Thâm nhập 'ổ' ăn chặn lao động nghèo

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của phần lớn người lao động ngoại tỉnh, khi chân ướt chân ráo lên thành phố, giới “xe ôm” tại các bến bãi ở TP. HCM đã móc nối với những tay “cò” lao động để trục lợi, đẩy số phận của rất nhiều người vào cảnh giữa đường tiến thoái lưỡng nan.

Đó là hiện tượng khá phổ biến tại các bến xe trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Không chỉ dừng lại ở việc lừa lấy tiền môi giới, chúng còn tìm cách thu giữ giấy tờ tùy thân để bắt người lao động làm việc cho chúng với đồng lương rẻ mạt.

Nhận mặt cò lao động kiểu “cướp ngày”

Để vạch trần thủ đoạn bịp bợm, chúng tôi quyết định hóa thân làm lao động ngoại tỉnh, thâm nhập một bến bãi lâu nay được xem nhức nhối về vấn nạn này. Trong bộ quần áo nhếch nhác mượn từ anh bạn công nhân, khuôn mặt thiểu não của người “khát việc”, chúng tôi tiếp cận nhóm xe ôm được xem là cò lao động đang lởn vởn tại Bến xe An Sương (ngã tư An Sương, QL. 22, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. HCM). Sau nhiều ngày điều tra, theo dấu của những tay cò này, chúng tôi hình dung được quy trình lừa đảo lao động ở các bến bãi xe tại TP. HCM của bọn chúng.

Thâm nhập 'ổ' ăn chặn lao động nghèo - 1

Quán cà phê - nơi phóng viên gặp “cò” lừa đảo. (Ảnh: Hùng Hoá).

Chúng tôi vừa xuất hiện xen lẫn khách thập phương trong khu vực bến xe được một lúc thì lọt vào tầm ngắm của những “bác xe ôm nhiệt tình”. “Em đi tìm việc làm hả? Có gì để anh bắt mối cho”, một gã đàn ông trung niên trong bộ dạng xe ôm nhiệt tình hỏi. Tôi cũng “xổ” luôn một tràng “tâm sự đẫm nước mắt” đã chuẩn bị trước: “Dạ vâng, em ở Hà Tĩnh, ở quê thất nghiệp, nghe bạn bè mách ở Bình Dương nhiều việc làm nên tìm vào đây. Nhưng vào một tuần rồi, đi xin việc khắp nơi mà không ai nhận, nơi đâu cũng bảo đang dư lao động. Sốt ruột, nhờ một người chỉ đường, em vội tìm lên đây mong có cơ hội”. Nghe vậy, tay xe ôm giở ngay chiêu bài cũ, với những lời dẫn dắt không thể thuyết phục hơn: “Ôi dào, thời buổi kinh tế khó khăn, lao động thừa thãi, thất nghiệp nhan nhản, không khôn thì có mà chết đói giữa đường”.

Sau khi tôi gật đầu “nhờ cậy” tỏ ý nhờ cậy, tay xe ôm nhiệt tình đồng ý “làm phước” người lỡ đường với một điều kiện: phải trả 100 ngàn tiền xe ôm, gã sẽ chở tới nơi và nhận việc ngay. Theo như lời quảng cáo hoa mỹ, gã bảo nơi ấy thu nhập khá cao, công việc đơn giản. Thấy chúng tôi lưỡng lự, gã tiếp lời trấn an: “Bây giờ bọn em không có giấy tờ ai mà nhận, anh chở tới chỗ quen biết chỉ cần nói mấy câu may ra người ta cho làm. Cùng cảnh lao động với nhau anh giúp là chính, em có lòng thì cho anh ít đồng tiền xăng thôi”. Tôi vờ gật đầu bước lên xe ngồi phía sau, chờ những “chiêu” gã xe ôm sắp dở.

Biết chúng tôi đã “vào tròng”, gã bắt đầu hành trình “bổn cũ soạn lại”, chạy vòng vèo các ngã đường thuộc quận Tân Phú, Tân Bình. Ngồi sau gã tiếp tục “quảng cáo” về hành động “nhân nghĩa”: “Làm xe ôm mười mấy năm ở đây, tôi từng đưa đường cho biết bao nhiêu người có công ăn việc làm ổn định mà không nhận lại bất cứ sự báo đáp nào”. Tôi ngồi sau vờ tỏ ra cảm phục trong vai “con nai” ngơ ngác trước gã “thợ săn” lành nghề.

Đưa chúng tôi đến đường 3 Tháng 2 (Q.10), gặp một người lái xe ôm có bộ dạng bặm trợn. Sau khi “mọi” được 100 nghìn, gã liền “bàn giao” tôi với người này và cam đoan sẽ đưa chúng tôi tới chỗ làm, xong thì rồ ga vọt mất dạng. Tiếp tục lên xe, tay này không hề chở chúng tôi tới nơi làm mà hắn tiếp tục “bán” lại cho một tay cò khác với giá 150 ngàn, cũng với chiêu trò tương tự. Tay cò này tiếp tục đưa tôi tới một quán cà phê trên đường 3 tháng 2 (Q. 11). Tại đây có một người đã đợi sẵn, người này tự nhận là nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm và đưa một bảng “me-nu” với danh sách những công việc để tôi lựa chọn: Làm cà phê ở Tây Nguyên, làm nước đá ở Q. Hóc Môn, phục vụ nhà hàng… trên địa bàn thành phố. Nếu tôi chịu đi làm người này sẽ trả cho gã xe ôm 200 ngàn, bao gồm tiền điện thoại, xe…số tiền sẽ trừ vào lương sau này khi đi làm.

Thủ đoạn bóc lột trắng trợn

Tay “môi giới việc làm” thủ thỉ: “Bọn em cứ chịu khó đi làm, đây là cơ hội đổi đời, làm nửa tháng, một tháng thấy không thích thì nghỉ, chứ ai bắt bó buộc đâu”. Chúng tôi đưa ra những lý lẽ thắc mắc hòng bắt bẻ, gã xe ôm tiếp tục “xuống nước”: “Em chịu khó đi làm đi, bọn anh đã hứa với người ta rồi, giờ không đi biết ăn nói sao đây”. Gã “nhân viên giới thiệu việc làm” tiếp tục đưa ra quy định, khi đồng ý đi làm thì điện thoại, giấy tờ tùy thân, hành lý, tiền bạc… của tôi sẽ bị tịch thu xem như vật thế chấp.

Thâm nhập 'ổ' ăn chặn lao động nghèo - 2

Danh thiếp của một “cò” lao động.

Sau đó tôi mới hiểu, thực ra đây chính là thủ đoạn chặn đường thoát thân của người lao động. Buộc họ phải phụ thuộc và trở thành “nô lệ” cho các cơ sở lao động bất hợp pháp. Việc môi giới việc làm là mơ hồ, không minh bạch. Nhận thấy việc có thể bị dẫn đi bất cứ đâu và bị cắt đứt liên lạc nguy hiểm đến tính mạng, tôi cố gắng tìm lý do tìm đường “thoát” thì lúc này tay “nhân viên môi giới” lộ rõ chân tướng của kẻ lừa đảo. Hắn văng tục, chửi rủa, cuối cùng giữa chúng tôi và hắn đã xảy ra xô xát. Sau đó, tên xe ôm bắt chúng tôi phải phải bồi thường 300 ngàn mới thả cho đi. Sau hồi cự cãi biết khó lòng thoát khỏi vòng vây của hai tay cò bặm trợn, chúng tôi đành bấm bụng trả tiền cho gã kia để thoát thân.

Mặc dù chủ động nhập vai để điều tra nhưng chúng tôi cũng “trầy da, tróc vảy” nên cũng không khó hình dung số phận của những người lao động từ quê chân ướt chân ráo lên thành phố tìm việc. Theo điều tra của phóng viên, phần lớn những “con mồi” sau khi bị “sập bẫy” của bọn lừa đảo đều phải nhận lấy những kết cục hết sức chua chát. Ngoài việc phải lao động một cách vất vả với đồng lương ít ỏi họ còn phải gánh chịu một khoản “nợ phí xin việc” lớn hơn rất nhiều lần. Hơn nữa cuộc sống của họ gần như bị cô lập hoàn toàn khi chấp nhận bị giao việc. Nếu muốn được giải thoát người lao động phải có đủ số tiền bồi thường khi phá vỡ “hợp đồng”.

Từng là nạn nhân sa chân vào “động cò”, anh Nguyễn Văn Phong (35 tuổi, Bến Tre) kể: ba tháng trước anh từ quê lên xin việc thì được một tài xế xe ôm ở Bến xe An Sương dẫn đi tìm việc với tổng “phí tìm việc” hết 500 ngàn. Sau khi ngây thơ tin vào những lời “có cánh”, anh được một đường dây đưa thẳng lên Đăk Lăk làm cà phê. Công việc hết sức vất vả, ăn uống lại thiếu thốn, vì sức khỏe yếu anh muốn xin nghỉ nhưng chủ không đồng ý. Người chủ này bảo rằng, họ đã mua anh qua những tay cò với giá rất cao, nên buộc anh muốn “thoái lui” thì hãy gắng làm để trừ dần, khi nào hết nợ mới được về. Làm mãi không hết nợ, cuối cùng anh phải tìm cách gọi gia đình lên chuộc, khi kê ra, tính cả phí đi lại, ăn uống trong vòng nửa tháng của anh hết 3 triệu đồng”. Anh còn cho biết thêm, cùng đợt đi với mình còn có 5 người nữa, họ đều có gia cảnh nghèo khó nên phải cam tâm làm trả nợ chứ không may mắn được giải thoát như mình.

Tất cả những người lao động khi đã dính vào mánh lới của bọn lừa đảo đều phải gánh chịu những mất mát nghiêm trọng. Phần lớn họ là những người nghèo khổ, thiếu hiểu biết nên dễ bị vướng vào những bản hợp đồng “ma”. Muốn được thoát thân gia đình nạn nhân phải trả đủ số tiền quy định của bọn lừa đảo. Hiện nay, tại các bến xe khách trên địa bàn TP. HCM, cò lao động đã trở thành vấn nạn rất phổ biến. Đặc biệt trong những ngày đầu hè sắp tới, nguồn lao động là những thanh niên nghỉ học ngoại tỉnh đổ về rất nhiều, đó là “món mồi” hấp dẫn cho những tay cò lao động lừa đảo thường nhắm tới.

Tại các bến xe An Sương, Bến xe Miền Tây, Bến xe Ngã Tư Ga… có không ít cò môi giới lao động đội lốt xe ôm hoạt động lừa đảo. Chúng có những chân rết được tổ chức tinh vi và chuyên nghiệp. Vì thế, để bảo vệ chính mình người ngoại tỉnh khi vào các bến xe nên hết sức đề cao cảnh giác. Tuyệt đối không tin vào bất cứ lời giới thiệu xin việc nào, ngoại trừ các trung tâm giới thiệu việc làm có hoạt động giấy phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hùng Hóa (Gia đình và xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN