Sao nỡ tước quyền sống của con!

Trong một phút bế tắc vì vợ bỏ đi, để lại nợ nần, con tật nguyền và bản thân không có việc làm, người đàn ông đó đã cho con gái 3 tuổi uống thuốc rầy tự tử cùng mình.

Trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Hậu Giang sáng hôm ấy là một người đàn ông trung niên với nước da trắng xanh, ánh mắt khắc khoải.

Đào hoa

L.B.P (SN 1965) trong một gia đình có khá đông anh em tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Học xong lớp 12, P. xin vào làm cho một cơ quan ở gần nhà rồi lập gia đình và làm cha khi mới ở tuổi 20. Năm 2004, vợ P. mất. Một thời gian sau, P. tái hôn với một phụ nữ mới ngoài 20 tuổi, chỉ hơn người con lớn của P. 2 tuổi. Nhưng ở với nhau khoảng 1 năm, người vợ trẻ “dứt áo ra đi”.

Năm 2007, P. gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với chị B.T.T (SN 1980, quê Bến Tre) khi chị này đến tỉnh Hậu Giang làm thuê. Theo một số người quen biết và lời khai của P. tại tòa, T. có máu đỏ đen, nghiện bài bạc nên mắc nợ với số tiền lớn. P. nhiều lần khuyên can nhưng T. không nghe, vẫn lao vào cờ bạc như con thiêu thân. Nợ nần ngày càng chồng chất, suy đi tính lại, P. quyết định xin nghỉ việc để lấy tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội trả một phần nợ cho vợ.

Thấy P. nuông chiều vợ có phần thái quá, những người thân trong gia đình phản đối kịch liệt và cũng từ đó, mâu thuẫn giữa T. với gia đình chồng trở nên gay gắt. Để không phải khó xử, P. đưa vợ đến thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành - Hậu Giang thuê nhà trọ mở quán cà phê buôn bán kiếm sống.

Bi kịch

Đầu năm 2009, T. sinh được một bé gái đặt tên là K.V. Bé V. bị hở hàm ếch và bại não, mọi sinh hoạt ăn uống đều phải có người chăm sóc. Cuộc sống vốn đã vất vả, thiếu thốn do người vợ bài bạc nợ nần nay lại càng thêm khó khăn. Thương vợ con, P. lao vào làm việc không biết ngơi nghỉ để có thể chăm lo cho gia đình. Ngược lại, T. vẫn chơi bời, đua đòi rồi đột ngột bỏ đi vào cuối năm 2011. Thương con thơ tật nguyền thiếu tình thương của mẹ, P. bỏ dở việc làm, cậy nhờ người thân trông nom rồi đi khắp nơi tìm kiếm vợ nhưng không thấy nên buồn bã trở về.

Ngày 17/4/2012, P. bất ngờ nhận được lời nhắn của T. thông qua một người hàng xóm, theo đó “T. đang chuẩn bị đi nước ngoài để tạo lập cuộc sống mới, đừng tìm kiếm và chờ đợi vô ích…”. Thất nghiệp, con lại bệnh tật khiến P. cảm thấy bế tắc, chán chường, nảy sinh suy nghĩ kết liễu cuộc đời của cả hai cha con để thoát khỏi “cảnh tăm tối, đau khổ”. P. lấy chai thuốc trừ sâu có sẵn trong nhà, rót ra cái ly nhỏ vẫn dùng để cho bé V. uống thuốc. P. uống trước, còn lại một phần, P. lấy muỗng cà phê múc cho bé V. uống. Sự việc được người em gái của P. phát hiện nhưng bé V. đã tử vong. Còn P. sau 3 ngày điều trị đã thoát khỏi thần chết…

Đó là tội ác

Tại phiên tòa sơ thẩm có rất đông những người trong gia đình P. đến tham dự. Nhiều người trong số họ đã không cầm được nước mắt khi nghe P. kể lại bi kịch cuộc đời khi có người vợ bài bạc, vô trách nhiệm với cả đứa con chịu nhiều bất hạnh từ lúc lọt lòng. Trong bi kịch đó còn có sự nhu nhược, thiếu ý chí và quyết đoán của P. “Vì thương vợ, bị cáo đã cố khuyên nhủ T. từ bỏ bài bạc, cố làm lụng để trả nợ cho cô ấy… Bị cáo thực sự bế tắc khi cô ấy bỏ đi, con bệnh tật, bị cáo vì phải ở nhà chăm sóc con mà nghỉ làm, tiền bạc không có, nợ nần chồng chất… Bị cáo nghĩ nếu một mình bị cáo chết, không ai chăm sóc cho đứa con tật nguyền nên mới làm vậy, không ngờ… Bị cáo rất hối hận, đau đớn…” - P. nghẹn ngào.

Nhìn P. hồi lâu, vị chủ tọa nói: “Có thể cuộc sống của bị cáo thật sự khó khăn khi phải một mình chăm con đau ốm. Có thể trong một lúc nghĩ quẩn, bị cáo thực sự thấy bế tắc. Nhưng con bị cáo vô tội, dù tật nguyền, bệnh tật, cháu vẫn có quyền được sống… Bị cáo làm vậy không phải là sự giải thoát mà đó là tội ác”. P. gục đầu xuống vành móng ngựa. Thời gian thi hành án rồi cũng qua nhưng chắc chắn nỗi ray rứt, ám ảnh về hành vi giết chính con ruột sẽ theo P. đến suốt cuộc đời.

Bị cáo L.B.P đã bị TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt 13 năm tù về tội giết người theo điểm c (giết trẻ em) khoản 1 điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sông Hậu (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN