Vợ chồng giám đốc ôm gần 20 tỷ bỏ trốn
Việc vay mượn nợ bằng tiền hoặc tài sản khác có lãi hoặc không có lãi là giao dịch dân sự thông thường, tuy nhiên, vay xong bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay mượn là đã có dấu hiệu hình sự.
Thứ Tư, 01/08/2012 22:13
Những ngày qua, hàng chục người hoang mang, ăn ngủ không yên khi hay tin vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Lâm Thị Kim Anh (ngụ 72B Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 - TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Anh Nhi) sau khi huy động hàng chục tỉ đồng đã rời khỏi Việt Nam sang Pháp sinh sống.
Lợi dụng sự quen biết
Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Anh Nhi được thành lập từ năm 2004, chuyên phân phối các sản phẩm giày dép nhãn hiệu Piere Cardin, mỹ phẩm xuất xứ từ Pháp do bà Kim Anh làm giám đốc và ông Tuấn làm đại diện. Tại thời điểm ăn nên làm ra, công ty phát triển 12 cửa hàng trên toàn TP với lực lượng nhân viên hùng hậu.
Theo các nạn nhân, bà Kim Anh bắt đầu huy động vốn từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và nhân viên từ 6 năm trước, lãi suất từ 2% đến 6%/tháng.
Từng làm việc cho Công ty Anh Nhi 5 năm, chị P.T.T.T (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) cho biết: “Thời gian đầu, bà Kim Anh trả lãi rất sòng phẳng, chính vì vậy mà có bao nhiêu tiền tôi cũng vét cho bà chủ mượn. Dần dần số tiền lên đến gần nửa tỉ đồng. Gần 6 năm nay, không lần nào bà Kim Anh trễ hẹn.
Tuy nhiên, một năm qua, bà Anh có dấu hiệu chậm trệ, đến tháng không trả lãi. Thấy không ổn, tôi bắt đầu lo lắng, đặt vấn đề lấy lại toàn bộ số tiền cho vay nhưng vợ chồng bà Anh không chịu, hẹn đến tháng 6/2012 sẽ trả một lần. Đầu tháng 5 vừa qua, nhiều lần tôi gọi điện thoại đều không liên lạc được” - chị P.T.T.T cay đắng kể lại.
Từng là bạn bè gần 20 năm, do tin tưởng bà Kim Anh, chị N.T.T.T (ngụ quận 1) đã làm cầu nối cho một số người quen hùn hạp làm ăn. Chị N.T.T.T kể: “Khi mấy người bạn của tôi cần thu hồi vốn, bà Anh nói vừa nhập hàng nên hụt vốn. Vì là người bảo lãnh cho bà Anh vay, phải giữ uy tín nên tôi đã đứng ra trả thay số nợ gần 4 tỉ đồng. Bà Anh hứa hẹn sẽ trả lại toàn bộ tiền cho tôi, tuy nhiên, sau khi ký thỏa thuận được một tháng thì gia đình bà Anh đã bỏ sang Pháp vào ngày 1/5”.
Đáng thương nhất là trường hợp của bà N.H.H, người bán trà đá, nước ngọt ở vỉa hè trước cửa hàng giày dép Piere Cardin do bà Kim Anh làm chủ. Sau nhiều lần bà Anh tỉ tê, than vãn chuyện cần tiền nhập hàng và hứa sẽ trả lãi đúng hẹn, bà H. đã vét toàn bộ vốn liếng tích góp cả đời được 30 triệu đồng đưa cho bà Anh. “Thấy bả là chỗ quen biết, lâu nay bả sống cũng được nên tôi cho mượn, đâu ngờ một người nghèo rớt mồng tơi như tôi cũng bị bả quỵt luôn những đồng tiền mồ hôi nước mắt…” - bà H. nghẹn ngào.
Theo thống kê ban đầu, toàn bộ số tiền bà Anh vay mượn của nhiều người nhưng không thanh toán lên đến khoảng 20 tỉ đồng.
Có dấu hiệu hình sự
Nhận thấy các dấu hiệu quỵt nợ từ vợ chồng giám đốc Công ty Anh Nhi, bà T.H (ngụ quận Tân Bình - TPHCM) đã nộp đơn khởi kiện dân sự lên TAND quận 1, yêu cầu bà Kim Anh trả lại 1,8 tỉ đồng đã vay. Tòa án đã có thư triệu tập nhưng bà Kim Anh không đến, trước khi tòa thụ lý hồ sơ của nguyên đơn, gia đình bà Kim Anh đã kịp xuất cảnh.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TPHCM, việc vay mượn nợ bằng tiền hoặc tài sản khác có lãi hoặc không có lãi là giao dịch dân sự thông thường và được quy định bởi Bộ Luật Dân sự. Vay mượn thì phải có nghĩa vụ trả, nếu có lãi thì phải trả lãi và gốc khi đến hạn. Tuy nhiên, vay mượn xong rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay mượn thì đã đổi “chất” của quan hệ này, trở thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo quy định của tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (điều 140 Bộ Luật Hình sự).
Ở đây, việc vay mượn của ông Tuấn và bà Kim Anh là quan hệ dân sự nhưng hiện họ đã bỏ trốn thì đã có dấu hiệu hình sự. Khi nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân, qua xem xét các dấu hiệu tương ứng thỏa mãn cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra.
Trường hợp TAND quận 1 thụ lý vụ kiện dân sự như trên là để giải quyết “tranh chấp nợ”. Thời điểm tòa thụ lý, ông Tuấn và bà Kim Anh chưa rời khỏi Việt Nam nên đây là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết mà bị đơn bỏ trốn thì đã thay đổi quan hệ pháp luật, hành vi đã có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp này, nạn nhân cần thông báo diễn biến vụ việc với tòa án để nơi đây chuyển hồ sơ sang CQĐT truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phải tự bảo vệ mình Theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM, những trường hợp vay mượn tiền theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với số tiền lớn rồi bỏ trốn thì phải bị xử lý hình sự theo pháp luật. Tuy nhiên, khi xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng phải cân nhắc việc đương sự trốn thật sự hay chỉ vắng mặt khỏi địa phương một thời gian… Ngoài ra, khó khăn nhất trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến việc vay, mượn số tiền lớn là việc đánh giá đây là vấn đề dân sự hay có dấu hiệu hình sự, nếu là hình sự phải đáp ứng các yếu tố cấu thành tội phạm. Ông Long cũng khuyến cáo: “Trong những quan hệ dân sự, người tham gia phải có những ràng buộc về mặt pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, trước tình hình nhiều vụ vay tiền rồi ôm nợ bỏ trốn, tốt nhất người dân phải cảnh giác, biết tự bảo vệ mình”. |