Trả hồ sơ vụ 1 bị cáo có 37 luật sư bào chữa
37 luật sư đều cho rằng không đủ cơ sở kết tội, đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo bị oan, trong khi đại diện VKS đề nghị phạt 12-13 năm tù.
Bị cáo Tuyết tại phiên xử ngày 22/12. Ảnh: Đ.HÀ
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 22/12, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Trần Thị Tuyết bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, để điều tra bổ sung nhiều vấn đề. Trước đó, VKSND tỉnh Tiền Giang đề nghị tòa phạt Tuyết 12-13 năm tù. Đây là vụ án gây chú ý của dư luận bởi có đến 37 luật sư (LS) tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo Tuyết.
37 luật sư bào chữa miễn phí
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Tuyết làm thủ quỹ cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ Bảo Định (trước đó tên là Công ty Thiên Long) đến tháng 4-2013 thì xin nghỉ. Công ty đối chiếu sổ sách thì phát hiện bị thất thoát, Tuyết cho rằng phải trả các khoản nợ khi chuyển đổi công ty nên số tiền quỹ bị âm. Khi kiểm quỹ, Tuyết chỉ báo cáo số liệu tồn quỹ tiền mặt thực tế và kiểm đếm tiền mặt, không đối chiếu sổ sách kế toán. Từ đó cáo trạng cáo buộc Tuyết đã chiếm đoạt của Công ty Bảo Định hơn 732 triệu đồng. Tuyết bị bắt tạm giam từ tháng 5/2014, trong khi đang nuôi con nhỏ, chồng thì mất do bị tai nạn giao thông.
Tháng 8/2015, TAND tỉnh xử sơ thẩm lần 1 đã phạt Tuyết 12 năm tù, buộc phải bồi thường 732 triệu đồng cho bị hại. Tuyết kháng cáo kêu oan. Đầu năm 2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm hủy án yêu cầu làm rõ nhiều nội dung…
Trước phiên xử sơ thẩm này, cho rằng Tuyết bị oan nên có đến 60 LS đăng ký bào chữa miễn phí và 37 LS được tòa chấp nhận. Ngày 12/12, tòa bắt đầu mở phiên xử, đến ngày 19/12, HĐXX tuyên bố sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 22/12.
Tại phiên tòa, tất cả LS đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo vô tội và trả tự do tại tòa. Các LS cho rằng bản luận tội của đại diện VKS chưa thuyết phục, chưa chứng minh được hành vi phạm tội của bị cáo. Cụ thể, người tố cáo Tuyết không biết số tiền bị mất là từ nguồn nào, mà chỉ dựa trên kiểm tra chứng từ thu chi của công ty phát hiện bị âm tiền. Công ty Bảo Định hoạt động mỗi năm lãi không quá 135 triệu đồng, trong két sắt của công ty thường xuyên không quá 50 triệu đồng thì không thể có hơn 732 triệu đồng cho bị cáo chiếm đoạt...
Tuy nhiên, phần đối đáp đại diện VKS bảo lưu quan điểm khẳng định bị cáo có tội.
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Sáng 22/12, HĐXX chưa tuyên án ngay theo dự kiến mà quay lại phần xét hỏi vì xét thấy vụ án còn một số tình tiết chưa rõ. Phần tuyên án HĐXX yêu cầu VKS điều tra bổ sung làm rõ nhiều nội dung.
Theo đó, trong giai đoạn bà Vương Mỹ Huệ làm giám đốc công ty (từ ngày 1/7/2010 đến 30/4/2012) xác định bị cáo Tuyết không chiếm đoạt tiền, có kiểm tra sổ sách chứng từ đầy đủ, có đối chiếu sổ sách kế toán, thủ quỹ có biên bản. Khi bà Huệ nghỉ việc bàn giao giám đốc cho bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (từ ngày 1/5/2012 đến 1/6/2013) có lập biên bản bàn giao, trong đó có số dư cuối kỳ là hơn 78 triệu đồng, có chữ ký của kế toán thủ quỹ, có kiểm tra tiền mặt thực tế.
Trong khi bà Mai là người đã tố cáo bị cáo chiếm đoạt tiền của công ty nhưng lời khai của bà Mai có nhiều mâu thuẫn. Lúc thì bà này cho rằng trong giai đoạn bà làm giám đốc bị cáo không chiếm đoạt tiền, lúc thì nói bị cáo chiếm đoạt giai đoạn nào không biết. Còn bà Huệ khẳng định lúc bà làm giám đốc bị cáo không chiếm đoạt tiền. Từ đó HĐXX yêu cầu đối chiếu chứng từ thu chi sổ sách kế toán trong giai đoạn bà Huệ làm giám đốc để xác định xem có phải thực tế số tiền tồn lúc bà Huệ chuyển giao cho bà Mai là hơn 78 triệu đồng hay không?
CQĐT có thiếu sót khi chưa tiến hành đối chiếu chứng từ thu chi trong từng giai đoạn để xác định giai đoạn bà Mai làm giám đốc bị cáo Tuyết có chiếm đoạt, nếu có là bao nhiêu? Thời gian bị cáo chiếm đoạt?
CQĐT căn cứ vào kết luận giám định tài chính để xác định bị cáo Tuyết chiếm đoạt 716 triệu đồng trong sổ quỹ 1, căn cứ vào phiếu thu phiếu chi của công ty. Tuy nhiên, những phiếu thu, phiếu chi này do bà Nguyễn Ngọc Tuyền (kế toán) ký tên thay cho thủ quỹ mà Tuyết không hề hay biết. Tại tòa, kế toán Tuyền cũng đã thừa nhận việc làm này là sai, cần làm rõ.
HĐXX cũng yêu cầu VKS đối chất giữa bị cáo đối với Nguyễn Trần Khánh Linh (kế toán) để xác định ai là người ghi số tiền âm vào sổ quỹ. Tòa yêu cầu xác định rõ việc điều tra viên cho Công ty Bảo Định mượn tập chứng từ để về sao chụp lại có đúng theo trình tự thủ tục tố tụng hay không. Có hay không việc bị cáo khai rằng điều tra viên đưa biên bản hướng dẫn để bị cáo khai theo ý của điều tra viên?
Ngoài ra, theo HĐXX, trong quá trình điều tra nếu có phát hiện những chứng cứ nào mới thì cần làm rõ theo quy định pháp luật. Vì thế cần tiếp tục tạm giam bị cáo Tuyết để phục vụ quá trình điều tra bổ sung.
Tòa không áp giải bị hại Đáng chú ý là trong suốt diễn biến của phiên tòa này và những phiên tòa được mở rồi hoãn nhiều lần trước đó đều không có mặt của đại diện phía bị hại là Công ty Bảo Định để chứng minh thiệt hại. Các LS đã đề nghị HĐXX có biện pháp áp giải phía bị hại đến tòa để đối chứng một số nội dung có liên quan cần làm rõ nhưng không được HĐXX đáp ứng. |
Năm 2017 diễn ra nhiều phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ án hoa hậu Phương Nga, xét xử đại án xảy ra tại...