6 bí quyết cải thiện tâm trạng xuống dốc
Bạn ghen tị với những người cùng trang lứa, họ sinh ra đã được hưởng thụ, còn bạn thì không.
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể bạn sẽ chịu nhiều tổn thương, dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm nghiêm trọng hoặc kiệt sức. Tuy nhiên, không khó để các bạn tìm ra biện pháp đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực, stress.
Hãy xem những vấp ngã như một bài học kinh nghiệm mà mỗi người ai rồi cũng sẽ trải qua (Ảnh minh họa)
Hãy tham khảo 6 cách dưới đây các bạn nhé!
1. Mở lòng với các mối quan hệ
Hãy cười nhiều hơn với những người xung quanh, kết bạn nhiều hơn, mở rộng trái tim, mở rộng tấm lòng, mở rộng sự hiểu biết, cách nhìn nhận với tất cả mọi thứ xung quanh. Điều này rất quan trọng để bạn có thể luôn mỉm cười trong mọi hoàn cảnh.
Đây cũng là cách để bạn học hỏi từ mọi người, cũng như lắng nghe, suy ngẫm về mọi chuyện của bản thân mình.
2. Hài lòng với những gì mình đang có
“Có thể bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”. Bạn ghen tị với những người cùng trang lứa, họ sinh ra đã được hưởng thụ, còn bạn thì không. Bạn ao ước được như họ, thỉnh thoảng bạn thấy chạnh lòng vì cuộc sống ngột ngạt của mình. Bạn bế tắc và không tìm ra lối thoát bởi, bạn có quá nhiều trách nhiệm với những người xung quanh mình: ông bà, bố mẹ, em út... vì họ kì vọng ở bạn quá nhiều.
“Trông lên bạn chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng ai bằng mình”, vậy nên bạn hãy tự tin vì bạn có những người thương yêu ở xung quanh và bạn chính là bạn, không bị trộn lẫn với ai. Hãy học cách hài lòng và tập sống trong cuộc sống mà chính mình sinh ra.
3. Yêu thương thật lòng
“Chúng ta sinh ra trên đời này không phải để tìm thấy một người hoàn hảo để yêu; mà là để học cách yêu thương một người không hoàn hảo, một cách trọn vẹn nhất”. Yêu thương phải dựa trên nền tảng tôn trọng, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Ai cũng sẽ có những lúc mắc lỗi lầm.
Khi bạn mở rộng tấm lòng, sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm ấy, bạn cũng sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng hơn.
4. Đừng lo lắng, mọi chuyện rồi sẽ ổn
Lo lắng không giúp gì cho tương lai của bạn mà chỉ khiến bạn phiền muộn nhiều hơn. Vì thế, không cần phải tự đặt áp lực cho bản thân, không nên tự trách chính mình vì không có được cái này, không có được cái kia.
Hãy xem những vấp ngã như một bài học kinh nghiệm mà mỗi người ai rồi cũng sẽ trải qua. Đừng than thở, đừng tỏ vẻ uể oải mệt nhoài, vì như vậy khiến mọi người xung quanh bạn cũng thấy mệt mỏi hơn, cũng như cuộc sống của bạn sẽ trôi qua một cách vô vị, nhàm chán.
Hãy tập sống với nụ cười, đừng sống trong niềm đau.
5. Tập nhìn ngắm mọi thứ theo hướng tích cực
Cách tốt nhất để thổi bay những mệt nhọc, căng thẳng, đó chính là tập cảm thụ, tập tận hưởng mọi thứ xung quanh đang vận động linh hoạt. Hãy nhìn một em bé, hãy nhìn đường phố tấp nập, nhìn nụ cười trên môi của họ.
Hãy ngắm nhìn bình minh tỏa rạng, tập hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ, trồng và chăm sóc một hạt mầm cho đến khi chúng nảy mầm vươn cao và ra hoa, ra trái... để bạn thấy sự sống là rất đáng trân trọng và cao quý, để bạn nhận ra một điều thật lớn lao rằng, con người cần phải sống trong niềm vui và hy vọng.
6. Bắt đầu một thói quen mới, thói quen tốt
Hãy coi đây là câu khẩu hiệu mới của bạn “Không bao giờ để lỡ hai lần”. Nếu thất bại làm tinh thần bạn suy sụp thì hãy vượt lên mặc cảm ấy, hãy tập trung xây dựng một tính cách mới.
Bạn không mong đợi để thất bại nhưng cần có kế hoạch cho sự thất bại, thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo.
Hãy tập trung xây dựng đặc điểm của một người không bao giờ bỏ lỡ một thói quen tới hai lần. Như vậy mọi việc dù có khó khăn đến đâu thì chỉ cần ý chí vững vàng là có thể thành công và tận hưởng một cuộc sống thật trọn vẹn nhất có thể