Vụ công an dùng nhục hình: Cần trả hồ sơ điều tra lại

Nhiều hành vi phạm tội chưa được làm rõ, không thể chỉ truy tố tội dùng nhục hình, càng không thể truy tố theo 2 khung hình phạt khác nhau.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án (bắt đầu xét xử từ ngày 26-3), dự kiến chiều nay (3-4), TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên sẽ tuyên án vụ 5 sĩ quan Công an TP Tuy Hòa dùng nhục hình dẫn đến chết người.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Những ngày qua, gia đình người bị hại Ngô Thanh Kiều (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa nguôi phẫn nộ về tội danh cũng như mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đã đề nghị đối với 5 bị cáo.

Bà Ngô Thị Tuyết (chị nạn nhân) cho rằng TAND TP Tuy Hòa chưa làm rõ được toàn bộ những ai đã gây nên các vết thương trên thân thể nạn nhân. “VKSND chỉ buộc tội Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra Công an TP Tuy Hòa ) đánh vào đầu Kiều 2-3 cái, các bị cáo còn lại chỉ đánh vào chân, trong khi khám nghiệm tử thi cho thấy có đến 8 vết thương ở đầu. Chưa kể những vết thương ở vùng bụng, ngực làm tổn thương nội tạng. Gia đình tôi yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại và giám định pháp y ở cấp cao hơn” - bà Tuyết bức xúc.

Với dáng vẻ mệt mỏi, chị Trần Thị Tâm (vợ anh Kiều) băn khoăn: “Tôi không hiểu vì sao dân đánh người thì cho là tội cố ý gây thương tích hoặc giết người, còn công an đánh chết chồng tôi thì chỉ là tội dùng nhục hình(?)”.

Vụ công an dùng nhục hình: Cần trả hồ sơ điều tra lại - 1

Ông Ngô Văn Cộ (cha nạn nhân Ngô Thanh Kiều) thẫn thờ nghe các bị cáo khai thay nhau đánh chết con mình.

Đồng quan điểm, luật sư bào chữa cho bị cáo và luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đều cho rằng trong vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội nên cần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đặc biệt, ông Lê Đức Hoàn (Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa) có dấu hiệu phạm tội “Bắt người trái pháp luật”, “Dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), có quá nhiều hành vi phạm tội chưa được làm sáng tỏ, như: cơ chế vết thương trên đầu nạn nhân không chỉ có dùi cui mà còn vật khác gây nên; các bị cáo đều khai đánh anh Kiều ở tư thế ngồi nhưng lại có nhiều vết thương ở sau mông; tổng số vết thương trên thân thể nạn nhân nhiều hơn so với số lần dùng dùi cui đánh của các bị cáo cộng lại…

Dư luận sẽ phản ứng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Xuân Hải, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, tỏ ra bất bình trước việc vắng nhân chứng. “Hầu hết nhân chứng đều là công an, lẽ ra lãnh đạo công an phải dẫn nhân chứng ra tòa. Mình là người bảo vệ pháp luật thì phải chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, sao tùy tiện như thế được?” - ông Hải nói. Theo ông Hải, truy tố tội “Dùng nhục hình” là đúng nhưng phải xem xét để truy tố thêm tội “Giết người” hoặc “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. “Bỏ người ta nhịn đói từ sáng đến chiều là tội “Dùng nhục hình”. Bên cạnh đó, phải xem xét bị cáo có cố ý đánh vào đầu dẫn đến nạn nhân chết hay không? Nếu cố ý là tội “Giết người”. Ngoài ra, cần truy tố thêm tội “Bắt người trái pháp luật”. Không có lệnh bắt mà ban đêm còng tay người ta đưa đi là vi phạm pháp luật” - ông Hải khẳng định.

Về việc VKSND TP Tuy Hòa đề nghị 4 án tù treo, 1 án từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù, ông Hải cho rằng vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì dẫn đến hậu quả chết người, lẽ ra phải truy tố cả 5 bị cáo cùng một khung hình phạt. “Với tính chất của vụ án này mà án treo là treo làm sao? Theo tôi, cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì hàng loạt hành vi phạm tội chưa được xem xét, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu tuyên án là nguy hiểm, dư luận sẽ phản ứng gay gắt” - ông Hải nhận định.

Một nguyên chánh án TAND tỉnh Phú Yên cũng cho rằng nên xem xét truy tố về tội “Giết người” bởi “đánh ở đây là không vì mục đích gì, không phải là để lấy lời khai, tự nhiên đánh người ta đến chết như vậy là giết người”.

Sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm

Luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho người bị hại) nhìn nhận vụ án này phức tạp vì người bị hại bị công an đánh trong cơ quan công an dẫn đến tử vong. “Tôi nghĩ đến những người đã chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ trước đó. Không biết họ có chết oan hay không nhưng vụ việc sau đó thường rơi vào im lặng. Tôi nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình nạn nhân với mong muốn bằng mọi giá vụ án phải được sáng tỏ để người dân không bị tù oan cũng như chết oan; những người làm sai pháp luật phải bị trừng trị, như thế những người sau mới không dám sai phạm nữa” - luật sư Đôn nói.

Về việc liên tục đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, luật sư Đôn quả quyết: “Tôi không muốn vụ án bỏ lọt tội phạm. Dù biết làm như vậy có thể rất nguy hiểm nhưng vì công lý, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thứ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN