Tội ác không tưởng của sát thủ có biệt danh “người rắn”: Những tháng ngày vào tù ra tội

Charles Sobhraj bị bắt không lâu sau khi các quốc gia y gây án đồng loạt phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, vốn là một kẻ mưu mô, tên giết người hàng loạt lại một lần nữa thoát được việc phải trả giá.

Trong hơn 90 năm hoạt động của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), có 10 vụ án được được xem như "lớn nhất lịch sử". Trong đó, được nhắc tới khá nhiều là tội ác kinh hoàng của một người đàn ông có biệt danh "Sát nhân bikini" hay "Người rắn". Đây là một trong những sát thủ nguy hiểm nhất nhưng cũng nổi tiếng nhất thế giới vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước với hàng chục vụ giết người cướp của tại nhiều nước trên thế giới.

Tội ác không tưởng của sát thủ có biệt danh “người rắn”: Những tháng ngày vào tù ra tội - 1

Sobhraj đọc một bài báo viết về mình khi được trở về Pháp.

Sa lưới

Sau khi trốn thoát trong gang tấc, bộ ba Sobhraj cùng vợ và Ajay tìm cách qua biên giới để sang đất Malaysia. Tại Kuala Lumpur, theo lệnh Sobhraj, Ajay đã nhiều lần đột nhập vào các cửa hàng đá quý để ăn trộm.

Vào ngày cả ba chuẩn bị lên máy bay sang Geneva, Thụy Sĩ, Sobhraj yêu cầu Marie ra sân bay trước còn mình và Ajay sẽ đến sau. Khoảng 2 tiếng sau, họ gặp lại nhau theo đúng kế hoạch, chỉ khác là  Sobhraj đi một mình. Kể từ đó, không một ai biết tung tích về trợ thủ đắc lực của Sobhraj.

Tiêu thụ xong phần lớn số hàng do Ajay trộm được, tháng 7/1976, Sobhraj cùng vợ đi Bombay, Ấn Độ. Tại đây, họ lên kế hoạch xây dựng một “gia đình” mới. Họ dắt về 2 phụ nữ phương Tây bị lạc đường là Mary Ellen và Barbara. Cả 4 cùng lên đường tới Delhi để thực hiện một âm mưu mới.

Nạn nhân đầu tiên của băng nhóm Sobhraj là một thanh niên người Pháp tên Jean Luc Solomon. Vẫn bằng cách pha thuốc ngủ vào rượu để cướp tài sản nhưng do pha quá liều, Solomon ngộ độc chết.

Đến cuối tháng 7/1976, tại New Delhi, "gia đình" Sobhraj lừa một nhóm sinh viên Pháp bằng cách giới thiệu mình là những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Do tin tưởng, nhóm sinh viên này đã nhờ Sobhraj đưa đi thăm thú nhiều nơi. Một buổi chiều, trước bữa ăn tại khách sạn Vikram, Sobhraj đưa cho mỗi sinh viên một viên thuốc, nói là thuốc ngừa bệnh kiết lị vì điều kiện ăn uống ở Ấn Độ không bảo đảm vệ sinh.

Tuy nhiên, có 3 sinh viên chỉ giả bộ uống rồi khi nhìn thấy bạn bè mình lần lượt ôm bụng quằn quại, họ đã xông vào túm chặt lấy Sobhraj, lôi anh ta đến đồn cảnh sát. Khi bị thẩm vấn, hai cô gái người Mỹ nhanh chóng thú nhận âm mưu cướp tài sản của Sobhraj đồng thời khai luôn về vụ đầu độc Jean Luc Solomon.

Kế hoạch hoàn hảo nhằm thoát án tử

Việc hỏi cung hoàn tất, Sobhraj, Marie, Barbara Smith và Mary Ellen Eather bị đưa đến nhà tù Tihar ở New Delhi chờ ngày xét xử.  Sobhraj lĩnh án 12 năm tù giam về tội cướp thay vì phải chịu hình phạt treo cổ bởi những chứng cứ buộc tội anh ta giết Solomon không rõ ràng.

Khi Sobhraj ở tù tại Ấn Độ thì ở Thái Lan, cảnh sát Thái Lan và Đại sứ quán Hà Lan vẫn kiên nhẫn điều tra. Hai năm sau đó, họ đã có đủ bằng chứng về việc băng nhóm Sobhraj giết 2 người Israel và 2 người Hà Lan cùng 1 cô gái Mỹ và 1 thanh niên Pháp.  Theo kế hoạch, Sobhraj sẽ bị dẫn độ về Thái Lan xét xử khi mãn hạn tù ở Ấn Độ.

Điều này đã khiến Sobhraj mất ăn mất ngủ bởi khi về Thái Lan, kẻ giết người hàng loạt phải đối mặt với án tử hình. Tháng 3/1986, khi đã ở tù được 10 năm, Sobhraj tổ chức một bữa tiệc hoành tráng, chiêu đãi toàn bộ lính gác và bạn tù nhưng thức ăn được bỏ thuốc ngủ. Lúc tất cả đã vật vã dưới tác dụng của thuốc, Sobhraj mở cửa nhà giam bước ra.

Hai ngày sau, tên tội phạm cố tình để mình bị bắt trở lại nhằm kéo dài thời gian ở tù vì theo luật Thái Lan, một vụ trọng án sau 20 năm mà vẫn không bắt được thủ phạm thì sẽ hết thời hiệu truy cứu hình sự. Không nằm ngoài dự tính, vụ trốn trại mang lại cho Sobhraj thêm 10 năm tù giam, tổng cộng là 22 năm.

Ngày 17/2/1997, lúc đã 52 tuổi, Sobhraj được trả tự do và được cho phép về Pháp.

Sobhraj sống thoải mái ở ngoại ô Paris với số tài sản khá lớn, là tiền kiếm được từ những lần trả lời phỏng vấn, viết hồi ký và bán bản quyền làm phim. Điều này đã khiến nhiều người, đặc biệt là gia đình các nạn nhân cảm thấy phẫn nộ.

Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, Sobhraj sẽ sống một cuộc sống vui vẻ đến cuối đời nếu không có lần vô tình quay lại Nepal, nơi anh ta đã giết người thanh niên Canada là Laurent Carriere và cô gái người Mỹ Connie Bronzich.

Chính tại nơi này, công lý đã được thực thi.

(Còn nữa...)

------------------------------------

Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo Tội ác không tưởng của sát thủ có biệt danh “người rắn: Trả giá vào 04h00 ngày 22/1/2019.

Tội ác không tưởng của sát thủ có biệt danh “người rắn”: Kẻ giết người hàng loạt

Danh sách nạn nhân của Charles Sohraj tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, dù có giỏi che đậy cỡ nào, danh tính của tên giết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Anh (Theo Vice, Murderpedia) ([Tên nguồn])
Sát thủ có biệt danh "người rắn" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN