Thế giới ngầm ở Malaysia: Những kẻ bán rẻ đồng hương

Sự kiện: Tin pháp luật

Ở Malaysia, ngoài đường dây của H. "nề", còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm đường dây khác lừa thuộc hạ vào các khu công nghiệp có công nhân xuất khẩu, hoặc về nước bày những bẫy rập chiêu tuyển lao động bất hợp pháp. Rất nhiều người đã sống dở chết dở nơi xứ người chỉ vì tin vào lời đường mật của bọn buôn người.

Làn sóng gái nhập cư

Cụm từ lao động bất hợp pháp tại Malaysia có thể hiểu nôm na là những người lao động tự do. Đó là những người bản xứ hoặc người nước ngoài làm việc tại Malaysia không được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng làm việc.

Do ảnh hưởng địa lý và lịch sử, đất nước Malaysia tràn ngập các lao động tự do nước ngoài.

Từ những năm giữa thế kỷ XX, đất nước Malaysia bắt đầu mọc lên các cụm, khu công nghiệp do nước ngoài đầu tư thì lao động phổ thông trở nên khan hiếm. Một số nhà xưởng nhỏ không cạnh tranh nổi, trả lương quá thấp nên không có công nhân và phải đóng cửa. Để cứu các nhà xưởng nội địa này, Chính phủ Malaysia làm ngơ các cửa khẩu để lao động nghèo từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Indonesia tràn sang kiếm việc làm.

Những lao động tự do này được dân Malaysia gọi là "Đề Pơ". Không thể dịch được ngắn gọn và sát nghĩa từ này. Nó bao hàm nghĩa: Lao động nghèo, nhập cảnh bất hợp pháp, trả lương bao nhiêu cũng làm, thuê việc gì cũng làm kể cả phạm pháp, sống cam chịu không phản kháng người trả lương trực tiếp (nhưng sẵn sàng chống đối người chủ trả lương gián tiếp), những ngày lễ tín ngưỡng dứt khoát không làm việc, không biết nói thứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng mẹ đẻ... Với bao nhiêu tính chất đó, các Đề Pơ đã giải quyết được nạn thiếu hụt lao động giúp Chính phủ Malaysia. Và khi bình ổn được lao động cho các nhà xưởng nhỏ thì nạn nhập cư bất hợp pháp trở nên mất kiểm soát.

Cho đến tận bây giờ, làn sóng người Đề Pơ vẫn ồ ạt tràn vào Malaysia. Cảnh sát chặn nơi này, họ tràn vào nơi kia. Khắp đất nước Malaysia, người Đề Pơ nhan nhản. Người Đề Pơ chào nhau bằng câu hỏi thông dụng: "Có giấy tờ chưa?". Câu này hàm ý: Đã mua được passport lậu chưa?

Cũng từ thời điểm các khu công nghiệp mọc dày lên, các băng nhóm xã hội đen từ Hồng Công, Macau, Đài Loan đang hoạt động ngầm ở Singapore bắt đầu tràn sang, bắt tay với những ta cơ kiểu cũ ở Malaysia để đầu tư những loại hình kinh doanh giải trí về đêm, kể cả những loại hình kinh doanh giải trí mờ ảo ban ngày.

Những băng nhóm truyền thống kiểu cũ như Trúc Liên bang, Triều Châu hội, Hồng Hoa hội, Hắc Long, Tam hoàng... bị phân hóa hoặc hiện đại hóa thành các bang hội kiểu mới như Thủy Phong, Hòa Hợp Đào, 14 K... Dù có tên mới nhưng họ vẫn giữ danh tiếng cũ. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng Trúc Liên bang, Tam hoàng, Hắc Long vẫn còn tồn tại. Ví dụ, Hội Tam hoàng ở Malaysia chỉ là chi nhánh của băng 14K ở Macau. Tất nhiên những gã xăm mình chằng chịt mà xưng là băng nhóm này kia chỉ là đồ dởm, mượn uy danh giang hồ hù dọa người khác.

Chỉ một thời gian ngắn, các băng đảng giang hồ gốc Hoa nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ thị phần giải trí của Malaysia. Các thành phố lớn như Penang, Jorho, Kuala Lumpur, Sungai Petani bắt đầu mọc đầy các bar, pub, karaoke có phục vụ gái và ma túy. Chỉ mỗi Salawak là giang hồ gốc Hoa không chiếm làm lãnh địa được. Hầu hết những ta cơ này mang mác thương gia, trú đóng ở Singapore để chỉ đạo các hoạt động ngầm ở Malaysia. Họ có câu slogan cho ngành kinh doanh đen là "cái gì dùng tiền mua không được thì dùng gái" hoặc "dùng tiền mua bán gái, dùng gái mua bán quan chức, dùng quan chức mua bán ma túy, dùng ma túy mua bán quả đất…".

Thế giới ngầm ở Malaysia: Những kẻ bán rẻ đồng hương - 1

Những cô gái Việt bị cảnh sát tạm giữ tại một hộp đêm vì không có hộ chiếu (do má mì giữ giấy).

Họ dùng gái lẫn tiền mua được một số cảnh sát xấu để thống lĩnh thế giới ngầm ở Malaysia.

Lúc đầu hầu hết các tụ điểm giải trí đen chỉ có các cô "gái hư" thuộc sắc dân Myanmar phục vụ. Làn da socola và sự ngoan ngoãn thật thà của các cô gái này rất được khách làng chơi ưa chuộng. Tuy nhiên, cả hai tính chất đó đều nguy hiểm đối với các chủ chứa. Mỗi khi cảnh sát truy quét, làn da socola đã tố cáo các tiếp viên thuộc dân Đề Pơ. Còn tính thật thà ngoan ngoãn của các cô luôn được các cảnh sát điều tra khai thác triệt để.

Thế giới ngầm ở Malaysia cần có các cô "gái hư" lẳng lơ khi tiếp khách nhưng biết tạo dáng quý bà du lịch khi gặp cảnh sát: Biết nói nhiều thứ tiếng nhưng chịu chơi hết mình; xinh đẹp nhưng chấp nhận môi trường "lao động" nhiều rủi ro.

Những ta cơ Singapore phát hiện những cô "gái hư" người Việt đầy đủ tố chất họ cần.

Từ năm 1990, các ta cơ xua ma cô thuộc hạ từ Singapore bay sang TP HCM chiêu dụ "gái hư". Chỉ cần các cô gái gật đầu đồng ý là đầu nậu đặt cọc trước một khoản tiền, bao thủ tục làm passport, bao vé máy bay sang Singapore "nằm vùng". Từ điểm "nằm vùng" ở Singapore họ đưa những "gái hư" này sang Malaysia làm "nhiệm vụ" một tháng rồi trở về Singapore "nằm vùng" chờ chuyển kế tiếp.

Chỉ một thời gian ngắn, "gái hư" Việt Nam chiếm lĩnh thị trường giải trí về đêm ở Malaysia. Hầu hết những tụ điểm ăn chơi nửa đêm về sáng có "gái hư" Việt phục vụ đều rất đông khách.

Nhận ra nguồn lợi nhuận khủng từ việc kinh doanh thân xác "gái hư" Việt, nhưng các ta cơ vẫn rụt rè. Họ không dám "nhập khẩu" gái Việt Nam thẳng vào Malaysia mà cứ đi đường vòng Việt - Sing - Mã. Trong khi đó, các ông chủ hộp đêm Malaysia cứ luôn hối thúc các ta cơ tuyển thêm nhiều "gái hư" Việt.

Các ta cơ không kịp đáp ứng đơn hàng, đành đề nghị các cô gái Việt lứa đầu về quê "tuyển hàng" với mức thù lao rất hấp dẫn: 20.000RM/ 1 đầu "gái cũ" gồm chi phí làm pasport, tiền xe, máy bay (20.000 RM tương đương 130 triệu VND). Gái cũ là gái đã từng hành nghề mại dâm. "Gái còn tem" được bán giá cao gấp đôi "gái cũ". "Gái mới" tức là gái đã mất "tem" có giá 30.000RM.

Kể từ đó, mỗi khi về Việt Nam, các cô gái lứa đầu đã lôi kéo những cô "gái hư" cùng xóm, cùng quê sang Malaysia "kiếm việc làm". Những cô "gái hư" lứa đầu ở Malaysia đã thật sự trở thành những má mì - mắt xích cuối của đường dây buôn người xuyên biên giới. Một số đàn ông Việt thấy việc tuyển gái Việt sang Malaysia ngon ăn cũng đứng ra lập đường dây tuyển gái.

Thế giới ngầm ở Malaysia: Những kẻ bán rẻ đồng hương - 2

Phóng viên tiếp xúc với một nhóm cò chuyên dụ gái tại khu vực Bukit Bingtang, Kuala Lumpur.

Con đường vào nhà thổ

Những má mì, ba mì chuyên nghiệp thành lập hẳn những đường dây buôn người khép kín.

Hàng ngày, chúng cho thuộc hạ lân la vào các khu ký túc xá của nữ công nhân xuất khẩu lao động dụ dỗ trốn ra ngoài làm việc "lành mạnh" với mức lương hấp dẫn. Chúng sẵn sàng trả 500RM cho những ai rủ rê được 1 nữ công nhân xuất khẩu lao động trốn ra ngoài chấp nhận làm việc cho chúng.

Ở Việt Nam nhiều cô "gái hư quá đát" đã bị các tụ điểm ăn chơi ở Việt Nam thải hồi ra vỉa hè hoặc dạt về các điểm cà phê đèn mờ ở vùng quê, sau khi đi Malaysia một chuyến trở về rủng rẻng tiền đã thu hút sự chú ý của nhiều cô "gái hư" khác. Họ lũ lượt bay sang Malaysia theo lời mời mọc của các cô "gái hư" đi trước và vô tình rơi vào những chiếc rọ địa ngục đã bày sẵn.

Những kẻ đi săn gái thường đưa ra những lời mời gọi có cánh như: "Lao động chui ở Malaysia rất lành mạnh nhưng thu nhập hàng tháng từ 6.000 - 30.000RM". Với gái nhà lành, chúng thường giới thiệu  những việc làm như: đứng chào hàng ở cửa hàng bán điện thoại, làm nhân viên móng hoặc làm tiếp viên nhà hàng. Khi hỏi sâu vào công việc chúng ra vẻ nghiêm túc đưa ra lời khuyên: "Chỉ bưng bê cho khách đến quán thôi chứ tuyệt nhiên từ chối mại dâm nếu có ai gợi ý. Mình không bán dâm thì không ai dám đụng chạm đến mình". Với những thủ đoạn đó, nhiều nạn nhân dính bẫy.

Chúng còn đưa ra điều kiện rất hấp dẫn như: "Không cần bỏ một đồng chi phí làm thủ tục, vé máy bay. Chủ bao hết".

Khi nạn nhân gật đầu đồng ý theo chúng sang Malaysia, một nhân vật khác của đường dây "đen" xuất hiện hướng dẫn và lo chi phí cho nạn nhân làm thủ tục xin hộ chiếu rồi hẹn ngày xuất phát.

Nạn nhân cũng không tốn tiền mua vé tàu, xe. Đến ngày xuất phát, nạn nhân chỉ cần xách vali đến điểm tập kết để được một nhân vật khác đưa sang Malaysia bằng đường bộ hoặc đường hàng không.

Khi đến Malaysia, nạn nhân sẽ được đưa thẳng đến một căn hộ "rọng đào" nào đó. Nếu nạn nhân đi đường bộ sẽ được đưa đến căn hộ của H. "nề" ở Penang, Tr. "chó" ở Johua (giáp giới Singapore). Nếu nạn nhân đi đường hàng không sẽ được "chào đón" tại căn hộ ở Jalan Pekasa (Kuala Lumpur) của "Má Ng." hoặc Th. "lùn", L. "xù" ở Jalan Bukit Bingtang (Kuala Lumpur)... Có hàng chục điểm tiếp nhận như thế tại Malaysia.

Đến lúc đó, các nạn nhân "nai tơ" vẫn chưa biết bình đã trở thành một món hàng.

Sau khi tiếp nhận đào, gã quản lý vẫn ngọt ngào thăm hỏi và khuyến khích nạn nhân vay một số tiền để gửi về Việt Nam cho gia đình trả nợ và mua sắm quần áo. Mức lãi được ấn định là 20%/ tháng.

Sau khi chi khoản vay, gã quản lý chìa cho nạn nhân một tờ giấy nhận nợ bao gồm chi phí làm thủ tục hộ chiếu, chi phí vé tàu xe, chi phí linh tinh, tiền nhà trọ đóng đầu tháng 100RM, tiền ăn đóng đầu tháng 300RM, tiền vay và cộng lãi các khoản đầu tháng. Người cẩn thận nhất cũng sẽ dính món nợ hơn 30 triệu đồng. Chúng thu hộ chiếu gọi là thế chấp tiền vay.

Chiếc thòng lọng đã tròng vào đầu nạn nhân nhưng chưa xiết chặt.

Hàng ngày, gã quản lý ra vẻ như tích cực tìm việc làm cho nạn nhân. Nhưng cứ đến tối, gã lại than với nạn nhân: "Những việc làm tốt đã hết chỗ, chỉ còn những nhà hàng tuyển tiếp viên thôi". Mỗi lần than, gã lại nhắc về khoản nợ. Những nạn nhân không chịu đi làm tiếp viên quán bia thì cứ nằm dài ở nhà “rọng đào” hết ngày này sang ngày khác.

Một số nạn nhân không chịu được cảnh nằm không đành đi làm tiếp viên "sạch". Nhưng chỉ "sạch" được một thời gian ngắn. Vì thu nhập của tiếp viên "sạch" chỉ ở tầm 900RM/  tháng. Chúng tìm đủ cách để chiêu dụ nạn nhân như rủ rê đi chơi bời, dụ dỗ dùng ma túy. Đến cuối tháng, khoản nợ cũ không được trả sẽ bị cộng vào vốn. Sau 3 tháng vẫn kiên trì làm tiếp viên “sạch”, số nợ chắc chắn sẽ đội lên con số hơn 10.000RM. Và đó là hạn chót để trả nợ.

Những cô gái kiên quyết không chịu đi làm tiếp viên, đến tháng thứ 3, chúng sẽ đánh đập buộc nạn nhân gọi điện về quê kiếm tiền chuộc với giá lãi ngất trời.

Những cô gái làm tiếp viên "sạch" vẫn còn nợ, chúng sẽ cho "chủ nợ" (thực chất là thuộc hạ của má mì) vào tận phòng đánh đập để đòi nợ. Sau trận đòn, bọn ma cô bắt đầu thủ thỉ về chuyện bán dâm.

Chỉ cần nạn nhân gật đầu, bọn chúng sẽ thiết lập một nhóm để rao hàng. Với những cô gái mới vào nghề, chúng không cho đi "dù nhanh" mà để dành bán cho những khách hàng "but king" (booking: đặt hàng sẵn).

Giá một chuyến "but king" dài 1 tuần lễ từ 3.000 USD đến 5.000 USD dành cho đào "còn tem". Những đào mới không "còn tem", giá từ 1.200USD - 2.000 USD, tùy theo nhan sắc của đào. Mỗi chuyến "but king", đào chỉ hưởng được 60% tiền bán dâm.

Sau khi khách hàng đã quen mặt, đào mới trở thành đào cũ không còn khách "but king" nữa thì được má mì chuyển giao cho các nhà thổ. Mỗi đào được chuyển giao, má mì nhận được 1.000 RM…

Để thoát những đường dây đó, cách duy nhất của đào là trốn về nước bằng những đường dây "đen" (vì hộ chiếu đã bị các má mì giữ). Cách thứ hai là trả hết các khoản nợ và một khoản tiền tự chuộc mình.

Để thoát được những đường dây "đen" trở thành đào tự do, các nạn nhân phải vắt kiệt sức mình để kiếm tiền.

Con đường thành “bà trùm bất đắc dĩ“ ở thế giới ngầm

Người con gái là “bà chúa” một thời về thói ăn chơi không biết sợ, đến một ngày chợt ngộ ra và thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nông Huyền Sơn (An ninh thế giới)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN