Tội ác nằm xuống, nỗi đau ở lại
Phải trả giá cho tội ác gây ra nhưng nỗi đau còn lại vẫn đè nặng lên người thân.
Người ta cứ nghĩ sau khi gây hàng loạt tội ác và phải trả giá bằng mạng sống của chính mình, tử tội từ đây sẽ dứt nợ đời, sẽ giũ sạch mọi tội lỗi trong quá khứ nhưng sự thật không hẳn như vậy. Có xuyên suốt nghĩa địa trường bắn Long Bình (quận 9), mới thấy điểm dừng của những trùm buôn lậu ma túy, những tên cướp của giết người không gớm tay kia vẫn còn đó những nỗi đau bằng xương bằng thịt do chính họ gây ra cho người thân, đặc biệt là với đấng sinh thành ra mình.
Trong rất nhiều lần lui tới trường bắn để ghi nhận thời khắc cuối của những tử tội, chúng tôi không ít lần bắt gặp thân nhân của những con người vừa trở thành xác chết vì loạt đạn thi hành án của lực lượng thực thi pháp luật. Cả thảy họ đều sướt mướt bên mồ đất mới tinh với bia đá ghi rõ họ tên, ngày bắt, ngày thi hành án tử cùng tội lỗi của chồng, con hoặc anh chị em của mình. Và thường thì sau đó, người nhà của những tử tội tùy điều kiện mà đa phần sẽ lập mộ, dựng bia cho kẻ nằm dưới 3 tấc đất kia, thay thế cho những tấm bia đá hoặc bia gỗ tạm bợ ghi rõ tội lỗi của người thân mình lúc còn sống!
Chúng tôi đang đứng trước mộ của tử tội Trần Văn Lệ, tự Lệ "mập", một trong những ông trùm trong đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia với tổng số 2.354 bánh hêrôin bị mua bán và tịch thu, do Hải "luận" cầm đầu. Lệ là con buôn ma túy thứ cấp, sau khi lấy hàng của Hải “luận” sẽ bán lại cho những đầu nậu thấp cơ hơn mình. Có lần vì quá mê tiền mà Lệ từ Nghệ An liều mạng mang 11kg hêrôin dạng bột vào Tp HCM bán cho đối tác. Và chính những hành vi xem trời bằng vung ấy mà Lệ đã phải trả giá bằng mạng sống. Sau khi bị bắt giam, đến ngày 7/6/2006 Lệ bị giải ra pháp trường Long Bình để đền tội.
Thời khắc cuối cùng trong cuộc đời của Lệ, chúng tôi có mặt nhưng không biết tử tội bị giải xuống từ chiếc xe chuyên dụng của lực lượng Công an và trói vào cột bắn kia là ông trùm Lệ “mập”. Chỉ đến khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố bản án thì mọi người có mặt tại trường bắn mới rõ đó là ông trùm hêrôin. Điều này cũng dễ hiểu bởi công tác thi hành án tử hình được đảm bảo bí mật đến phút chót, nhằm tránh việc người nhà của tử tù biết chuyện sẽ kéo đến trường bắn gây náo loạn pháp trường.
Quy trình đưa tử tội đến pháp trường có thể tóm tắt như sau: Khi bị tòa án kết tội tử hình, tử tội được ân huệ cuối là làm đơn gửi Chủ tịch nước ân xá, bị bác đơn đồng nghĩa với việc án tử sẽ đến với tử tội rất gần. Khi nhận được thông báo tên tuổi tử tội sẽ phải thi hành án, từ khoảng 2 giờ sáng của ngày thi hành án, tử tội sẽ được cán bộ quản giáo đánh thức để nghe thông báo bác đơn xin ân xá, được cho bữa ăn ân huệ và viết thư cho người thân, sau đó được giải ra pháp trường lúc tờ mờ sáng, nơi đã được đội công binh, cảnh sát làm nhiệm vụ rà soát bom mìn, bảo vệ hiện trường từ tối hôm trước… Sau khi tử tội đền tội, cơ quan chức năng mới thông báo "hung tin" cho gia đình tử tội!
Trở lại thời khắc Trần Văn Lệ bị giải ra pháp trường. Như nhiều tử tội buôn ma túy khác, đã hàng trăm lần gieo rắc, buôn bán cái chết trắng, Lệ chẳng sợ nhưng khi đối diện với cọc bắn, Lệ vãi ra cả quần, người mềm oặt. Sau phát súng ân huệ của người đội trưởng thi hành án, Lệ “mập” được những phu trường bắn cắt dây trói cho xác vào hòm, làm vệ sinh vết thương và đưa đi hạ huyệt. Và cũng như nấm mồ của hàng trăm tử tội ngay khi vừa bị xử bắn, tấm bia gỗ trên mộ Lệ ghi rõ tên tuổi, "thành tích" buôn ả phù dung của Lệ. Ba ngày sau khi Lệ bị thi hành án, chúng tôi trở lại trường bắn thì thấy tấm bia gỗ kia được thay thế bằng bia đá với những dòng chữ ghi rõ họ tên người nằm dưới mộ, năm sinh, năm mất. Cuối tấm bia là dòng chữ "vợ con lập mộ".
Bia đá rợn người của những hung thần tội ác
Như đã nói, đa phần tử tội nằm tại nghĩa địa trường bắn nếu không phải là phường cướp của giết người hẳn sẽ là dân buôn ma túy cộm cán. Và trong hàng trăm ngôi mộ tử tội do người thân lập, mộ phần của Trần Văn Lệ là hiện tượng hiếm hoi được vợ con lập bởi lẽ thường những kẻ buôn ma túy như Lệ thường kéo cả vợ con, anh em tham gia đường dây của mình. Để rồi khi đường dây bị "bể", cả thảy bị liên lụy, nếu không lĩnh án tử thì đối diện với bản án tù chung thân hoặc hàng chục năm tù dài đằng đẵng. Và giữa lúc phải "bóc lịch" trong các trại giam như thế, những anh em, vợ chồng, con cái của tử tội chẳng thể nào xây mộ, lập bia được. Nên chuyện Lệ “mập” được vợ con xây mộ lập bia có thể nói là trường hợp hiếm gặp ở nghĩa địa trường bắn. Điều mà chúng tôi nhận thấy là đại đa số bia mộ của tử tội đều ghi… mẹ lập mộ!
Cách ngôi mộ do vợ của Lệ “mập” lập là mộ phần của tướng cướp Huỳnh Văn Hòa, bị thi hành án vào ngày 8/11/2005. Lúc sinh thời, Hòa là tướng cướp máu lạnh khét tiếng cầm đầu 20 đàn em gây ra nhiều vụ cướp-hiếp-giết kinh hoàng. Theo bản án, khoảng đầu năm 2004, Hòa "kết bạn" với đối tượng côn đồ Dương Thanh Tân (tự Tân “đoản” vàâ rủ nhau sang Campuchia mua súng để làm phương tiện cướp. Sau khi "tậu" được khẩu súng K54 với 9 viên đạn giá 160 USD, bộ đôi này chiêu mộ đàn em và mặc sức gây án. Tính đến khi bị xử bắn, chúng đã gây ra 5 vụ cướp, 2 vụ trộm cắp, 1 vụ lừa đảo dưới hình thức tạo dựng màn kịch giả bị cướp và sát hại 2 người để cướp tiền và xe… Không những thế, Hòa còn tham gia mua bán trái phép chất ma túy và bản thân là con nghiện nặng.
Hòa bị Công an bắt vào tối 5/9/2004 tại Tp HCM và sau đó lần lượt bị các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm tại Tp HCM tuyên án tử hình. Ngày 8/11/2005, Hòa bị giải ra pháp trường. Một tuần lễ sau ngày tử tội Huỳnh Văn Hòa đền tội, người dân quanh khu vực trường bắn Long Bình thấy một bà cụ ăn mặc tả tơi, đội nón lá rách xác xơ lầm lũi ngồi bên mộ Hòa khóc vật vã. "Bà cụ ấy chính là mẹ của thằng Hòa. Thấy bà cụ gầy guộc nức nở bên mộ con, tôi thương quá hỏi thăm, động viên, an ủi cụ. Vài ngày sau ra đây thắp nhang, tôi thấy mộ thằng Hòa đã có bia đàng hoàng, bia ghi: Mẹ lập mộ”.
Đấy là sẻ chia của bà Thắm, nhà ở gần nghĩa địa trường bắn, người nhiều năm qua vẫn lặng lẽ ra nghĩa địa thắp hương cho vong hồn của những tử tội. Bà Thắm tâm sự: Ngày trước, vào mỗi chiều thấy lực lượng Công an đi ngang qua nhà mình đến trường bắn là bà biết sáng mai có tử tội bị lãnh án tử hình. Và những lần như thế, từ mờ sáng, bà Thắm cùng một số người khác đã thủ sẵn bó nhang, chờ lúc tử tội được hạ huyệt thì thắp cho họ với suy nghĩ rằng "nghĩa tử là nghĩa tận, họ phải trả giá bằng mạng sống xem như hết nợ trần gian, nên vong linh cũng cần được hương khói để đỡ tủi thân buồn phận".
Nấm mồ của 2 trùm heroin Trịnh Tiến Hoạt và Nguyễn Thị Hòa (thi hành án ngày 9/5/2008)
Dừng chân trước mộ phần của trùm ma túy khét tiếng một thời Tô Điền Thái Minh (SN 1973, tạm trú tại 140/3A ấp Cây Bàng 2, Thủ Thiêm, quận 2) cùng đồng bọn tiêu thụ hàng trăm tép hêrôin, phân phối cho khoảng 800 con nghiện, khi bị lực lượng Công an truy bắt thì dùng súng bắn trả điên cuồng, bà Thắm trầm giọng: "Bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, tử tù xem như trả hết nợ đời nhưng có một món nợ mà họ không bao giờ trả được, đó là sự hiếu nghĩa. Nhiều tử tội bị giải ra trường bắn tuổi đời còn rất trẻ. Và giữa lúc những người đồng trang lứa và tuổi đời thành đạt trong cuộc sống, ra sức phụng dưỡng mẹ cha để trả ơn những tháng năm song thân dưỡng dục nhọc nhằn thì tụi nó đối mặt với cái chết, như thế thì còn đâu điều kiện để mà báo hiếu".
Bà Thắm chậm rãi rảo bước giữa những vạt cỏ dại um tùm, thi thoảng bà dừng lại, dùng tay vạt cỏ để lộ những tấm bia tử tội được "mẹ lập mộ" rồi khẽ thở dài. Đó là mộ của tử tội Bùi Minh Hải, tên cướp chuyên dùng súng AK cướp của giết người. Cạnh đó là mộ của Nguyễn Văn Cương, người xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trùm buôn ma túy từ Nghệ An vào Tp HCM và Đồng Nai. Tuy tội danh, quê quán, năm sinh khác nhau nhưng 2 tử tội này có cùng điểm chung là "tử" cùng ngày 6/1/2004.
Bà Thắm bật mí ngày 6/1/2004 hôm ấy không chỉ là ngày đền mạng của Hải và Cương mà còn có sự góp mặt của 4 tử tội khác. Lật ngược thời gian, chúng tôi biết được 4 tử tội còn lại gồm Trần Văn Bộ (đồng bọn của Cương), Tạ Kim Tiến (đồng bọn của Hải), Lê Văn Thành (giết bạn đồng tính cướp tài sản) và Trần Văn Cu (cuồng sát, giết chết cha vợ và truy sát, đâm chém anh, chị phía vợ).
Bà Thắm chua chát kể: "Sau án tử của 6 tử tội trên, những ngày sau tôi thấy quanh nấm mồ của họ nào là cha mẹ, anh em, vợ con vật vã khóc lóc. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 6/1 hằng năm, nghĩa địa trường bắn lại đón từ 3-5 người mẹ trong nhóm 6 tử tội này đến thắp hương, làm giỗ cho con. Tôi chưa thấy có bạn bè, chiến hữu nào của những tử tội trên đến khóc, thắp hương, cúng bánh trái, làm cỏ, lập bia cho mộ phần của họ cả".
Đúng như nhận xét của bà Thắm và nhiều người khác, xuyên suốt nghĩa địa trường bắn, chúng tôi nhận thấy chẳng mộ phần nào của các tử tội ghi "bạn lập mộ". Số tử tù được người tình, hoặc vợ lập mộ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nghĩa địa trường bắn, những dòng chữ đỏ "Mẹ lập mộ" là đậm nét nhất. Có những người mẹ do hoàn cảnh nghèo khó mà sau khi con bị thi hành án đến 3 năm mới gom góp đủ tiền dựng bia đá cho con…
Những lần ghé thăm nghĩa địa tử tù trước đó, người viết thi thoảng bắt gặp những người mẹ gầy guộc, cơ hàn ngồi khóc lặng bên mộ con - những nấm mồ tử tội! Mang nặng đẻ đau rồi sớm hôm chăm bẵm, nuôi nấng, không người mẹ nào lại nghĩ có ngày đứa con mà mình yêu thương, nuôi nhiều kỳ vọng trở thành kẻ gieo rắc cái chết trắng hay hung thủ giết người không gớm tay. Và khi đứa con chưa từng có một ngày báo hiếu công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành trở thành người thiên cổ ngay tại nghĩa địa trường bắn với mồ đất loang lổ, chẳng chiến hữu, người tình từng cắt máu ăn thề sống chết có nhau, "có phước cùng hưởng có nạn cùng chịu" đến với chúng. Chỉ có những người mẹ đáng thương với lòng bao dung vô hạn lặng lẽ khóc, lặng lẽ làm mộ lập bia cho con.
"Sinh nó ra, má chỉ ước mong nó lớn lên, sinh sống đàng hoàng như con người ta, chẳng mong nó trả ơn, báo hiếu gì hết. Ai ngờ…! Với người đời, với xã hội và pháp luật, nó là tội đồ, là sát thủ máu lạnh nhưng dù gì nó cũng là con của má" - đó là sẻ chia của mẹ hung thần cướp-hiếp-giết Nguyễn Lời, bị thi hành án vào ngày 13/1/1999.
Dưới 3 tấc đấc nơi nghĩa địa trường bắn, hẳn những lời bộc bạch rút từ ruột gan ấy của những người mẹ sẽ khiến những tử tội với linh hồn đang lẩn khuất đâu đó nhói đau, hối hận vì đã làm đau lòng mẹ. Người viết loạt bài này tin rằng nếu được nhìn thấy trước bi kịch bị đem ra trường bắn và hình ảnh người mẹ già gầy guộc thổn thức bên nấm mồ của mình, hẳn những "cư dân" nghĩa địa tử tù, những đứa con tội lỗi “giỏi” cướp-hiếp- giết, buôn ma túy kia sẽ biết sợ, sẽ chùn tay, sẽ không để ma lực đồng tiền hay thói côn đồ, máu lạnh đưa đường dẫn lối đến với tội ác.