Bài học từ bức thư đáp trả nhà tuyển dụng của SV Việt

Không chỉ ứng viên, mà nhà tuyển dụng đều cho rằng khi đi xin việc, ngoài bằng cấp, vốn sống, kỹ năng mềm, thái độ... cũng là yếu tố quan trọng không kém.

Sau khi tốt nghiệp, cùng hệ đào tạo, nhưng có người vừa nộp hồ sơ đã có công việc tốt. Ngược lại, có ứng viên nộp hàng trăm hồ sơ vẫn ra về tay không.

Khi không kiếm được việc, một số cho rằng mình không may mắn, số khác cho rằng nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm – cái mà họ không có nên không thể đáp ứng. Chàng trai gửi thư cho nhà tuyển dụng vì không được nhận vào làm được lan truyền trên mạng thời gian đây cũng vậy. Anh đổ thừa nhà tuyển dụng vì lý do kinh nghiệm mà không tuyển mình. Anh cũng cho rằng, việc không tuyển mình, là sai sót và yếu kém của nhà tuyển dụng.

Ngay khi lá thư này lan truyền, nhiều bạn trẻ đồng tình với lập luận sinh viên mới ra trường nếu không có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng nên bỏ qua yêu cầu này mà nhận họ vào làm, dạy việc… không nên gạt qua một bên. Song cũng có nhiều độc giả kiên nhẫn chỉ ra từng điểm thiếu sót của ứng viên này, mong anh rút kinh nghiệm trong lần tới.

Dưới đây là những điểm cần lưu ý cho người mới ra trường khi đi tìm việc.

Chú ý kỹ năng soạn thảo văn bản

Bức thư mà chàng trai gửi lại nhà tuyển dụng mắc quá nhiều lỗi sơ đẳng. Là người tìm việc, bạn phải nắm rõ các quy tắc như: đầu dòng phải viết hoa, không được viết tắt, không dùng văn nói... Một bạn đọc nhận xét: "Kết cấu văn bản, văn phạm không có thì làm sao có được một cuộc phỏng vấn tốt".

Biết lắng nghe

Khi nhà tuyển dụng nói bạn không phù hợp, đừng vội bật lại họ mà hãy từ tốn hỏi họ bạn không phù hợp ở điểm nào. Một số nhà tuyển dụng yêu cầu ngoại hình, một số khác yêu cầu kinh nghiệm. Một số khác chỉ cần bằng trung cấp thay cho bằng đại học.... Nếu không, người ta nghĩ bạn thiếu kiên nhẫn.

Tôn trọng người đọc

Dù không biết ai sẽ là người nhận và đọc thư của bạn, nhưng là người trẻ văn minh, bạn không nên có những ý kiến chê bai thế hệ trước... Bạn nên nhớ, khi đã là nhà tuyển dụng, họ không thể không cập nhật tin tức giới trẻ mà không biết năng lực của sinh viên mới ra trường.

Bài học từ bức thư đáp trả nhà tuyển dụng của SV Việt - 1

  Bức thư gửi nhà tuyển dụng.

Nên nhẫn nại

Một ứng viên nôn nóng sẽ không được đánh giá cao trong công việc. Với nhiều nhà tuyển dụng, một người thiếu nhẫn nại sẽ không có giải pháp ổn thỏa nào cho bất kỳ khó khăn mà họ gặp phải trong công việc.

Khiêm tốn

Hiện nay công việc ít, người xin việc nhiều. Ngoài điều kiện chuyên môn, các yếu tố khác cũng quan trọng không kém. Bởi vậy, nhiều bạn dù tốt nghiệp thủ khoa hoặc khá giỏi ở những trường đại học lớn vẫn lao đao khi tìm việc làm, trong khi những bạn có học lực khiêm tốn hơn lại có thể dễ dàng xin được việc. Độc giả tên Nguyên Vũ nhấn mạnh, ngoài kỹ năng mềm, chàng trai cũng cần khiêm tốn, biết người, biết ta. Nếu vậy, xác suất tìm được việc sẽ cao hơn.

Dùng kinh nghiệm sống thuyết phục nhà tuyển dụng

Với sinh viên mới ra trường, hầu hết nhà tuyển dụng đều nắm rõ kinh nghiệm của họ tương đương vối số không nên thường không đòi hỏi hay yêu cầu. Trong một số trường hợp, nếu nhà tuyển dụng nhắc đến cụm từ này, bạn nên ngầm hiểu đó là kinh nghiệm sống.

Đó cũng là chia sẻ của bạn Sơn: “Kinh nghiệm ở đây không hẳn chỉ là kinh nghiệm làm việc mà là kinh nghiệm sống. Người ta muốn các em trong quãng thời gian đi học có những kinh nghiệm thực tế như tham gia các hoạt động xã hội, làm thêm”.

Cẩn trọng với mạng xã hội

Hiện tại, mạng xã hội có chức nang loan tin rất nhanh. Một chia sẻ có thể tới với hàng trăm nghìn người, vì thế, các bạn trẻ cần hết sức cẩn trọng với lời nói. Không chỉ dễ trở thành đối tượng bị chê cười của cộng đồng mạng, bản thân người xin việc có thể bị đưa vào blacklist của các nhà tuyển dụng.

Nếu bạn đang tìm việc thông qua công ty giới thiệu việc làm, hành động này của bạn nhất định sẽ bị công ty nhờ giới thiệu phản ánh và chắc chắc bạn sẽ bị liệt vào 'sổ bìa đen' của công ty môi giới đó. Hoặc nếu công ty bạn vừa ứng tuyển là một công ty có tiếng trong ngành thì họ có thể gửi mail cảnh báo đến các đối tác. Thậm chí cho toàn ngành, nếu họ có diễn đàn chung về thái độ của bạn trong khi phỏng vấn. Cho nên bạn xác định tương lai mờ mịt”, bạn Phúc Nguyên bình luận.

Ứng xử lịch thiệp

Nếu nhà tuyển dụng gửi thư từ chối, bạn nên phúc đáp từ tốn, nhẹ nhàng cùng lời hứa sẽ tự hoàn thiện bản thân. Hành động này không chỉ chứng tỏ thiện chí mà còn tỏ rõ khả năng ứng xử của bạn. Trong rất nhiều trường hợp, điều này sẽ cho bạn cơ hội làm việc với công ty vừa từ chối mình.

Một độc giả cho biết, sau khi phỏng vấn và bị từ chối, anh vẫn lịch sự gửi mail cảm ơn công ty và nói sẽ cố gắng hoàn thiện mình. Hành động ấy đã để lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Bằng chứng là một tháng sau, anh nhận được mail nhân sự mời vào một vị trí mới. Từ mức lương khởi điểm 3,5 triệu, hiện tại, anh đã được hưởng mức 10 triệu. "Đây có thể là một ví dụ nhỏ không phổ biến nhưng văn hóa ứng xử là rất quan trọng, nó đánh giá cả một con người mà trên bằng cấp của bạn không có được”, anh nói thêm.

Tối 24/6, một email đáp trả khi bị nhà tuyển dụng từ chối của sinh viên Việt đã nhanh chóng lan đi.

Nộp đơn ứng tuyển vào vị trí nhân viên vật tư kế toán kho, một sinh viên tự nhận là của đại học Mở đã bị công ty từ chối vì lý do "khả năng chưa phù hợp với yêu cầu công việc".

Ngày 24/6, sinh viên này viết bức thư hồi đáp nhà tuyển dụng với giọng điệu gai góc, khẳng định công ty không nhận mình tức là đã bỏ qua một nhân tài. Lời lẽ tự tin cùng lập luận đanh đá của tân cử nhân nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng

Theo thông tin từ người cung cấp, nhân viên viết thư phản hồi tuyển dụng ở phía công ty là một nhân sự nữ, từng tốt nghiệp đại học Kinh tế, TP. HCM.

Trong email đáp trả, sinh viên này mở đầu: "Xin lỗi chị nhé, tôi thấy vị trí nhân viên kho của công ty chị chả có gì vượt quá khả năng chuyên môn của tôi mà chị bảo là chưa phù hợp với nhu cầu công ty".

Tiếp đó, nhân vật lý giải việc công ty đòi hỏi kinh nghiệm ở một người mới ra trường là hoàn toàn phi lý bởi bản thân người tuyển dụng cũng từng là sinh viên sẽ hiểu được nỗi khổ của người chật vật đi kiếm việc như thế nào.

"Nói thẳng ra thì chị cũng đã từng trải qua cảnh ngộ như chúng tôi. Chị cũng hiểu được những sinh viên mới ra trường đi xin việc vất vả như thế nào. Nhưng tôi nghĩ chương trình học ngày xưa chắc cũng không phức tạp và đòi hỏi sinh viên phải cọ xát như bây giờ nên chị mới bảo tôi khả năng chưa phụ hợp vì thiếu kinh nghiệm"

Ứng viên này thể hiện thái độ tự tin vì được hưởng chế độ giáo dục hiện đại và cho rằng người tuyển dụng chưa chắc đã có trình độ bằng mình vì thuộc "thời đại trước".

"À tôi quên mất chị không còn ngồi trên ghế nhà trường lâu rồi và chắc chị cũng không biết được ngày nay đào tạo bậc đại học hay ngay cả cao đẳng và trung cấp đã thay đổi như thế nào. Chị chỉ là thế hệ trước của thời đại trước, quá khứ thôi chị ạ.

Mà nè chị ơi, tôi không tốt nghiệp ở một trường nổi tiếng như chị nhưng xin chị nhớ cho, đại học Mở bây giờ thế hệ sinh viên mới chưa hẳn là không ăn đứt các trường khác đâu nhé. Những cuộc thi tài năng, nghiên cứu khoa học, sinh viên trong trường tôi đều có giải thưởng nhé và đặc biệt là khoa kế toán kiểm toán của chúng tôi đấy".

Cuối email, sinh viên này khẳng định rằng công ty này từ chối mình nghĩa là đã bỏ qua một người tài và cho dù có được nhận vào làm thì cũng sẽ bỏ việc nếu hiểu rõ định hướng "chỉ tuyển người có kinh nghiệm" ở nơi đây.

"Tôi là một sinh viên mới ra trường, vất vả kiếm việc làm nhưng với một công ty không biết trọng người tài, không biết cách để đào tạo nhưng lại cứ thích hưởng thành quả, thì dù có cơ hội được làm việc tại đây tôi cũng sẽ bỏ công việc đó sớm thôi. Chào chị, chúc công ty chị sớm tuyển được người vừa ý nhé!".

Trước đó, ngày 19/6, công ty M.N đã gửi bức thư từ chối tuyển dụng có nội dung như sau:

"Công ty CP đầu tư Xây lắp điện M.N rất hân hạnh nhận được sự quan tâm và hồ sơ ứng tuyển từ phía anh/chị trong thời gian qua. Tuy nhiên sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của anh/chị , chúng tôi thấy rằng khả năng của anh/chị chưa phù hợp với yêu cầu công việc của chúng tôi lúc này.

Chúng tôi lấy làm tiếc do vị trí tuyển dụng có hạn nên chưa thể hợp tác với anh/chị. Trong tương lai, khi có vị trí khuyết, chúng tôi sẽ cân nhắc để mời anh/chị trao đổi lại".

Lá thư phản hồi táo bạo của chàng sinh viên dành cho nhà tuyển dụng nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều từ dư luận.

"Em này nói đúng lắm, chẳng qua nhiều người không đủ can đảm để viết mail nói thẳng lại như thế thôi. Trăm hay không bằng quen tay, công việc nào thì cũng dăm bữa, nửa tháng là quen thôi mà cần gì kinh nghiệm, hợp hay không hợp. Những công ty khác tuyển người mới vào đều phải đào tạo lại từ A đến Z có sao, miễn là nhân viên cần cù, chịu khó, cầu tiến là được" - thành viên Ba Huy tán thành cách làm của chàng trai.

Minh Tú cũng đồng tình: "Bây giờ ăn thua là tìm đúng người, hợp việc thôi chứ trình độ thì ai cũng như ai, kén cá chọn canh làm gì".

Tuy nhiên, cũng có không ít bình luận cho rằng nhân sự của công ty không tuyển chàng sinh viên này là đúng vì anh ta không giữ được nguyên tắc viết email phản hồi tối thiểu (văn bản gốc không chấm phẩy, viết hoa) là thiếu tôn trọng người đọc. Đồng thời thái độ chê bai người tuyển dụng là người của "thời đại trước" là huênh hoang, thiếu khiêm tốn.

"Bạn này chắc còn chưa đi làm nên chưa va chạm nhiều. Cứ đi làm qua vài ba công việc đi rồi sẽ hiểu thôi. Viết thư phản hồi mà còn không biết quy cách viết cho đúng một bức thư thì chưa đáng để tuyển rồi" - bạn có nickname Tyton Idae nói.

Và cũng có thành viên cho rằng đây là hành động "không ăn được thì đạp đổ". Những người trẻ nên cân nhắc về thái độ của mình trước và sau khi đi xin việc, bởi chỉ cần xem cách đáp trả đối với nhà tuyển dụng trước, đơn vị mới cũng có cái nhìn không tích cực đối với ứng viên.

Ma Kết

Xem thêm các bài viết liên quan:

Chàng trai Việt được Facebook và Goolge tuyển dụng

Tháo gỡ câu hỏi ''hóc búa'' của nhà tuyển dụng

Phỏng vấn “ngược” nhà tuyển dụng

Đối diện nhược điểm với nhà tuyển dụng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Huỳnh (ZING.vn)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN