Ra tay mù quáng vì quá thương con
Do nghi ngờ bà Vàng Thị S., người cùng bản đã làm "ma chài", "ma chó" dẫn đến việc con trai gần 3 tháng tuổi của mình bị chết. Lâu A Sở đã vác dao sang chém bà S. nhiều nhát làm nạn nhân chết ngay tại chỗ.
Rùng mình vì "cái lý của người Mông"
Lâu A Sở, sinh năm 1990, dân tộc Mường, ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm ruộng, Sở là con trai thứ 4. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con, học hết lớp 8, Sở bỏ học, ở nhà làm ruộng và lấy vợ năm 2007 (lúc Sở mới 17 tuổi).
Năm 2008, con trai đầu lòng của Sở ra đời, ông bố trẻ tuổi này rất vui và hạnh phúc. Năm 2011, vợ chồng Sở sinh tiếp đứa con trai thứ 2. Và tội ác tày trời của Sở, nghiệt ngã thay, lại xuất phát từ sự yêu thương vô bờ mà Sở dành cho con...
Tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), nhìn nét mặt ngơ ngác của Sở, hết nhìn tôi, rồi lại nhìn cán bộ quản giáo không chớp mắt, như thể không biết chuyện gì xảy ra. Thấy vậy cán bộ quản giáo nói với tôi: "Phạm nhân này tưởng là được ra gặp người nhà" và quay sang động viên Sở: "Đây là cán bộ hôm nay đến hỏi thăm và động viên phạm nhân, có gì cứ nói chuyện với cán bộ, không phải sợ".
Sở lễ phép chào tôi bằng một giọng lơ lớ rất khó nghe: "Năm 2011, "eng" "em" sinh con trai thứ 2, từ lúc sinh ra nó bị ốm liên tục, chữa mãi ở nhà vẫn không khỏi, mang vào viện tỉnh chữa được một tuần thì con chết. Thầy bảo có người làm "ma chài", "ma chó" nên con bị chết" (!). Lẽ ra, con ốm phải đến gặp y tá thôn bản để lấy thuốc, nhưng nhà Lâu A Sở lại đi mời thầy cúng về... "đuổi ma".
Theo "cái lý của người Mông" thầy cúng được "con ma nó dạy" và người dân luôn tôn thờ, làm theo những gì thầy cúng "phán". Đó là cách giải thích của Lâu A Sở: "Người Mông coi thầy cúng là người "nhà trời" nên trong bản có ai ốm nặng cũng mời thầy đến nhà. Chỉ có thầy mới có thể làm phép cầu xin "nhà trời" tha thứ thôi, chứ càng đưa đi viện thì bệnh càng nặng thêm" (!?).
Đây là một hủ tục lạc hậu của người Mông, nhưng một số người vẫn nhất nhất tin theo. Tôi hỏi: "Sở là người Mường, sao lại theo phong tục người Mông?" - Sở đáp: "Em lấy vợ người Mông. Cả bản em toàn là người Mông, nên mọi thứ đều làm theo người Mông. Chính vì nghe theo hủ tục của người Mông nên em mới chém bà Vàng Thị S., người cùng bản, vì em nghĩ chính bà làm "ma chài" nên con em mới bị chết.
Lúc đó em thương con em quá nên thấy người ta nói là có người làm "ma chài" thế là em tin ngay. Bây giờ em thấy như thế là không phải, mình sai rồi". Tôi hỏi, sao Sở biết được bà S. làm "ma chài"? Sở cho biết: "Em cho một quả trứng gà và ba đôi đũa đặt lên miệng cái bát to. Sau đó cúng và đọc tên nếu ai hại con trai mình, gọi đến tên ai thì đũa dựng lên (?).
Em đọc đến tên bà S. đầu tiên (chưa kịp đọc tên vài người khác nữa cùng bản) thì ba đôi đũa này bỗng dựng đứng lên. Chính mắt em nhìn thấy, nên em tin điều đó là thật và em muốn giết bà S. bằng được để trả thù cho con trai. Đấy là "cái lý của người Mông" em chỉ biết thế, nên đã nghe và làm theo. Khoảng 10h sáng ngày 10/5/2011, em mang hai gói thuốc chuột sang nhà bà S. đổ vào nồi cơm một gói và nồi canh một gói, nhưng bị bà ấy phát hiện.
Do ý định giết bà S. không thành, đến ngày 15/5/2011, em vác con dao vẫn dùng để phát nương đến thẳng nhà bà S. Khi bước vào nhà, em thấy bà S. đang ngồi ăn cơm một mình, em tiến lại gần chém ngang lưng và hai nhát từ trên đầu xuống làm bà S. chết ngay. Chém xong em bỏ chạy về nhà, đến ngày hôm sau em bị công an tỉnh Lào Cai bắt khẩn cấp".
Ước ao được ôm con vào lòng...
Một số thôn bản ở vùng cao, nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị chết thường do sự kém hiểu biết, ăn ở thiếu vệ sinh của người dân. Trường hợp gia đình Lâu A Sở là một ví dụ điển hình. Giờ đây trong trại giam, Sở đã ngộ ra được nhiều cái vốn rất xa lạ với Sở trước đây.
Điều tôi thấy lạ nhất ở Sở là biết nói và rất nhớ những ngôn từ trong chuyên ngành của pháp luật như: "Sau khi em bị bắt "khẩn cấp", khi em ở "giam cứu" thì vợ và anh em vẫn đến thăm, vì khoảng cách gần. Nhưng bây giờ ở trại giam này (trại giam Thanh Xuân - PV) xa quá nên chỉ có anh trai và anh rể đến thăm thôi. Vợ và con trai thì không thể đến thăm được. Mình không hiểu biết pháp luật, mình đi tin vào điều mê tín dị đoan, mình không nghe bố mẹ, tự hành động một mình, làm hại cái thân mình.
Bây giờ một con mất rồi còn một con trai 4 tuổi, đêm nào cũng nhớ đến con, nhớ lắm có lúc khoóc (khóc) nhiều". Nhìn khuôn mặt còn non dại, đẫm nước mắt của Lâu A Sở vì nhớ và thương con khiến tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa cho số phận của Sở. Chỉ vì những hủ tục lạc hậu, thiếu hiểu biết về pháp luật, Lâu A Sở đã cướp đi sinh mạng của bà Vàng Thị S, người cùng bản. Còn Sở phải lĩnh án tù chung thân. Bây giờ Sở ân hận thì mọi chuyện đã quá muộn...
Sở bảo, ước mong lớn nhất của Sở bây giờ là được gặp con và ôm con vào lòng, ngắm nhìn lúc con ngủ. Nhưng trớ trêu thay, với khoảng cách dài đằng đẵng cả về địa lý lẫn án tù đã biến mong ước nhỏ nhoi, bình dị của một người bố trẻ nhất mực thương con thành xa vời quá đỗi...