Nỗi “giằng xé” của Tướng Tiến trong những vụ trọng án

Những người làm hình sự như Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chẳng mấy khi được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Nỗi “giằng xé” của Tướng Tiến trong những vụ trọng án - 1

  Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến

Những người làm hình sự như Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an), chẳng mấy khi được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Dù không có án họ vẫn thay nhau trực để người dân được bình yên đón Tết.

“Không có Giao thừa ở nhà”

Tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ, Tết với những người dân bình thường là dịp để cả gia đình sum vầy, quây quần, nhưng với những người lính hình sự, dường như họ thiệt thòi hơn khi chẳng mấy khi được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là người dân được bình yên đón Tết, dù không có án chúng tôi vẫn thay nhau trực nên có lẽ, với người lính hình sự không bao giờ có một cái Tết trọn vẹn”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến tâm sự.

Bản thân ông là người chỉ huy nên thường “xung phong” trực vào đêm Giao thừa. Qua thời khắc thiêng liêng đó, ông mới từ cơ quan trở về nhà, nên tính từ khi giữ cương vị Cục trưởng C45, không năm nào ông đón Giao thừa bên gia đình. “Anh em trinh sát thực hiện nhiệm vụ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, ATGT nên thường đón Giao thừa ở cơ quan. Còn nhớ có những hôm đang liên hoan tất niên cơ quan thì xảy ra vụ án ở Lóng Luông - Hòa Bình khiến một số đồng chí Công an Hòa Bình hy sinh. Ngay lập tức, lãnh đạo Cục và một số trinh sát đã lên đường đi Hòa Bình để phối hợp điều tra, giải quyết vụ án”, Tướng Tiến kể và cho biết, vài năm gần đây không có vụ trọng án nào xảy ra vào dịp Tết nhưng do thói quen cảnh sát hình sự vẫn đón Tết trong tâm lý “thấp thỏm”.

Ông cũng chia sẻ, với người làm công tác điều tra hình sự, điều khiến họ giật thót mình đôi khi chỉ là cú điện thoại lúc nửa đêm về sáng, vì rất nhiều khả năng khi ấy có án xảy ra. Bản thân ông cũng đã rất nhiều lần nhận những cuộc điện thoại “giật thót mình” như thế...

Nỗi “giằng xé” của Tướng Tiến trong những vụ trọng án - 2

 Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng các chiến sĩ hình sự lội suối vào hiện trường vụ thảm sát ở Nghệ An

Trăn trở những vụ trọng án

Đầu năm 2015, C45 đã triệt phá được băng nhóm trộm xăng đặc chủng máy bay với quy mô lớn. Trong hơn hai năm, băng nhóm này hút trộm của Hãng hàng không Jetstar Pacific 600 – 900 lít xăng/ngày.

Các đối tượng hút trộm xăng đặc chủng ngay trong khu vực sân bay vốn được bảo vệ rất cẩn mật. Thời gian đầu, công tác trinh sát chưa thể nắm sâu được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này. Sau đó, bằng những biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện đường dây tiêu thụ xăng đặc chủng và phát hiện được phương thức, thủ đoạn vận chuyển của chúng. Về mặt kỹ thuật, với loại xăng này, khi rút từ máy bay ra thì không thể sử dụng được, nên các đối tượng đã bán lượng xăng này cho đường dây tiêu thụ để tự pha chế thành một loại xăng khác, đưa vào các động cơ máy nổ, tàu kéo, sà lan. Dù giá thành rẻ nhưng loại dầu này làm hỏng các thiết bị, động cơ sử dụng.

Tướng Hồ Sỹ Tiến cho rằng, thành công lớn nhất của chuyên án này là cảnh báo vấn đề an ninh của các sân bay vốn rất nghiêm ngặt nay đã phát hiện ra một lỗ hổng khi không kiểm soát chặt chẽ các đối tượng vận chuyển chất cấm từ sân bay ra ngoài và từ ngoài vào sân bay. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và ngành hàng không đã kịp thời chấn chỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục C45 trong việc bóc gỡ đường dây trộm cắp hành lý ở sân bay.

Thiếu tướng Tiến cũng cho biết, những vụ thảm án xảy ra liên tiếp trong năm qua cũng khiến ông trăn trở, nhiều đêm mất ngủ. Phá xong trọng án, các trinh sát đều cảm thấy nhẹ lòng hơn khi tìm ra hung thủ và khiến chúng phải trả giá trước pháp luật. Thế nhưng, đằng sau đó là nhiều tâm tư giằng xé bởi những hậu quả vô cùng đau xót, mỗi số phận con người, mà mỗi vụ án để lại. Đơn cử vụ án giết 4 người trong một gia đình ở Nghệ An xảy ra đầu tháng 7/2015, Vi Văn Hải đã phải trả giá cho hành vi bộc phát tàn độc của mình bằng bản án tử hình. Nhưng Hải phải chết để lại người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ nheo nhóc.

Dẻo dai lội bộ vì là “con nhà nông”

Trong những vụ trọng án xảy ra, nhiều người không khỏi khâm phục trước hình ảnh một vị Tướng Công an không ngại gian khổ, cùng đồng đội trèo đèo, lội suối, băng rừng vào tận hiện trường vụ án để tìm manh mối. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ: “Bản thân tôi vốn là con nhà nông nên được rèn luyện từ nhỏ. Ngày xưa, từ nhà tôi lên rừng là 25km, cứ cuối tuần nghỉ học là tôi lại cùng mẹ kéo xe lên rừng để lấy củi về đốt. Ngày đi học cấp III, ngày nào tôi cũng dậy từ rất sớm và đi bộ 5km tới trường. Sau đó, nhờ cơ duyên tôi vào Trường An ninh và trong môi trường ấy, chúng tôi cũng được rèn luyện rất nhiều. Việc luyện tập như một thói quen vẫn được giữ đến tận bây giờ”.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần sát cánh phá án cùng đồng đội, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhắc lại vụ án vào khoảng những năm 2000, khi hai tên tử tù ở Hà Nội trốn trại thoát ra ngoài: “Đó là khoảng thời gian sau Tết, khi nhận được tin, tôi đang đi chiếc xe “cà tàng” từ nhà ở phố Trung Yên lên phố Nguyễn Thái Học thì xe hết xăng, tôi vứt luôn xe ở vỉa hè rồi lên hiện trường mà không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Gần một tuần ở hiện trường phá án là gần một tuần không có điện thoại, không tư trang cá nhân mang theo”.

Ông kể, trong vụ án năm đó, Giám đốc Công an thành phố đã huy động tới 1.000 cán bộ chiến sĩ của Công an TP Hà Nội, CSGT đường thủy, Cảnh sát trật tự, cơ động và các lực lượng khác lên Phúc Thọ bao vây một bãi ngô rộng lớn mênh mông nơi ngã ba sông Hồng. Tất cả các lực lượng tổ chức “càn” trong bãi ngô nhằm tìm ra hai tên tử tù đang lẩn trốn, còn lực lượng công an Hà Tây bố trí vòng vây ở phạm vi ngoài.

Sau vài đêm truy quét, đến rạng sáng, lực lượng công an bắt được một đối tượng đóng giả người dân, đội mũ rơm đi câu cá trên bờ đê. Đối tượng còn lại đã bơi qua bờ sông trốn sang làng bên cũng bị công an phát hiện, bao vây và bắt giữ khi đang lẩn trốn trong một đống rơm. “Khi một vụ án được phá xong, mọi người đều rất vui vì đó là khi họ được rời hiện trường về với gia đình. Nghiệp điều tra của chúng tôi, với việc thường xuyên đấu tranh phá án thì không có vụ án nào là nhàn và đơn giản cả. Mọi thứ khi ấy đều ở trong bóng tối nên vô cùng phức tạp, chúng tôi luôn phải lao tâm khổ tứ, thậm chí nhiều đêm mất ngủ”, vị Tướng công an chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Báo Giao thông))
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN