Nỗi lòng người vợ biết chồng là kẻ giết người trốn nã 31 năm
Sau khi gây án tại Hải Phòng, gã thay tên đổi họ, mượn giấy tờ tùy thân của một người khác trốn vào Tây Nguyên. Nơi rừng sâu núi thẳm, gã lập gia đình và quyết chí tu tỉnh. Nhưng sau 31 năm trốn truy nã, hành tung của gã cũng bị lộ diện.
Chứng kiến chồng tra tay vào còng, người vợ bất hạnh gần như sụp đổ. Nhưng một ngày vợ chồng, trăm năm ân nghĩa, bà vẫn nghẹn ngào mở cửa đợi kẻ giết người, trốn nã trả án quay về.
Nửa đời đánh mất tuổi thanh xuân
Tròn 31 năm, Nguyễn Văn Nguyên (56 tuổi, nguyên quán Hải Phòng, thường trú tại xã Eakly, huyện Krông Păk, Đắk Lắk ) đã chạy trốn lệnh truy nã vì tội giết người. Chừng ấy thời gian sống một cuộc đời khác, nỗi ám ảnh tội lỗi vẫn đeo đẳng gã. Nhưng khi đã có gia đình, vợ con đề huề, Nguyên lại không dám đối diện với sự thật. Chuỗi ngày sống giữa day dứt, giằng xé ấy chỉ kết thúc khi các trinh sát xuất hiện, buộc gã phải tra tay vào cóng.
Từ sau cái đêm khủng khiếp ấy (Nguyên bị bắt vào cuối tháng 6/2014), bà Trần Thị Hồng (51 tuổi, vợ Nguyên) suy sụp hẳn. Bà không thể ngờ người chồng tay ấp má kề mấy chục năm qua lại là kẻ giết người, trốn nã. Gặp chúng tôi, bà bật khóc khi kể lại chuyện: “Hôm ấy, tôi đang làm rẫy thì nghe mọi người bảo có rất cán bộ công an tới nhà. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi còn tưởng đứa con trai làm gì đó vi phạm pháp luật”. Bà quầy quả chạy về, vội vã chân thấp chân cao bước vào nhà thì đã thấy chồng mình bị còng tay. Bên trong nhà, các điều tra viên đang đọc lệnh bắt Nguyễn Văn Nguyên vì tội giết người, trốn nã 31 năm trước.
Từng câu từng chữ trong lệnh bắt với bà như “sét đánh ngang tai”. Thì ra bao nhiêu năm nay, Trần Văn Duy (tên giả Nguyên dùng khi vào Tây Nguyên – PV) đã lừa dối vợ con. Qua cơ quan điều tra, bà mới biết Nguyên từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản ở Vĩnh Phúc năm 1979. Sau khi thụ án 15 tháng, hắn phiêu bạt ra khu Cao Sơn, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh hành nghề trộm cắp tài sản. Tháng 12/1983, Nguyên về Hải Phòng và gây ra vụ xả xúng kinh hoàng giết chết một dân thường cướp tài sản.
Để giúp Nguyên chạy trốn, người thân đã cho hắn mượn một CMND mang họ tên Trần Văn Duy, ở tỉnh Hải Hưng cũ. Sau đó, Nguyên lên xe đò đi Đà Nẵng. Tại đây, gã lang thang khắp nơi rồi xin vào làm phụ hồ. Gã làm việc và câm lặng chịu đựng tất cả mọi khó khăn để không bị lộ tung tích. Thời gian ấy, vụ xả súng do Nguyên gây ra làm chấn động dư luận. Cơ quan công an phát hiện hắn bỏ trốn đã phát lệnh truy nã toàn quốc. Ở Đà Nẵng, Nguyên luôn lo sợ sẽ có ngày hắn bị lần ra. Bởi thế, gã nhịn ăn, nhịn mặc tích cóp tiền bạc và rời Đà Nẵng vào TP. HCM. Đi được nửa đường, Nguyên lại thay đổi ý định và rẽ lên Tây nguyên. Tại đây, gã xin vào làm cho một nông trường trồng rừng thuộc địa phận xã Eakly thuộc huyện Krông Păk, thuộc tỉnh Đắk Lắk bây giờ.
Làm thuê một thời gian, Nguyên kiếm được số tiền để mua một miếng đất và một mảnh rẫy. Thấy người đàn ông gốc Bắc tối ngày thui thủi một mình, bà Hồng cảm thấy thương rồi yêu lúc nào không biết. Hồi ấy, bà cũng mới từ miền Bắc vào làm kinh tế mới. Ngày đại hỉ, tuy bên nội không có một ai thân thích dự đám, nhưng bà cũng không mảy may nghi ngờ. Người phụ nữ ấy vẫn tin đã chọn đúng chồng để nương tựa suốt đời.
Một ngày cũng nghĩa vợ chồng
Bà Trần Thị Hồng trò chuyện với PV
3 năm sau ngày cưới, vợ chồng bà đã có hai mặt con. Hơn 20 năm chung sống, Nguyên đã xây dựng một hình tượng người đàn ông mẫu mực, chân chất, hiền lành, hay lam hay làm, khiến ai cũng tin tưởng. Bà Hồng gạt nước mắt thủ thỉ: “Trong suốt thời gian sống ở đây, ông ấy lúc nào cũng người lành tính, chịu thương chịu khó nên rất được bà con yêu mến. Ông ấy không ăn nhậu, không bao giờ to tiếng với mọi người. Đặc biệt, ông ấy làm lụng rất chăm chỉ, rất ít khi đi chơi xa đâu đó nên tôi lại càng thương. Tôi không ngờ, ông ấy chẳng dám đi đâu là vì sợ bị công an phát hiện. Ngay cả chuyện không dám to tiếng hay đánh đập vợ con cũng một phần là do ông ấy lo chính quyền can thiệp sẽ lộ thân phận”.
Nói về quãng thời gian Nguyên ẩn mình trốn nã, bà Hồng kể: “Chắc hẳn trong lòng, ông ấy vẫn lo âu, thấp thỏm. Nhiều đêm vợ chồng nằm cạnh nhau, tôi thấy ông ấy nằm mơ, ú ớ rồi giật mình tỉnh giấc. Tiếc là lúc ấy, tôi không hiểu nỗi niềm sâu kín trong lòng chồng. Ngay cả chuyện ông ấy rời quê nhà vào đây vì lý do gì, họ hàng thân thích ở đâu, tôi cũng chỉ hỏi qua loa. Dĩ nhiên, ông ấy toàn nói dối”. Thực tế là mỗi lần vợ hỏi về quê quán, Nguyên lại giật mình thon thót. Ban đầu, hắn giấu nhẹm thông tin về quê quán. Nhưng sau này các con lớn lên, bị gặng hỏi nhiều, Nguyên bịa đại ra rằng người thân đã chết hết trong chiến tranh. Tưởng chồng không muốn nhắc chuyện đau lòng, bà Hồng lại dễ dãi bỏ qua. Mỗi lần thấy Nguyên nằm mơ thấy ác mộng, tỉnh dậy áo ướt đẫm mồ hôi, bà còn lo chồng bị ám ảnh vì người thân chết trong bom đạn. Lúc ấy, người vợ cả tin lại hì hục dậy đun nước nóng, nấu cháo giải cảm cho Nguyên ăn.Điều ngạc nhiên là càng gần thời gian bị bắt, Nguyên dường như càng cảm nhận rõ thời khắc đền tội sắp đến. Bà hồng kể: “Thời gian gần đây, ông ấy làm việc như kẻ mất trí. Nhiều hôm thấy chồng cuốc đất đến nỗi hai bàn tay tứa máu, tôi xót quá bắt về nhà nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Ông ấy bảo: “Muốn làm thêm để tích cóp chút của cải cho con, được ngày nào hay ngày ấy”. Lúc đó, tôi cảm động lắm, cứ tưởng ông mải mê chăm sóc, xây dựng kinh tế gia đình nên quên cả bản thân. Không ngờ, ông ấy làm là để đếm ngược từng ngày, sợ bản thân không còn cơ hội nữa”.
Rồi cái ngày ấy cũng đến. Một buổi sáng cuối tháng 6/2014, khi nhìn thấy đoàn cán bộ công an xuất hiện trước nhà, Nguyên ngỡ ngàng một chút rồi nhanh chóng hiểu ra: Hành trình lẩn trốn kéo dài 31 năm của hắn đã kết thúc. Đến lúc này, nhiều người dân nơi đây mới thực sự sửng sốt khi biết người hàng xóm hiền lành là đối tượng trốn truy nã. Người đàn ông gây ra tội lỗi ấy bây giờ tóc đã tóc mai điểm bạc, khuôn mặt khắc khổ hơn vì nỗi lo mưu sinh. Thời gian tới, Nguyên sẽ phải trả giá cho tội ác của một thời tuổi trẻ nông nổi.
Bà buồn bã bảo: “Giá như hồi đó, ông ấy dũng cảm quay về đầu thú, có lẽ đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đến khi ra tù, chắc chắn ông cũng sẽ có một gia đình với người vợ hiền và những đứa con thơ mà không phải canh cánh nỗi lo âu về những ngày phải trả giá như bây giờ! Nhưng cuộc đời đã gắn chúng tôi với nhau thì dù một ngày làm vợ chồng cũng có tình có nghĩa. Hơn nữa lúc đến với nhau, tôi không hề biết ông ấy đã gây ra tội lỗi tày trời. Chỉ biết mấy chục năm chung sống, ông ấy đã cố gắng làm người chồng, người cha tốt”.
Rừng Tây Nguyên về chiều vàng vọt như nỗi buồn ẩn sâu trong mắt người vợ bất hạnh. Trước khi tạm biệt chúng tôi, bà nhắn nhủ khi nào Nguyên nhận án thì báo tin giúp bà. “Chẳng biết khi ra Hải Phòng, ông ấy sẽ phải nhận mức án như thế nào. Nhưng riêng tôi, dù ông ấy có phải trả án bao nhiêu năm đi nữa thì ông ấy vẫn là chồng tôi, là cha của những đứa con này. Tôi sẽ đợi ông ấy trở về. Dẫu sao, mái nhà này cũng là nơi cuối cùng và bình yên nhất với ông ấy. Chỉ buồn một nỗi, cả tôi và ông ấy cũng đã già, chẳng biết đến khi ông ấy được ra tôi có còn hay không nữa!”, bà Hồng ngập ngừng không dám nói điều sau cùng. Nếu những lời nói này đến được Nguyên, chắc hẳn kẻ giết người năm xưa sẽ mừng lắm…
Lưới trời lồng lộng
Hành trình truy bắt tên tội phạm nguy hiểm Phạm Văn Nguyên của Cơ quan công an TP. Hải Phòng diễn ra hết sức gian nan. Sau khi Nguyên trốn khỏi địa bàn, cơ quan điều tra đã vận động người thân của hung thủ khai nhận việc đưa cho Nguyên CMND tên Trần Văn Duy. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng rà soát và phát hiện Nguyên trốn vào Đà Nẵng. Tuy nhiên khi các trinh sát vào Đà Nẵng truy lùng, Nguyên đã lẩn trốn lên Tây Nguyên, khiến vụ án tưởng rơi vào bế tắc.Đến năm 2014, nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an tỉnh Đắk Lắk, công an TP. Hải Phòng đã định vị được Nguyên đang lẩn trốn tại nông trường 718 (nay là hai xã Eauy và Eakly. Kiên trì sàng lọc hàng nghìn người gốc Bắc vào đây làm ăn sinh sống, cuối cùng, cơ quan điều tra đã phát hiện chính xác nơi ẩn náu của Phạm Văn Nguyên. Hiện, đối tượng đã được di lý về Hải Phòng quy án.