Tòa chưa xử xong, bị đơn đã thi hành án

Trong vụ này, điều hi hữu đã xảy ra khi phía bị đơn đã tự nguyện thi hành án xong trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa.

Công ty CP May Sài Gòn 3 ở Thủ Đức, TP.HCM (sau đây gọi là công ty) được cổ phần hóa năm 2001, có 10% vốn nhà nước và nhiều cổ đông khác góp vốn. Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty có bảy thành viên và bà T. được phân công làm tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật.

Ngày 18.10.2004, trong phiên họp thường kỳ, bốn thành viên HĐQT (chiếm đa số) đã biểu quyết và ra nghị quyết bãi nhiệm chức vụ của bà T và đề nghị bổ nhiệm ông H thay thế.

Cho rằng việc làm trên vi phạm nên cuối năm 2014, một cổ đông của công ty là bà C đã khởi kiện bốn thành viên trên (trong đó có ông H) yêu cầu hủy các quyết định về việc thay đổi người đại diện của công ty, bãi nhiệm chức danh của bà T và bổ nhiệm ông H. Nguyên đơn cũng đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Ngày 9.12.2014, tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như nguyên đơn yêu cầu.

Tòa chưa xử xong, bị đơn đã thi hành án - 1

Trụ sở chính của Công ty CP May Sài Gòn 3 tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Ảnh: T.Tùng

Tuy nhiên, để ổn định tình hình hoạt động của công ty và đời sống của gần 3.000 công nhân, phía công ty đã gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ mình.

Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với các ban, ngành chuyên môn và chỉ đạo Sở KH&ĐT hướng dẫn công ty làm thủ tục đăng ký thay đổi tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật như trên. Văn phòng Thành ủy cũng có công văn gửi lãnh đạo TAND TP đề nghị phối hợp xem xét yêu cầu chính đáng của công ty.

Từ đó, ngày 24.3, TAND TP đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trên đồng thời Sở KH&ĐT cũng tiếp nhận và giải quyết yêu cầu về việc đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ngày 4.5, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án. Tại tòa, đại diện VKSND TP cho rằng tòa có hai vi phạm tố tụng là thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện và xác định sai tư cách tố tụng của những người trong vụ án. Tuy nhiên, tòa cho rằng ý kiến của VKS là không có cơ sở và tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của bà C. Phía công ty kháng cáo.

Tiếp đó, ngày 3.7, Sở KH&ĐT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi) cho công ty và công nhận người đại diện theo pháp luật là ông H với chức danh là tổng giám đốc của công ty.

Trên cơ sở này, trong tháng 6.2015, công ty đã tiến hành lại các thủ tục như họp HĐQT và ra quyết định thay đổi bà T bằng ông H, HĐQT ra nghị quyết miễn nhiệm chức vụ với bà T, bổ nhiệm ông H theo đúng pháp luật.

Ngày 15.8, công ty cũng họp đại hội đồng cổ đông thường niên và ban hành nghị quyết của đại hội cổ đông. Những tài liệu này công ty đều cung cấp cho TAND cấp cao tại TP.HCM trước phiên xử phúc thẩm. Theo công ty, tất cả thủ tục mà công ty tiến hành vào cuối năm 2014 và bị nguyên đơn khởi kiện hiện đã được bãi bỏ và không còn giá trị. Hiện nay, công ty đang hoạt động theo giấy đăng ký kinh doanh mới được cấp đúng pháp luật và nghị quyết của đại hội cổ đông mới. Do đó, coi như công ty đã thi hành án xong, đề nghị tòa phúc thẩm đình chỉ xét xử vì đối tượng khởi kiện không còn.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 16.12 vừa qua, tòa đã không xem xét các ý kiến này và tuyên y án sơ thẩm. Dù vậy, trong vụ này, điều hi hữu đã xảy ra khi phía bị đơn đã tự thi hành án xong trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN