Tên cướp có khả năng "xuất quỷ nhập thần"?!
Cái gọi là "xuất quỷ nhập thần" của y là việc tìm nơi trú ẩn và khả năng thoát thân kỳ lạ.
Cho đến nay, có một ẩn số chưa có lời giải, là vì sao băng cướp của Bạch Văn Chanh lại "bỏ" ải Chi Lăng, Quỷ Môn Quan, địa bàn gây án quen thuộc để chặn đường cướp xe ở Hữu Lũng và xảy ra cuộc đấu súng sinh tử.
Không ai có thể ngờ rằng, sau cuộc chạm trán này, Bạch Văn Chanh lại còn ghê gớm, manh động hơn. Cái gọi là khả năng "xuất quỷ nhập thần" của y, ngoài việc tìm nơi trú ẩn thì quá trình thoát thân kỳ lạ lại làm giang hồ “dậy sóng”.
Phía sau tiếng súng
Sau cuộc chiến sinh tử, có mặt tại hiện trường, đồng chí chủ tịch huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) lúc đó đã vô cùng xúc động trước tinh thần dũng cảm, khả năng "cận chiến" tuyệt vời của những chiến sỹ công an, đã nhanh chóng điều ngay xe để đưa chiến sỹ cảnh sát Hoàng Thanh Hảo về Hà Nội cấp cứu.
Vết thương làm anh mất rất nhiều máu, nhưng do được cứu chữa kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Điều xúc động khác là tình nghĩa quân dân rất gắn bó, càng khiến lực lượng công an thêm quyết tâm tiêu diệt băng cướp này.
Đại tá Nông Văn Định (người cầm mic) trong một lần giao lưu Anh hùng LLVT.
Toàn bộ hiện trường vụ đấu súng được phong tỏa cẩn mật chưa từng thấy. Chỉ những ai có nhiệm vụ, thực sự cần thiết mới được tiếp cận hiện trường. Ngay khi nhận được tin cấp báo, đại tá Nông Văn Định, lúc đó là trưởng phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã có mặt.
Riêng đối với Lê Công Dinh, kẻ trúng đạn sau cùng, mặc dù các y bác sỹ tại bệnh viện Quân đội Đồng Bành đã tìm mọi cách cứu chữa, vì y là đầu mối thông tin quan trọng, nhưng "số" y đã tận. Trước lúc nhắm mắt, Dinh đã thì thào những lời cuối cùng với cán bộ công an.
Trong lúc này, cơ quan công an vẫn đặc biệt quan tâm đến số vũ khí Bạch Văn Chanh và đồng bọn còn lại là bao nhiêu, số lựu đạn chúng có là bao nhiêu quả, ngoài 2 khẩu AK, một khẩu K54 vứt lại hiện trường?
Thông tin này vô cùng quan trọng đối với việc tiêu diệt băng cướp. Để làm được điều đó, sau này cơ quan công an đã phải lên kế hoạch cực công phu, bí mật nhưng cũng vô cùng mạo hiểm, là tìm cách "cài" người "của ta" vào băng cướp của Bạch Văn Chanh để nắm bắt thông tin.
Cuộc chiến cam go sẽ được lần lượt phản ánh trong chuỗi ngày xuôi ngược của các chiến sỹ công an sau này... Theo đánh giá kết quả ban đầu cho thấy, phương án bố trí trinh sát đeo bám, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, trong đó có việc "điều" hẳn mỗi xe lưu thông một "tổ công tác đặc biệt" đã phát huy tác dụng.
Phía sau tiếng súng nổ là chiến công thầm lặng, dũng cảm của 2 chiến sỹ công an, trong đó có một người mới chỉ là sinh viên đang thực tập. Các anh lại trở về với công việc của mình, tiếp tục cùng đồng đội lên phương án cho những đợt truy quét tiếp theo.
Để ghi nhận sự dũng cảm chiến đấu và thành tích đã đi vào lịch sử ngành công an, trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, 2 chiến sỹ này đã được vinh danh xứng đáng. Chiến sỹ, sinh viên thực tập 22 tuổi Lương Thanh Bình vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng II, còn cán bộ công an Hoàng Thanh Hảo được nhận bằng khen của Bộ Công an.
Vậy là trong cuộc chiến "2 đấu 6", khi Lê Công Dinh bị hạ gục, phía băng cướp do Bạch Văn Chanh cầm đầu đã có 3 tên thiệt mạng. Điều trùng hợp, trong cuộc "ra quân" cướp bóc này, có đủ đúng 6 tên "công thần" từ ngày đầu Bạch Văn Chanh "gây dựng sự nghiệp".
Song cũng không ai ngờ rằng, mặc dù đã bị "tiêu hao sinh lực", Bạch Văn Chanh vẫn tiếp tục vùng vẫy, lộng hành. Y tiếp tục tuyển mộ đàn em và lại khiến nhiều người phải bỏ mạng.
Khi tướng cướp... về quê chiêu mộ đàn em
Trong khi thông tin về cuộc chạm trán giữa công an và băng cướp được lan truyền, "dân xã hội" cũng bắt đầu những lời đồn đoán về khả năng "vô ảnh, vô hình" của Bạch Văn Chanh.
Trên thực tế, khi thấy đồng bọn lần lượt bị hạ gục, Bạch Văn Chanh, La Văn Thùng, Triệu Quốc Bình đã hò nhau... bỏ chạy. Nhưng ngay sau đó "giang hồ" dậy sóng với lời đồn đoán rằng, Bạch Văn Chanh bằng bản lĩnh "thần sầu quỷ khốc" của mình đã cùng đàn em chạy thoát thành công khỏi lực lượng công an vây bắt.
Thậm chí, dân giang hồ còn đồn đại Chanh có "khả năng đặc biệt", nên mới có thể làm được điều đó. Chính những thông tin "tam sao thất bản" này càng khiến cho "giang hồ đất Bắc" có thêm chuyện để đem ra tranh cãi khi quần tụ, hoặc trong những lúc "luận anh hùng".
Liên quan đến vấn đề này, lại phải đề cập đến việc giang hồ đất Bắc từng đặt biệt danh có một không hai cho Chanh và so sánh y với tướng cướp Bạch Hải Đường. Hai tên tướng cướp này có một điểm trùng hợp kỳ lạ là cùng có những màn thoát thân khiến cho cơ quan chức năng đau đầu.
Sau cuộc đấu súng trên, Ban chuyên án công an tỉnh Lạng Sơn bằng mọi nguồn tin và phân tích để trả lời câu hỏi: Chanh sẽ trốn đi đâu? Và Ban chuyên án nhận định, do sự truy lùng gắt gao, Chanh sẽ không dám ở lại Lạng Sơn mà sẽ chạy sang tỉnh khác tìm nơi trú ẩn. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở song Chanh đi đâu, sang Bắc Giang, Quảng Ninh hay chạy về Thái Nguyên... là câu hỏi không dễ trả lời.
Các tổ công tác của công an Lạng Sơn lúc này ráo riết truy tìm, lần theo từng dấu vết, bất kỳ manh mối nào có thể, song dường như Chanh đã... biến mất sau cuộc đào thoát lên núi.
Thêm một lần nữa, việc Chanh gần như "mất tích" càng khiến cho y trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân xứ Lạng, bởi lúc này không ai biết y ở đâu, lúc nào sẽ lại... xuất hiện, cướp bóc. Thực tế, y đã khiến cho cơ quan công an lao tâm khổ tứ, ngày đêm phải vắt óc tìm phương án tác chiến, đấu tranh, truy xét.
Điều không ai ngờ nhất là sau cuộc nổ súng ngày 9/1/1992, Bạch Văn Chanh ngang nhiên quay về mảnh đất Hà Nam, nơi y đã từng sinh ra, lớn lên. Điều này thể hiện Chanh đặc biệt rất có "kinh nghiệm". Theo lô - gíc thông thường, sau khi gây án phải cao chạy xa bay, lẩn mất tăm, mất tích, đằng này y lại hùng dũng... về quê.
Cho đến nay, quãng thời gian Bạch Văn Chanh về lại Hà Nam "lần thứ nhất" này vẫn còn nhiều điều chưa được tiết lộ. Những tình tiết này chúng tôi sẽ dần đề cập. Chỉ biết rằng, sau cuộc đọ súng ở Hữu Lũng, Chanh đã về Hà Nam, tiếp tục gây án, rồi sau đó lại quay ngược về Lạng Sơn gây án điên đảo, rồi mới lại tiếp tục trở về Hà Nam "lần thứ hai", trước khi phải quy hàng.
Việc mổ xẻ, giải mã từng chi tiết trong cuộc đời Bạch Văn Chanh để thấy y đúng là "con quỷ bất kham". Có mặt tại Hà Nam sau khi vừa thoát chết trong gang tấc, Bạch Văn Chanh nhanh chóng tái lập vị trí "đại ca" trong làng "số má" ở đây. Bản chất "tướng cướp" của Chanh càng bộc lộ rõ.
Khi chạy trốn khỏi Lạng Sơn, Chanh mang theo nhiều vũ khí, vẫn lại là súng AK, súng K54 và lựu đạn. Hắn khẩn trương tập hợp cho mình một "dàn" đàn em đủ độ gai góc để cùng y tham gia cướp bóc.
Những "đệ tử thân tín" ở Hà Nam của Chanh còn có các tên Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Định, Lê Văn Trường, Lê Văn Quyên. Điều cho đến nay cũng không ai hiểu nổi vì sao, ở bất kỳ đâu, Chanh cũng nhanh chóng tạo cho mình "địa vị một ông trùm".
Với khả năng thu phục đàn em cực nhanh song cũng rất bài bản, Chanh tiếp tục thực hiện các phi vụ cướp bóc mới cùng với "ê kíp" đàn em mới toanh này. Một điểm quái lạ nữa, là trong số 4 tên "đệ tử" này có người đã từng là... bạn từ thuở thiếu thời của Chanh.
Trong những ngày ở Hà Nam tìm hiểu về "gốc gác" cũng như bí mật cuộc đời tên tướng cướp, chúng tôi cũng dần tự tìm cho mình câu trả lời về y. Như một "con ngựa bất kham", kẻ gieo rắc nỗi kinh hoàng ở vùng biên viễn, nay "chuyển lửa về quê hương" với những vụ cướp bóc không kém phần hung bạo.
(Còn nữa)