Nữ đại gia kêu oan cáo buộc hủy hoại tài sản 23 triệu đồng

Sự kiện: Thời sự

Cà Mau - Doanh nhân Âu Ngọc Vững, 56 tuổi, bị cáo buộc thuê người chặt cây, đập tường trên khu đất đang tranh chấp gây thiệt hại hơn 23 triệu đồng, song luôn kêu oan.

Bà Vững là Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất khẩu thủy sản Âu Vững ở Bạc Liêu - doanh nghiệp có tiếng ở miền Tây. Bà còn được biết đến là người giàu có ở địa phương, từng chi hàng trăm triệu đồng rước dâu bằng máy bay hồi năm 2014.

Theo hồ sơ vụ án, bà Vững cùng vợ chồng ông Hồng Quốc Công (họ hàng xa) tranh chấp phần đất tại khóm 9, phường 6, TP Cà Mau. Nữ doanh nhân cho rằng, phần đất này nằm trong diện tích 28.800 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông nội là Âu Văn Trí. Sau đó, ông Trí để lại cho cha mẹ bà quản lý, sử dụng; trên đất có nhiều hoa màu, cây cối.

Cáo trạng xác định, ngày 18/4/2021, bà Vững thuê người đến dọn dẹp, đốn một số cây và cạy một phần lối đi để cắm trụ ranh. Phía gia đình ông Công ra la lối, yêu cầu bà dừng và trình báo công an bị đập phá tài sản.

Nữ doanh nhân bị cáo buộc chỉ đạo chặt 3 cây dừa 40 tuổi, mỗi cây 700.000 đồng; 2 cây sao 7 năm tuổi, tổng trị giá 270.000 đồng; đào bới làm hư hỏng lối đi ra khu nhà mồ của gia đình người bà con dài hơn 57 m, đập gãy 2 cột bêtông, đập hỏng một bức tường nhỏ. Tổng thiệt hại tài sản là hơn 23,6 triệu đồng.

Đến ngày 5/4/2023, bà Vững bị Công an TP Cà Mau khởi tố về tội Hủy hoại tài sản, cho tại ngoại. Những người làm thuê cho bà này không bị truy cứu trách nhiệm do không biết nguồn gốc tài sản hư hỏng.

Bà Âu Ngọc Vững trình bày vụ việc tranh chấp đất dẫn đến việc mình bị khởi tố với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 10/2023. Ảnh: An Minh

Bà Âu Ngọc Vững trình bày vụ việc tranh chấp đất dẫn đến việc mình bị khởi tố với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 10/2023. Ảnh: An Minh

Liên quan vụ tranh chấp đất, ngày 19/10/2023, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chủ trì buổi tiếp công dân để xử lý vụ khiếu nại của bà Vững.

Tại buổi làm việc, bà Vững yêu cầu cơ quan chức năng xem xét trả lại phần đất hơn 12.600 m2, nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông nội Âu Văn Trí, để lại cho cha bà là Âu Văn Hội. Phần diện tích đất này hiện bị 30 hộ gia đình, cá nhân tự kê khai đăng ký chiếm lấy (trong đó có gia đình ông Công - bị hại của vụ án) và một phần do UBND phường 6, TP Cà Mau quản lý.

Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "để giải quyết đúng quy định, thấu tình đạt lý".

Về việc bà Vững đề nghị xem xét lại quyết định khởi tố bị can của Công an TP Cà Mau, vì cho rằng không thực hiện hành vi đập phá tài sản của người khác và có oan sai, thì đại diện cơ quan điều tra khẳng định "việc khởi tố, điều tra, truy tố bị can là đúng quy định của pháp luật".

Phần đá tảng bị cạy lên tại hiện trường vụ án. Ảnh: Nguyên Trần

Phần đá tảng bị cạy lên tại hiện trường vụ án. Ảnh: Nguyên Trần

Hôm 12/4, TAND TP Cà Mau mở phiên sơ thẩm, song trả hồ sơ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề và định giá tài sản bị hủy hoại.

Tại phiên tòa lần thứ hai ngày 25/6, bà Vững tiếp tục kêu oan, cho rằng chỉ thuê người cưa hạ 2 cây dừa "trên phần đất ông bà của mình để lại". Về lối đi, bà thừa nhận có nhờ người đào bới, cạy lên một đoạn được làm bằng đá tảng, nhưng không gây hư hỏng.

Cả 3 nhân chứng và người liên quan tại tòa không ai thừa nhận hoặc nhìn thấy việc bà Vững chỉ đạo đập phá lối đi bằng gạch, đập gãy 2 trụ bêtông, bức tường như cáo trạng quy kết.

Còn phía bị hại xác nhận các tài sản bị hủy hoại "không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình" nhưng là phần đất gia đình đang quản lý sử dụng.

Trước đó, người đại diện cơ quan định giá tài sản trong vụ án xác định việc định giá chưa tính đến khấu hao tài sản, không trừ giá trị còn lại của tài sản bị đập phá.

Theo luật sư bào chữa cho bà Vững, thân chủ không phạm tội như cáo trạng truy tố. Bởi cơ quan điều tra chưa chứng minh được quyền sở hữu, quản lý của gia đình người tranh chấp đối với các tài sản trên đất. Bị cáo không có hành vi cố ý hủy hoại tài sản bởi cho rằng các cây bị chặt nằm trên đất do ông bà để lại, nên phát quang, dọn dẹp, cải tạo. Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa làm rõ chất lượng, trình trạng, giá trị và giá trị sử dụng của tài sản ở trước, trong và sau thời điểm bị hủy hoại; việc thẩm định giá thiếu khách quan..

HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do chứng cứ buộc tội bị cáo chưa vững chắc.

Nguồn: [Link nguồn]

Với hành vi gây thiệt hại về tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, đối tượng vi phạm có thể phải đối mặt với việc xử phạt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN