi tối cháu bị nạn lại có một người vợ xấu cả người, cả nết như thế? Tại sao bố mẹ cháu không tin cháu? Cháu còn biết tin vào cái gì đây?

Cháu mong nhận được tư vấn của bác sĩ!

H.Minh (HN)

Chẳng còn biết tin vào ai - 1

Khi còn trẻ thơ thì gia đình là nơi để xây dựng niềm tin vô điều kiện (Ảnh minh họa)

“Dâm dục thường” là gì?

Khi còn trẻ thơ thì gia đình là nơi để xây dựng niềm tin vô điều kiện. Hoặc tin nhau theo sự thật của con người vì có tình yêu gia đình; hoặc tin theo một lý tưởng nào đó mà khi thất vọng thì hết tin nhau, rồi thậm chí muốn đánh cho thật đau để hy vọng cái lý tưởng bỗng nhiên thành thật. Trường hợp đầu là cái bình thường nhất. Trường hợp sau là “dâm bình thường” tức là làm đâu thiên hạ để hả giận tâm mình. Nếu yêu nhau với lòng tin người thật sự thì dẫu sao đi nữa, mình vẫn tin nhau, dù là bệnh, dù là bị án tù, dù có tật nguyền, dù thất bại (nhưng cái gì cũng chỉ tương đối thôi).

Hiện nay cháu hết nghĩ gia đình là nơi để tin nhau, còn xã hội là nơi đề phòng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ còn cháu với chính mình. Thế là cháu đã bước vào thế giới người lớn rất hỗn tạp.

Vậy ta phân tích tình hình như sau:

Trường hợp 3 là của gia đình cháu hiện nay: Cháu tin nơi gia đình mà chính cha cháu không thương cháu (mà chỉ thương ông ấy). Cũng là trường hợp của bà vợ ghen vì bà không tin bản thân nên không tin chồng và không tin cháu luôn. Nói gọn lại là những loại người này không tin ai: Bà sợ cháu là chính bà sợ bà, chỉ biết dùng bạo lực như là bằng chứng của sự thật, lấy cái làm đau đớn để thỏa mãn cái nghi vấn của mình… Cái “dâm dục bình thường” rất phổ biến.

Trường hợp 2 là biết bằng cấp của tôi có giá trị, trình độ của tôi có ý nghĩa mà tôi không tin tôi vì lý tưởng của tôi là phải bằng hai anh chị tôi, phải cho ba mẹ tôi hài lòng. Tôi tự đánh giá tôi quá thấp, lộn tánh khiêm tốn với cái mất tự tin. Như thế, lý tưởng thật của tôi bị lý tưởng bên ngoài lôi cuốn, đè bẹp. Tôi tự đặt mình vào thế thất bại: Khi đi phỏng vấn xin việc thì tâm lý tê liệt, nói cà lăm, toát mồ hôi, đến trễ giờ… Tức là cái khách quan bên ngoài có thật mà cái chủ quan bên trong của mình khó chấp nhận được.

Có gì quái gở vậy?

Trường hợp 4 là trường hợp tiếp theo của số 2. Đây gọi là tâm lý thất bại. Cháu đánh giá quá thấp tài lực của cháu – gọi là số xui – rồi cháu trình bày sự việc như thế nào mà người ta thấy không ổn, không thực tế, không phải là cháu. Tức là chủ quan mình thành cái khách quan của bên ngoài.

Trường hợp 1 là đẹp nhất: Cháu là người thật, gặp người thật… dù cháu ngây thơ nên bị lừa… vì quá tin vào cuộc sống trên mạng. Trên đời càng ít trung gian thì càng tốt, càng ít tô màu là càng gần sự thật.

Làm thế nào?

Cháu lấy kinh nghiệm làm mô hình cho sự thành công ngày mai. 1) Cháu không giống hai anh chị vì cháu là út trong nhà. 2) Tôi lấy giả thuyết tâm lý là cháu không được cha mẹ chú ý như hai anh chị. Nếu ông bà chú ý mà thấy cháu “yếu” thì ông bà phải thương thêm, giúp thêm chứ làm sao mà đối xử tệ như thế được. Tức là ông bà chỉ chờ đợi cháu như thế là như thế, tức là mạng cháu đúng với cái tâm lý thầm kín ông bà chờ đợi. 3) Cháu thật tình với người lạ mà không sợ sai lầm thì cháu là người can đảm không sợ sự thật, biết bảo vệ sự thật và dùng sự thật làm thước đo con người. 4) Cháu từ từ học cách phòng thủ để tiến tới chớ không rút lui: Tức là có chiến lược nói những gì để đạt mục tiêu chứ không phải nói hết như trong gia đình để bị “gậy ông đập lưng”. Tôi tưởng cháu là phải nói với người đàn ông đã giúp đưa cháu về Hà Nội trong cái đêm hôm ấy là cháu đi tìm việc làm nhưng bị lừa, hơn là nói cháu không thích làm “chiêu đãi dâm”? 5) Cháu đừng nghĩ lập gia đình là giải quyết cái thiếu thành công hôm nay.

Bác sĩ Liêm

P/S: Đọc thư của cháu, tôi lại nhớ đến kết luận của một nghiên cứu khoa học về tâm lý vừa được công bố tại một hội thảo khoa học quốc tế mới đây ở TP.HCM (khiến các nhà khoa học nước ngoài bất ngờ): Yếu tố gia đình là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tâm lý của người trẻ ở Việt Nam (trong khi ở nước ngoài thì gia đình là nơi trú ẩn và vượt qua các vấn đề tâm lý).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sinh viên Việt Nam
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN