4 cách tránh bẫy tin đồn trên mạng

Nhiều chị em hoang mang cả với những thông tin vô lý như nữ sinh dính bầu vì đi bơi.

Sự phát triển của internet và mạng xã hội đã dẫn đến một hệ lụy, đó là khó kiểm soát thông tin trôi nổi trên mạng. Và rất nhiều cư dân mạng đã tin tưởng mù quáng trước những thông tin ảo như Việt Nam đã có người mắc bệnh Ebola, nữ sinh có bầu vì đi bơi...

Diễn giả Huỳnh Minh Thuận - một người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông đã trao đổi với chúng tôi về những hoang tin này. Anh cho rằng, để không bị mê muội trước thông tin ảo, khi tiếp nhận thông tin trên mạng, việc cần làm là phải xác minh nguồn tin đó.

“Khi gặp một thông tin có vẻ lạ, sốc, thương tâm..., cách tốt nhất là bạn hãy lên các trang báo chính thống, các trang tin đáng tin cậy để xem lại thông tin. Nếu đồng loạt các trang này cũng đăng tải thì khả năng thông tin trên chính xác là cao” - anh nhận xét.

4 cách tránh bẫy tin đồn trên mạng - 1

Diễn giả Huỳnh Minh Thuận

Theo diễn giả Huỳnh Minh Thuận, động cơ đưa tin và tính logic của thông tin cũng là những dấu hiệu người sử dụng internet cần phải lưu ý khi tiếp nhận những thông tin trên mạng. Nếu một thông tin lan truyền có lợi rõ ràng cho một bên nào đó thì rất nhiều khả năng thông tin sẽ là không thật.

Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích trong việc phân biệt thông tin thật giả trên mạng.

Theo anh Long, trước hết hãy biết cách nghi ngờ. Để phòng tránh được những thông tin thất thiệt thì, việc đầu tiên cũng là việc đơn giản nhất là đặt lại một khả năng rằng, những thứ mình đang đọc có thể sẽ sai.

Các bạn trẻ nên biết rõ, đặc điểm của mạng xã hội là ai cũng có thể đưa tin, chẳng cần suy xét đúng sai, chẳng bị ai kiểm duyệt, cũng chẳng sợ hậu quả gì.

Mặc dù pháp luật có quy định đủ hết về việc kiểm duyệt thông tin nhưng nhiều người họ chưa ý thức rõ ràng. Người sử dụng internet suy nghĩ rất đơn giản rằng, mạng xã hội là nhật ký cá nhân nên thích viết gì cũng được. Nhận thức như vậy là thiển cận và nguy hiểm.

Muốn biết một thông tin có đúng hay không đúng thì đòi hỏi nhiều kỹ năng rất khó mà không phải ai cũng có. Cho nên, cách tốt nhất là hãy nghi ngờ mọi thứ. Trước khi tin tưởng bất cứ điều gì trên mạng, xác thực thông tin một lần nữa bằng cách tìm kiếm thông tin đó ở google, nếu thấy các báo chính thống, uy tín đưa tin thì khả năng tin đồn nhảm sẽ giảm đi khá nhiều.

4 cách tránh bẫy tin đồn trên mạng - 2

Website “hoax-slayer” của Úc chuyên phân tích những trò lừa trên mạng.

Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải vấn đề trong việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Nhiều trang web, diễn đàn được lập ra để bóc mẽ những tin đồn thất thiệt trên mạng. Tại các website này cũng chỉ dẫn người dùng nên tỉnh táo kiểm soát lại những điểm vô lý của thông tin hay hình ảnh và video trước khi tin tưởng hay phát tán những thông tin đó.

Chúng tôi đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia trong nước và những phương pháp để nhận biết thông tin lừa trên mạng xã hội của một trang web uy tín nước ngoài để đưa ra các cách để nhận biết thông tin ảo trên mạng.

Thứ nhất, hãy kiểm tra lại nguồn phát tán thông tin. Những bức ảnh chụp chưa thể là bằng chứng tin cậy nhất. Năm 2008, những người sử dụng facebook tại Úc vô cùng hoang mang trước tin đồn về loài nhện cắn người gây ra những vết thương hoại tử.

Nhưng sau đó, thông tin được xác minh lại là loài nhện này chưa hề xuất hiện ở Úc và những bức ảnh của những nạn nhân trên thực chất xuất phát từ Mỹ.

Thứ hai, phải có tư duy độc lập, tức là không bao giờ tin tưởng những thông tin được đưa ra từ một nguồn chung chung. Những nguồn tin kiểu như "có người nhà làm bệnh viện", "từ một cán bộ công an"... là những nguồn tin rất mơ hồ và không đáng tin tưởng.

Ví dụ như chuyện bà mẹ nói trên facebook rằng, dịch Ebola đã lan sang Việt Nam, nguồn tin của họ là một bác sĩ trong bệnh viện. Vậy bác sĩ đó là bác sĩ nào? Sao vấn đề quan trọng như vậy các báo đài lại không thông báo và đưa ra các biện pháp phòng tránh? Đó chính là tư duy phản biện giúp cho vấn đề được rõ ràng, minh bạch hơn.

Năm 2000, tại Las Vegas (Mỹ) đã rộ lên một thông tin được lan truyền qua các email về việc một cặp vợ chồng bị bắt giữ ở sân bay với một đứa trẻ bị giết và nhét các chất ma túy trong cơ thể. Tuy nhiên thông tin này đã nhanh chóng bị bác bỏ vì nguồn tin “được một sĩ quan cảnh sát cao cấp đã báo cáo” là rất mơ hồ và tên sân bay xảy ra vụ việc không được nêu ra.

Mỗi cư dân mạng phải có tư duy độc lập, tư duy phản biện suy xét vấn đề một cách cặn kẽ, đặt nó trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau xem nó có hợp lý hay không?

Nếu như thiếu sự độc lập trong tư duy, các cư dân mạng sẽ rất dễ đặt mình vào tình huống “buộc phải tin” số đông. Mà trên thực tế thì số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Thứ ba, hãy để ý đến những chi tiết thiếu logic trong những thông tin. Nhiều thông tin trên mạng thường rất vô căn cứ và thiếu logic nhưng vẫn được nhiều người mù quáng tin tưởng.

4 cách tránh bẫy tin đồn trên mạng - 3

Nữ sinh Hà Nội dính bầu vì... đi bơi

Mới đây nhất là thông tin về việc một nữ sinh Hà Nội mang thai vì... đi bơi ở bể bơi của trường đại học. Ngay lập tức sau đó, các bác sĩ sản khoa đã lên tiếng phản bác lại thông tin thiếu khoa học này. Lý do là vì tinh trùng của nam giới khi phóng ra khỏi cơ thể không thể sống sót trong không khí vài chục giây. Còn trong môi trường nước ở bể bơi, có rất nhiều chất sát trùng nên tinh trùng không thể sống được. Vì thế, thông tin trên chỉ là bịa đặt của một dân mạng nào đó.

Thứ 4, mỗi dân mạng đều nên trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực bởi  tư duy độc lập không phải ai cũng có. Phải có một khối kiến thức nhất định về nhiều lĩnh vực thì mới có thể phân tích, phản biện rằng nó đúng hay sai.

Nhưng, để phân biệt được thông tin nhận được là đúng hay sai, lừa hay thực cũng không yêu cầu cần có sự hiểu biết quá sâu về lĩnh vực đó. Chỉ cần có một chút kiến thức về nó để thẩm định và “nghi ngờ,” rồi nếu muốn chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn.

Trước khi đăng tải một thông tin nào đó trên các trang mạng xã hội, các bạn nên kiểm chứng rõ ràng. Hoặc nếu chưa thể kiểm chứng thì trước khi đăng cần thêm dòng chữ “nguồn tin chưa chắc chắn” để khi các cư dân mạng đọc được họ sẽ tự có ý thức kiểm chứng.

Mỗi bạn trẻ cần phải ý thức được rằng, mạng xã hội không đơn thuần là nơi để “chơi”. Chính bởi sự phát tán rộng rãi của nó, mỗi người nên cẩn trọng và trước hết nên tôn trọng nó trước đi “đổ” vào đó những thông tin thiếu minh bạch.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Kỳ 1:"Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa

Kỳ 2:Vì sao dân mạng dễ bị mắc lừa?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Chi - Thanh Lịch ([Tên nguồn])
Dân mạng Việt rất dễ bị lừa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN