Nỗi lòng u uẩn của nữ giảng viên tù tội

Bị đồng tiền làm mờ mắt, chị ta đã hủy hoại sự nghiệp và danh tiếng của mình sau mấy mươi năm dày công tạo dựng. Điều đáng nói chị - người mặc chiếc áo kẻ sọc kia, từng là một giáo viên giỏi, được học trò yêu mến, đồng nghiệp nể trọng. Phía sau song sắt, Bùi Thị Thuý không ngừng hối hận về những sai lầm đã trong quá khứ, thêm vào đó là khát khao được trở về đoàn tụ bên gia đình và nói lời xin lỗi với những học trò thân yêu.

Sự nghiệp sụp đổ

Gió. Khoảng sân rộng mênh mông. Thảm cỏ mướt xanh. Những gương mặt học trò nhễ nhại mồ hôi hổn hển lau mồ hôi đọng trên trán. Vô vàn hình ảnh đó in hằn trong những giấc mơ của chị. Nhiều đêm lắm rồi, chị không ngủ được, hễ nhắm mắt là những hình ảnh quen thuộc đó lại xuất hiện, chờn vờn đeo đuổi dòng suy nghĩ, bám riết tâm trí như một sinh vật kí sinh không chịu tách rời. Giật mình nhìn bốn bề xung quanh, tiếng thở đều đặn, nhè nhẹ như gió thoảng của chị em cùng buồng giam, chỉ còn một mình trơ hẫng với giấc ngủ cồn cào không trọn vẹn, Thúy miên man nhớ tới bầu trời cao rộng ngoài kia. Gió, khoảng sân, thảm cỏ, lá cây và những học trò áo trắng… biết bao hình ảnh quen thuộc, trở thành một phần máu thịt trong con người chị - một giáo viên thể dục ào ạt ùa về.

Nhưng, đó chỉ là hình ảnh vang bóng của một thời xa xăm, còn giờ đây, trong tay Thuý chẳng còn lại bất cứ thứ gì. Cũng bởi, do quá tham lam, Thuý đã đánh mất tư cách của một người giáo viên – thứ mà hằng ngày, mỗi giờ lên lớp, chị đều giảng giải cho học trò của mình. Một người thầy phản bội lại chính lý tưởng, giáo án và đạo đức của mình, còn gì chua xót hơn. Nghĩ tới đây, giọt nước mắt hôi hổi lại lăn dài trên má người đàn bà Bùi Thị Thuý.

Chị còn nhớ rất rõ, trước khi học trò của mình vào môn thi đấu hoặc kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, chị đều động viên chúng bằng những lời gan ruột được đúc rút bằng mấy mươi năm kinh nghiệm: “Thể dục không chỉ rèn luyện sức khoẻ cho các em, mà còn dạy các em cách nỗ lực, bền bỉ, vượt qua gian khổ. Ví dụ như bộ môn chạy bền, nếu nhìn quãng đường dài trước mắt, trong lòng các em nảy sinh sự chán nản, uể oải, thấy đích quá xa xôi, nhưng nếu kiên trì, bền bỉ, chạy đúng cách, biết chạy giữ sức quãng nào, chạy nước rút quãng nào, chắc chắn các em sẽ đạt kết quả tốt”.

Dạy học trò cách chạy giữ sức, chạy nước rút, nhưng chính bản thân Thuý đã trọn cách “chạy nước rút” sai lầm. Muốn kiếm tiền nhanh nhất, muốn nhanh chóng giàu có bằng con đường bất chính, Bùi Thị Thuý quay lưng lại với chính chân lý của một người giáo viên đã đặt ra.

Là giáo viên dạy thể dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, ở vị trí “thầy của thầy”, đáng lẽ môi trường làm việc của Thuý phải là sân vận động, các dụng cụ thể dục… chứ không phải ở đây: Trại giam Hoàng Tiến, hằng ngày tiếp xúc với những công việc lao động tay chân và sám hối cho những lỗi lầm đã gây ra. Giọng nói nhỏ nhẹ, đặc biệt khả năng nói chuyện lưu loát, hoạt ngôn – những thứ được thừa hưởng sau quá trình đào tạo, mài rũa ở vị trí giảng viên thể dục, bỏ qua những mặc cảm, ngại ngùng ban đầu, Bùi Thị Thuý đã có những phút trải lòng thực thà nơi phía sau song sắt, ngưỡng vọng về quá khứ “huy hoàng” của mình, đồng thời không ngừng ân hận về tội lỗi đã gây ra.

Có thể nói, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bùi Thị Thuý từng gây rúng động Thái Bình một thời. Không phải ở mức độ lừa đảo khổng lồ. Không phải ở thủ đoạn tinh vi, lắt léo, ranh ma. Mà bởi, người phạm tội có một thân thế khá đặc biệt: giảng viên thể dục, có trong tay một sự nghiệp vững chắc với nhiều thành tích nổi bật: giải nhất cuộc thi Giảng viên chính, nhiều năm liền là giảng viên giỏi của trường, có chồng là một nhà báo tiếng tăm. Bên cạnh đó, người dân Thái Bình truyền tai nhau rằng phía sau Bùi Thị Thuý còn có thế lực khác đứng trong bóng tối giật dây, không rõ thực hư câu chuyện ra sao, nhưng điều đó đủ để tiếng tăm của người đàn bà này “nổi như cồn”.

Ngày đó, tận dụng ưu thế là một giảng viên thể dục có uy tín, Bùi Thị Thuý đứng ra nhận rất nhiều hồ sơ, tiền mặt và hứa hẹn xin việc cho những tới nhờ vả. Chính vì cái uy này, rất nhiều người tìm tới cậy nhờ Thuý với hi vọng tương lai con em họ được rộng mở nhờ “lối đi tắt” này. Thêm một lời hứa là gánh thêm phần trách nhiệm, nhưng số tiền ngày càng thâm hụt trong khi lời hứa của Thuý vẫn bỏ lơi. Vay ngân hàng để bù vào số tiền “trót tiêu” đi mất, song số nợ nọ đập vào số nợ kia, cứ vậy nợ chồng chất nợ cho tới khi Bùi Thị Thuý tiêu tán toàn bộ số tiền người ta gửi nhờ xin việc cho con em. Số nợ lên tới hơn 1 tỷ đồng và không có khả năng hoàn trả dù đã bán nhà, bán cả mảnh đất hương hoả bố mẹ để lại, sợ phải đối diện những chủ nợ hằng ngày tới siết nợ, Bùi Thị Thuý trốn vào Sài Gòn.

Lẩn trốn ở phương Nam vẫn không thoát khỏi “lưới trời”

Không thể phủ nhận một điều Bùi Thị Thuý là một người phụ nữ tài năng và đầu óc linh hoạt. Chỉ có điều chị ta sử dụng tài năng và vận dụng trí tuệ không đúng cách. Mặc dù trên đường chạy trốn vào Sài Gòn, hành trang mang theo là đôi bàn tay trắng, nhưng Thuý đã nhanh chóng gây dựng được một “sự nghiệp” nho nhỏ nơi Sài thành – mảnh đất luôn rộng mở cơ hội cho những kẻ có “đầu óc”.

Phát huy khả năng của bản thân, Bùi Thị Thuý xin dạy thể dục cho tụi trẻ con ở các trường tư thục ở Sài Gòn. Hằng ngày, chị ta dạy bơi cho tụi trẻ từ 3 – 5 tuổi với mức thu nhập tạm sống qua ngày. Không dừng lại ở đó, Thuỷ thuê lại trung tâm thể dục thẩm mỹ và đứng lớp dạy thể dục thẩm mỹ cho các chị em công sở có nhu cầu làm đẹp, giữ dáng.

Bùi Thị Thuý bảo chị ta không hề biết mình bị phát lệnh truy nã, mục đích chính khiến chị ta bỏ vào Sài Gòn là trốn các chủ nợ. Thế nên, hằng ngày Thuý vẫn liên lạc, nhắn tin, gọi điện cho chồng con, liên tục cập nhật tình hình cho chồng con biết. Đây chính là sơ hở “ngây thơ” của chị ta và cũng là manh mối để các chiến sĩ Công an lần ra nơi lẩn trốn của Thuý.

Không bằng lòng với việc đứng lớp thể dục thẩm mỹ, Bùi Thị Thuý còn làm liền một lúc 11 bộ hồ sơ gửi tới 11 trường tư thục trên địa bàn thành phố xin dạy thể dục bổ trợ cho học sinh. Và thực tế, cho tới khi bị bắt, đã có 7 trường nhận hồ sơ của Thuý, bởi nhìn bộ hồ sơ lung linh với nhiều thành tích nổi bật, cơ hội việc làm của Thuý không hề gặp trở ngại.

Bùi Thị Thuý không thể ngờ, mình bị các đồng chí Công an “tóm sống” giữa mảnh đất Sài Gòn đông đúc, khi đang đứng lớp dạy học trò tập thể dục, chấm dứt sự nghiệp giảng viên thể dục của cô giáo Bùi Thị Thuý vào đúng ngày 1-7-2011 – ngày con gái chị bắt đầu bước vào kì thi đại học.

“18 năm công tác, nỗ lực phấn đấu đã bị chính tay tôi hất xuống sông xuống bể. Những lời dạy học trò khi xưa, chính bản thân quay lưng, đi ngược lại hoàn toàn. Chẳng còn từ ngữ nào để diễn tả nỗi xấu hổ, ê chề của tôi. Danh tiếng, danh sự sụp đổ, đối với người giáo viên, điều ấy đồng nghĩa với con số 0 tròn trĩnh” – Bùi Thị Thuý trầm ngâm.

Điều bất ngờ và an ủi nhiều nhất đối với Thuý là chị vẫn được chồng và con cái quan tâm, yêu thương. Theo như lời Thuý kể, con gái chị học giỏi và rất bản lĩnh, mặc dù ngày thi trùng với ngày nhận được tin mẹ bị Công an bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng con gái vẫn làm bài tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi đại học năm 2011. Từ ngày bán sạch nhà cửa, đất đai để lấy tiền trả nợ, chồng và con Thuý dọn về sống ở khu tập thể nhỏ của đơn vị anh công tác. Đều đặn hằng tháng vẫn lên thăm nom, hỏi han tình hính sức khoẻ Thuý và mang cho vợ những đồ dùng cần thiết. Gia đình là niềm an ủi, cứu cánh duy nhất còn sót lại đối với người đàn bà tội lỗi này.

Trò chuyện cùng Bùi Thị Thuý, tôi cảm nhận được sức sống tiềm tàng trong con người này. Có thể, chị ta từng sai lầm, đã sai lầm, nhưng với khao khát được làm lại cuộc đời, khao khát về một tương lai sạch sẽ, lương thiện, chắc chắn với “đầu óc” ấy, trí tuệ ấy, Bùi Thị Thuý hoàn toàn có thể trở thành người tốt, người có ích cho xã hội sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mộc Nhân (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN